đầu tư 'khủng' vào sân bay Gia Bình để thành cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô

Chỉ chưa đầy một năm, sân bay Gia Bình nhanh chóng được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế và trở thành sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô.

Sân bay Gia Bình được khởi công xây dựng tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vào sáng 10-12-2024. Mục tiêu ban đầu là sân bay phục vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, để giảm tải cho sân bay Nội Bài, đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo hoạt động các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu đầu tư sân bay này thành cảng hàng không lưỡng dụng (quốc phòng và dân sự).

Triển khai chỉ đạo của Thủ Tướng, chỉ hai tháng sau (tháng 2-2025), Bộ Xây dựng đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không của cả nước. Trong đó xác định đây là sân bay quốc tế thứ 15 của Việt Nam.

 Mô phỏng sân bay quốc tế Gia Bình. Ảnh: Bộ Xây dựng

Mô phỏng sân bay quốc tế Gia Bình. Ảnh: Bộ Xây dựng

Tiếp đó, Bộ Xây dựng tiến hành lập quy hoạch cảng hàng không Gia Bình. Trong đó, cấp thẩm quyền xác định đây là sân bay có quy mô cấp 4E (theo tiêu chuẩn của ICAO), công suất 5 triệu hành khách mỗi năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay tăng công suất lên 15 triệu hành khách mỗi năm.

Cảng có một đường băng rộng 45m, dài 3.500m và đảm bảo khai thác các máy bay Boeing B777, B787, A350, A321, máy bay chuyên cơ, chuyên dùng khác.

Diện tích sân bay Gia Bình dự kiến khoảng hơn 408 ha.

Với quy mô trên, từ nay đến 2030, sân bay Gia Bình cần đầu tư khoảng 25.614 tỉ đồng, tầm nhìn 2050 khoảng 12.083 tỉ đồng.

Để dự án phát huy hiệu quả, Thủ tướng đang giao Hà Nội và Bắc Ninh làm tuyến đường kết nối để người dân từ thủ đô thuận tiện di chuyển đến sân bay.

 Quy hoạch ban đầu của sân bay Gia Bình.

Quy hoạch ban đầu của sân bay Gia Bình.

Theo báo cáo của hai địa phương, tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội dài hơn 45 km, gần bằng chiều dài từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội (khoảng 34km). Trong đó, đoạn qua địa bàn Hà Nội là 14 km, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh khoảng 31,6 km, quy mô mặt cắt ngang 120 m, tương đương 10 làn xe; tổng mức đầu tư khoảng 40.300 tỉ đồng.

Về hình thức đầu tư tuyến này, tại buổi làm việc với Thủ tướng vào chiều 10-5, chính quyền Hà Nội và Bắc Ninh đề nghị chia dự án thành hai dự án thành phần tương ứng tuyến đường đi trên hai địa phương. Hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Để đồng bộ với hoạt động sân bay Gia Bình, Bộ Xây dựng đã bổ sung quy hoạch thêm bốn cảng cạn gắn với sân bay này.

Các cảng cạn này gồm: Cảng cạn Tân Chi huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; cảng cạn Quế Võ huyện Quế Võ, Bắc Ninh; cảng cạn Yên Phong huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và cảng cạn Gia Bình huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Hiện Thủ tướng đang thúc các bộ, ngành địa phương nỗ lực, cố gắng để hoàn thành các công trình trên kịp phục vụ các hoạt động đối ngoại tại APEC 2027.

Với quy mô như trên, sân bay Gia Bình đã nhanh chóng trở thành sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô. Đây cũng là sân bay được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tổ chức nhiều cuộc họp để sớm đưa dự án về đích.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dau-tu-khung-vao-san-bay-gia-binh-de-thanh-cang-hang-khong-thu-2-vung-thu-do-post849132.html