Đầu tư không xứng tầm, khó nâng chất lượng giáo dục Đại học
Thiếu đầu tư thích đáng thì khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo.
Đây là thực tế mà nhiều cơ sở giáo dục đại học nhận thấy và mong muốn Nhà nước hỗ trợ các trường khi thực hiện tự chủ, nhất là chính sách về tài chính.
Những khó khăn chung
Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 901 phê duyệt Đề án đổi mới hoạt động Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh). Sau 8 năm thực hiện cơ chế tự chủ, trường đã đổi mới cả chất và lượng. Người học được hỗ trợ nhiều chế độ chính sách, dịch vụ tốt hơn, thu nhập của người lao động tăng, công tác nghiên cứu khoa học có nhiều bứt phá.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thiếu sự đầu tư đúng mức cho các trường đại học cũng gián tiếp làm mất cân đối nguồn nhân lực. Các trường sẽ chạy theo các ngành dễ tuyển sinh, chi phí đào tạo thấp khi nguồn lực tài chính có hạn.
Tuy nhiên, đi cùng thành tựu là những khó khăn. Do thực hiện tự chủ, nhà trường bị cắt 100% đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Trong 3 năm gần đây, học phí giữ nguyên nhưng mọi chi phí liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập đều cao hơn giai đoạn 5 năm trước khoảng 20 - 30%.
Đại diện nhà trường, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết, lương cơ sở gần đây tăng kéo theo lương, phụ cấp của giảng viên toàn trường tăng 20 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, nguồn thu không tăng nên buộc nhà trường phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm các khoản chi thưởng, du lịch cho giảng viên, đồng thời giảm đầu tư cho hoạt động thí nghiệm, thực hành của người học.
Ông Phạm Thái Sơn nêu con số, những năm trước, nhà trường trích khoảng 150 tỉ đồng từ học phí cho hoạt động nêu trên, nay chỉ còn khoảng 115 tỉ đồng. “Thời gian qua, nhà trường đã đầu tư nguồn lực để có thêm 100 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu thu nhập không tốt, có thể vài năm sau, nhiều giảng viên có thể chuyển sang trường tư thục vì họ đang có chính sách thu hút giảng viên”, đại diện nhà trường cho biết.
Khó khăn của Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh khá tiêu biểu cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Bởi khi thực hiện tự chủ, các trường sẽ bị cắt chi thường xuyên, dẫn đến nguồn thu giảm mạnh, các khoản chi đầu tư buộc phải hạn chế. Khó giữ chân giảng viên giỏi, siết chặt chi tiêu cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các trường đại học cũng khó nâng cao chất lượng đào tạo.
Lãnh đạo một trường đại học công lập ở TP Hồ Chí Minh (xin không nêu tên) cho rằng, nếu Nhà nước không đầu tư, không có chính sách hỗ trợ tài chính, nguồn lực, các trường thực hiện tự chủ rất khó khăn. Việc cắt ngay ngân sách sau khi tự chủ khiến nhiều trường rơi vào cảnh “bơ vơ”, vì nguồn thu chỉ trông vào học phí.
Trong khi đó, học phí “không thể năm nào cũng tăng” vì sức chịu đựng của người học có hạn. Vật giá lại đang leo thang, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. “Nguồn lực tài chính chủ yếu đến từ học phí thì chỉ đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên ở mức hạn hẹp. Duy trì hoạt động được đã là điều khó thì làm sao tính đến việc nâng cao chất lượng”, vị này chia sẻ.
Theo dõi và nghiên cứu về tiến trình tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đúc kết, thách thức lớn nhất với tự chủ đại học hiện nay chủ yếu liên quan đến tài chính đại học. Trong đó, nổi lên các vấn đề như: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay còn hạn chế…
Tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 6/7 trường thành viên thực hiện tự chủ chi thường xuyên cũng không ngoại lệ. Phần lớn các trường gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Ngoài ra, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và giáo dục của Nhà nước chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học có tiềm năng phát triển nhanh, mạnh mẽ như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Hải Quân cũng nêu thực trạng, kinh phí cho nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng đủ nhu cầu và có xu hướng giảm dần, nhất là so với các nước trong khu vực. Hiện, chưa có cơ chế để các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư, đặt hàng cho các trường đại học nhận ngân sách từ Trung ương.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nếu không có hệ thống giải pháp đồng bộ, những thách thức này sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh. Số sinh viên chọn ngành khoa học kỹ thuật công nghệ bao gồm cả đại học và sau đại học càng ngày càng giảm, dẫn đến mất cân đối trong lĩnh vực đào tạo ngành nghề.
