Đầu tư khoa học cho y dược cổ truyền để chủ động trong khám, chữa bệnh
Phát triển dược liệu trong nước đã được quan tâm, tuy nhiên, vẫn có những dược liệu không nuôi trồng được và buộc phải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Việt Nam đang tăng cường nuôi trồng dược liệu để đối trọng giữa nhập khẩu và xuất khẩu.
Tại cuộc họp báo sáng 16/11, lãnh đạo Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang hướng tới việc tham gia vào thị trường dược liệu toàn cầu với tổng giá trị các sản phẩm dược liệu hơn 2 tỷ USD.
Quy hoạch phát triển dược liệu được Chính phủ quan tâm, thực hiện quy hoạch tổng thể từ năm 2013. Đến năm 2021, Chính phủ ký Quyết định 1719 về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nội dung phát triển dược liệu quý. Những chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - khu vực có khí hậu phù hợp để phát triển dược liệu.
Theo TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, dược liệu trong nước đã được quan tâm, nhưng vẫn có những dược liệu không nuôi trồng được và phải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Việt Nam đang tăng cường nuôi trồng dược liệu để đối trọng giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Tuy nhiên, Nghị định 54 yêu cầu các đơn vị xuất khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn GMP (Là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn về sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhằm bảo đảm thuốc, nguyên liệu làm thuốc luôn được sản xuất và kiểm tra một cách nhất quán theo các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng và yêu cầu của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc) của WHO, tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc có tiêu chuẩn riêng.
Theo đó, Cục Y dược cổ truyền đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định sao cho phù hợp với tình hình thị trường các nước.
“Để đối trọng với lượng nhập khẩu, Việt Nam cần đầu tư về mặt khoa học, nghiên cứu làm sao có các dược liệu, sản phẩm thay thế. Đặc biệt, được Hội đồng Dược điển đánh giá giá trị chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn làm thuốc theo đúng quy định của pháp luật. Hội đồng dược điển và Viện kiếm nghiệm thuốc T.Ư phối hợp với nhiều cơ quan khác để cùng vào cuộc, đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đầu tư vào nuôi trồng… để có những sản phẩm dược liệu thay để chủ động phần nào trong công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyển”, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền nói.
Ông Thịnh cũng cho biết, năm 2019, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội chợ dược liệu và các sản phẩm của y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất đã nhận được sự quan tâm.
Theo ông Thịnh, hiện nay, nhiều đơn vị đã đầu tư để nuổi trồng và phát triển dược liệu theo liên kết chuỗi quy mô công nghiệp, hướng tới sản xuất dược liệu theo hướng chuyên canh, tạo thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường theo vùng miền. Tuy nhiên, nhiều đơn vị nuôi trồng dược liệu còn lúng túng vì chưa tiếp cận được với các đơn vị kinh doanh, phân phối và sử dụng trong và ngoài nước.
“Việc tổ chức Hội chợ về dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu sẽ tạo ra kênh kết nối cung cầu cho các đơn vị trong việc hình thành chuỗi giá trị và liên kết giữa nhà quản lý, nhà nông, doanh nghiệp và người sử dụng; là địa điểm giới thiệu cho người dân và các tổ chức tìm hiểu tính đặc thù, tri thức y học cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt nam; về tính đa dạng, giá cả và chất lượng của dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo kế hoạch Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 20/12 đến ngày 23/12 tới. Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 300 gian hàng tham gia trưng bày dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu của các cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, các tổng công ty dược, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, cơ sở nuôi trồng dược liệu; các bệnh viện y dược cổ truyền trên cả nước.