Đầu tư lớn vào nuôi trồng, chế biến thủy sản

Để vượt qua khó khăn do Covid-19, nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư vùng nuôi trồng, nhà máy chế biến.

Tăng cường đầu tư vùng nuôi trồng đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp thủy sản. Ảnh: Đ.T

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - Cú hích cải thiện kinh doanh

Covid-19 như “cơn bão” bất ngờ ập đến, cuốn đi doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản. Dù lường trước rủi ro của dịch bệnh, nhưng mức độ ảnh hưởng lớn hơn dự tính, nên trong nửa đầu năm nay, hầu hết doanh nghiệp thủy sản đạt chỉ tiêu kinh doanh ở mức thấp.

Chẳng hạn, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (mã: VHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.630 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, lãi ròng của Vĩnh Hoàn giảm hơn 200 tỷ đồng (gần 49% so với cùng kỳ), từ 419 tỷ đồng, giảm còn 215 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, Vĩnh Hoàn mới hoàn thành 34,6% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Với việc EVFTA đã chính thức được thực thi từ ngày 1/8, các chuyên gia trong ngành thủy sản nhận định, đây sẽ là cú hích lớn giúp doanh nghiệp thủy sản cải thiện kinh doanh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm…

Tuy nhiên, theo ông Hòe, bên cạnh những lợi thế, EVFTA cũng có một số thách thức về hàng rào kỹ thuật mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải lưu ý.

“Đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt cần đáp ứng để khai thác được lợi thế của mình, nếu không sẽ gặp khó khăn”, ông Hòe nhấn mạnh.

Đầu tư vào nuôi trồng và chế biến

Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) đã tích cực nâng cao chất lượng chuỗi sản xuất. Nam Việt đang gấp rút hoàn thiện Dự án Bình Phú, quy mô gần 600 ha nuôi trồng. Ðây là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 khu, trong đó, khu sản xuất giống cá tra 3 cấp có diện tích 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Với dự án trên, Navico sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, nâng cao sản lượng sản xuất từ con giống đến fillet xuất khẩu.

Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Navico, vấn đề cốt lõi của ngành chế biến cá tra là sự thiếu hụt về con giống, dẫn đến thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Do vậy, khép kín quy trình sản xuất là việc cần thiết để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

“Sản phẩm chế biến có lộ trình giảm thuế theo EVFTA trong 3 - 7 năm. Trong thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư thêm công nghệ sản xuất hiện đại để sản xuất sản phẩm chế biến sâu”.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Dự kiến trong năm 2020, khi dự án trên đi vào hoạt động, tổng giá trị xuất khẩu của Navico sẽ tăng gấp đôi, lên 250 - 300 triệu USD/năm, riêng dự án này đóng góp khoảng 150 triệu USD.

Tương tự, Vĩnh Hoàn cũng là đơn vị tiếp tục đầu tư chuỗi giá trị, với 3 dự án chính là xây dựng trại cá giống Vĩnh Hoàn, mở rộng dây chuyền sản xuất Nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen và xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá, tổng vốn đầu tư 205 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn cũng dành 30 tỷ đồng xây dựng vùng nuôi nhỏ và cải tạo các vùng nuôi hiện thời, đồng thời đầu tư mới kho lạnh tại Vĩnh Phước... Tổng chi phí đầu tư trong năm 2020 của Vĩnh Hoàn dự kiến là 580 tỷ đồng.

Collagen và gelatin (C&G) là các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ ngành dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố kỳ vọng sẽ kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. “Sản phẩm này đang phát triển tốt, hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kỳ vọng tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn”, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO của Vĩnh Hoàn cho hay.

Trong khi đó, Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng mở rộng vùng nuôi tôm với diện tích khoảng 81 ha vào đầu năm 2020, bên cạnh vùng nuôi tôm cũ tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), nâng tổng diện tích nuôi tôm của Sao Ta lên 270 ha, tăng 30% so với năm 2019. Tháng 5/2020, Sao Ta đã hoàn thành công tác thả giống tại vùng nuôi này, dự kiến đến tháng 10/2020 sẽ bắt đầu thu hoạch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta cho biết, Công ty đang chú trọng đầu tư nuôi trồng, chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo chất lượng và tâm thế để đón cơ hội từ EVFTA.

“Cửa mở sau EVFTA, nhưng bên trong lại có nhiều rào cản. EU đòi hỏi thủy sản cũng như các mặt hàng khác xuất khẩu khác phải đảm bảo tiêu chuẩn của họ. Chẳng hạn, tôm nuôi phải có chứng nhận quốc tế. Do vậy, Sao Ta đã mở rộng vùng nuôi của mình đạt chuẩn. Cụ thể, ngay trong năm 2020, Sao Ta đã tăng thêm khoảng 90 ha nuôi tôm”, ông Lực cho hay.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-lon-vao-nuoi-trong-che-bien-thuy-san-d127829.html