Vấn đề này cũng được một số trường nêu tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai Đại học Quốc gia gần đây (ngày 6/9). PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định, cơ chế, chính sách đầu tư cho các trường đại học công lập chưa theo kịp với nhu cầu về chính sách tự chủ.
Đơn cử, trong việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang thiếu sự đầu tư cần thiết. Theo Nghị định 81/2021/ND-CP, sinh viên được miễn học phí nếu theo học các chuyên ngành Triết học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và một số ngành, nghề chuyên môn đặc thù.
Tuy nhiên, những ngành khoa học cơ bản như: Lịch sử, Địa lý, Dân tộc học, Hải dương học, Địa chất không thuộc diện miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển sinh, đào tạo các ngành khoa học cơ bản bởi những ngành này “kén” người học.
“Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta không có sự đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay”, bà Ngô Thị Phương Lan nói.
Các trường thuộc khối kỹ thuật - công nghệ cũng không nằm ngoài những khó khăn trên. PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, đang xảy ra những bất cập trong cơ cấu các ngành học khi xu thế của người học là chạy theo những ngành “hot”, mang tính phong trào, trong khi ngành cần thiết cho xã hội và đất nước thì không nhiều. Do đó, ông Mai Thanh Phong đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các ngành học cần thiết này.
Cần đầu tư thích đáng
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục đại học, do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối tháng 8/2023, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục với chia sẻ: “Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu”.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng, tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học là giải pháp quan trọng nhất trong bài toán tự chủ đại học.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ngân sách chi cho giáo dục đại học hằng năm ở Việt Nam chiếm 0,27% GDP là tương đối thấp. Trong khi đó, ở các nước khác, tỷ lệ này là 1 - 1,5%. Do đó, chuyên gia này đề xuất, Nhà nước cần điều chỉnh lại phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tăng hợp lý tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục đại học.
Ngoài ra, cần tạo cơ chế, chính sách để các trường đại học tìm kiếm nguồn tài chính khác ngoài ngân sách và học phí để giảm áp lực cho người học. Các nguồn tài chính đó có thể đến từ nhà tài trợ, mạnh thường quân hoặc những hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất, dịch vụ.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đề xuất tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học để tự chủ đại học bền vững. Theo ông, bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Bởi thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.
Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm). Trong trường hợp chưa tăng học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách. “Cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác hình thức đối tác công - tư PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng”, ông Vũ Hải Quân nói.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế đặt hàng đào tạo. Những ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm các nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Văn hóa, nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông, Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, cần có cơ chế để các trường đại học có thêm kinh phí ngoài đầu tư của Nhà nước và đóng góp từ người học.
Ông Mai Thanh Phong nêu ví dụ, có thể khai thác tài sản công như nhà cửa, đất đai và tài sản trí tuệ. Hiện nay, việc này khó thực hiện do có nhiều quy định liên quan ràng buộc và phức tạp. “Nên chăng với lĩnh vực giáo dục hoặc y tế, cần có những cơ chế đặc thù hơn để cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng tài sản hợp pháp, hợp lý để có thêm kinh phí?”, ông Mai Thanh Phong đề xuất.
Lãnh đạo một số trường đại học khác cũng cho rằng, cần có cơ chế tăng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ và dịch vụ của cơ sở giáo dục đại học. Trên thực tế, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường hầu như không đáng kể, gây ra sự lãng phí nguồn lực là chất xám rất lớn. Ngoài ra, bản thân các trường đại học cũng cần tự vận động bằng việc kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên, tổ chức xã hội, xây dựng các quỹ học bổng, khởi nghiệp.
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai Đại học Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét cơ chế về nguồn thu cho cơ sở giáo dục đại học. Với khối Đại học Quốc gia, để nguồn thu từ nghiên cứu, tài sản tăng lên, chính phủ có thể tăng đặt hàng nghiên cứu quốc gia, cũng như cho các trường được phép kinh doanh một số tài sản của mình.