Đầu tư, khai thác các Trung tâm Văn hóa thể thao còn vướng mắc, bất cập
Việc quy hoạch, đầu tư, quản lý các Trung tâm Văn hóa thể thao (TTVHTT) từ cấp thành phố tới xã, phường ở Đà Nẵng hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng. Thực trạng trên đã được Đoàn giám sát của HĐND TP chỉ rõ trong chuyên đề giám sát mới đây.
Loay hoay cơ chế xã hội hóa
Thời gian qua Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất, dành nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh hệ thống TTVHTT từ cấp thành phố tới phường, xã. Hiện 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có TTVHTT, trong đó phần lớn đều có sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, thư viện, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân tennis. Riêng TTVHTT quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn còn có thêm Nhà biểu diễn nghệ thuật.
Tại cấp xã, phường, toàn thành phố có 33/56 phường, xã đã có đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đủ các hạng mục thiết chế như: Nhà văn hóa, khu thể thao, sân vận động, khu vui chơi giải trí, công viên vườn dạo; 20/56 TTVHTT chưa đầy đủ cơ sở vật chất cơ bản (chỉ có hoặc nhà văn hóa/khu thể thao/công viên vườn dạo/khu vui chơi). Riêng 3 xã Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Phong hiện chưa đầu tư TTVHTT.
Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2025 thì 100% quận huyện có TTVHTT, tỷ lệ này ở cấp xã là 80%. Với Đà Nẵng hiện đã hoàn thành trước mục tiêu về TTVHTT cấp quận huyện, còn cấp xã đạt khoảng 59%. Riêng TTVHTT thành phố, mục tiêu của Chính phủ hoàn thành 100% vào năm 2020, nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa đầu tư. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (TTVHĐA) thành phố sau nhiều lần thay đổi vị trí, đến nay, UBND thành phố có chủ trương xây dựng tại khu đất phía Đông Trung tâm Hội chợ triển lãm với quy mô khoảng 4,8ha, đang lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương dự án, tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.
Theo Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND TP, do phải chuyển đổi địa điểm làm việc nhiều lần trong hơn 10 năm qua, hiện tại cơ sở vật chất vẫn chưa được bố trí ổn định và chưa đảm bảo các điều kiện để tổ chức các hoạt động chuyên môn của đơn vị nên việc tổ chức các hoạt động như hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, các lớp năng khiếu, nghệ thuật… của TTVHĐA thành phố đều phải tìm địa điểm hoặc thuê bên ngoài.
Chưa kể, kinh phí hạn hẹp, không đáp ứng các yêu cầu mở rộng hoặc nâng cao hoạt động, nên TTVHĐA thành phố không thể tham gia đầy đủ các đợt liên hoan, hội diễn, tập huấn chuyên môn do Bộ VH-TT&DL tổ chức, dẫn đến hạn chế việc học tập và giao lưu với các địa phương bạn. Với các TTVHTT quận, Đoàn giám sát cho biết, hiện quận Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu đang triển khai việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh với các hình thức như tự kinh doanh, liên kết đầu tư, phối hợp các CLB thể thao, CLB văn hóa tổ chức các hoạt động…
Các đơn vị khác thì vẫn còn lúng túng trong việc tìm đối tác và xây dựng đề án sử dụng tài sản công. Đối với TTVHTT cấp phường, xã, trước thời điểm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, nhiều TTVHTT phường, xã có địa điểm thuận lợi đã chủ động trong việc cho tư nhân thuê mặt bằng để đầu tư và tổ chức hoạt động (các CLB thể dục dưỡng sinh, thẩm mỹ, yoga, võ thuật…) tại các điểm thiết chế, qua đó đã góp phần thúc đẩy cho đơn vị hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân và hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, do thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên hoạt động xã hội hóa tại các TTVHTT phường, xã bị tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động.
Còn đó những bất cập
Đoàn Giám sát cho biết, công tác quy hoạch, bố trí đất cho các công trình, thiết chế VHTT tại Đà Nẵng tuy được quan tâm rà soát, bổ sung nhưng còn nhiều bất cập, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Diện tích đất dành cho VHTT tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của quốc gia phân bổ. Cụ thể, đất đầu tư cho văn hóa thấp hơn 31,45 ha, đất đầu tư cho thể dục thể thao thấp hơn 3,89 ha. Quỹ đất dành cho VHTT tại các khu vực trung tâm thành phố còn hạn chế. Nhiều thiết chế từ cấp thành phố đến cơ sở tuy đã được quy hoạch trong mạng lưới, đã đề ra mục tiêu đầu tư xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa chọn được địa điểm xác lập thủ tục đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch một số thiết chế VHTT cơ sở chưa dựa vào quy mô dân số, phân khu vực phục vụ nên việc tính toán quy mô sử dụng đất chưa đảm bảo, thiếu sự kết nối giữa các khu vực, địa phương.
Cũng theo Đoàn giám sát, tiến độ đầu tư xây dựng các TTVHTT cơ sở trên địa bàn thành phố không đạt theo tiến độ đề ra. Đơn cử, TTVHTT Hòa Vang (cơ sở 2 tại xã Hòa Sơn) đã quy hoạch địa điểm nhưng chưa được đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người dân phía Tây Bắc Hòa Vang và đảm bảo tiêu chí đô thị (thị xã). Nhà văn hóa của 113 thôn chỉ đầu tư xây dựng chủ yếu hạng mục hội trường làm nơi tổ chức hội họp ở thôn, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân thôn.
Nhiều công trình, thiết chế chưa được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, còn thiếu nhiều hạng mục so với tiêu chuẩn, máy móc, trang thiết bị hoạt động chưa được trang bị đầy đủ, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng nhưng chậm sửa chữa, một số công trình đầu tư kéo dài trong nhiều năm chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp.
Đoàn giám sát đề nghị thành phố cần đảm bảo quỹ đất đầu tư cho VHTT theo quy hoạch, xây dựng các TTVHTT quận huyện xứng tầm, có cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế VHTT các cấp…Ngoài ra, cần hoàn thiện, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực làm công tác VHTT các cấp.