Đầu tư năm 2024: Cơ hội từ chứng khoán, cẩn trọng với vàng

Về nửa sau năm 2024, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng với kênh vàng. Giá vàng nhẫn tăng mạnh và vượt giá vàng miếng là hiện tượng bất thường và có thể là một dấu hiệu của sự biến động mới.

Xu hướng chung là... uptrend

Mặc dù chưa đưa ra lộ trình rõ ràng nhưng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã gửi tín hiệu tới thị trường về việc có thể sẽ giảm lãi suất vào cuối quý 3 đầu quý 4/2024 sau khi thấy rằng tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 đã kiểm soát được ở mức lạc quan hơn dự báo dù vẫn còn xa lạm phát mục tiêu là 2%.

Trong khi đó, kinh tế quý 2 của Việt Nam có nhiều gam màu sáng khi GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ…, theo đó có thể kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố.

Chứng khoán, bất động sản... được cho là hấp dẫn để đầu tư nửa sau 2024

Chứng khoán, bất động sản... được cho là hấp dẫn để đầu tư nửa sau 2024

Nhận định về các kênh đầu tư, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, trong nửa sau của năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn so với nửa đầu năm 2024 bởi đây là “hàn thử biểu của nền kinh tế”. Nếu kinh tế phục hồi mạnh vào nửa sau của 2024 thì thị trường chứng khoán sẽ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ đó.

Cụ thể, những mã chứng khoán liên quan đến khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông và đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng sẽ có tính bền vững, hấp dẫn so với các mã cổ phiếu khác.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng xu hướng chung của thị trường năm nay là "uptrend". “Năm ngoái VN-index tăng 12% thì năm nay tăng khoảng 18%, tốt hơn năm ngoái thì không phải là điều gì quá lạc quan khi mà nền kinh tế đã khởi sắc hơn”.

“Quy mô vốn hóa của thị trường đã tăng lên rất nhiều, không có lý gì mà VN-Index có thể nằm dưới 1.200 lâu như thế cả, không cũng phải trung tính hơn tăng lên 1.350, lạc quan hơn chút”, ông Khánh nêu.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

Kể cả trong bối cảnh chỉ số VN-Index chưa bứt phá, không tăng nhiều thì ông Khánh vẫn cho rằng có cổ phiếu nổi trội hơn.

“Nếu như trước đây chúng ta hay nói về những nhóm ngành chung thì nửa cuối và đặc thù trong năm 2024 này sẽ là cơ hội của các cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có sự nổi trội về kết quả kinh doanh, cổ phiếu có sự thay đổi từ khó khăn mà đi lên hoặc những cổ phiếu đang tăng trưởng mà có kết quả kinh doanh đột phá… trong các lĩnh vực như hóa chất, ngành thép, dệt may, bất động sản khu công nghiệp…”, ông Khánh nói.

Các luật liên quan hiệu lực sớm là cú hích cho bất động sản

Với bất động sản, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các loại hình đất nông nghiệp, đất nền, thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch vẫn chưa thấy khởi sắc nhưng bất động sản tại các đô thị cũng và công nghiệp là hai khu vực phát triển tốt nhất từ đầu năm 2024 và dự báo tiếp tục tiềm năng đến cuối năm 2024. Lý do công nghiệp là ngành phát triển tốt khi đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, bất động sản, nhà ở tại những thành phố lớn mặc dù giá cao nhưng nhu cầu vẫn rất lớn nên đây vẫn là kênh đầu tư mang lại hiệu quả cao.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi hiệu quả của các luật và nghị định liên quan. Đặc biệt khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc.

"Nguồn cung về bất động sản và nhà ở cũng đang có dấu hiệu tăng và hy vọng sau ngày 1.8, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực", ông Nghĩa nêu.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Nghĩa, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nếu được ban hành và thực hiện vào ngày 1.8.2024 sẽ là điểm sáng vô cùng quan trọng cho việc phục hồi kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng.

“Đây là những luật và nghị định có tác động lan tỏa rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải và đặc biệt là ngành xây dựng. Nhóm 3 luật trên cũng là một trong những động lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân tín dụng ngân hàng và vượt qua thời kỳ đóng băng của thị trường bất động sản”, ông Nghĩa nói.

Cẩn trọng với vàng

Đối với vàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là lĩnh vực đầu tư có lẽ nên cẩn trọng nhất vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. Đặc biệt, 2024 là năm mà Nhà nước rất quan tâm đến thị trường vàng và sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ.

“Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ trong chương trình bình ổn giá, nhưng giá vàng nhẫn lại đang tăng mạnh và vượt giá vàng miếng, một hiện tượng bất thường và có thể là một dấu hiệu của sự biến động mới”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Đối với thị trường ngoại hối, ông Hiếu cho hay tỷ giá đã tăng gần 5% từ đầu năm đến nay và hiện đang ở mức khoảng 25.320 đồng/USD. Nhìn về 6 tháng cuối năm 2024, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt khi Mỹ giảm lãi suất có thể áp lực về tỷ giá sẽ giảm.

“Nhưng nhiều bất ngờ có thể xảy ra liên quan đến cuộc tranh cử Tổng thống tại Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed. Dầu sao, thị trường ngoại hối không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như nhiều năm trước đây”, ông Hiếu chia sẻ.

Còn Crypto Currency-tiền mã hóa, ông Hiếu cho rằng lĩnh vực này vẫn đang được cơ quan quản lý “nhìn” với con mắt rất dè dặt nhưng cũng chưa có động thái mang tính cấm đoán ngoài quy định vẫn có từ trước là không dùng đồng tiền mã hóa trong thanh toán. Tuy nhiên, trong trường hợp có những biến động lớn về địa chính trị, và kinh tế toàn cầu thì có thể vai trò của crypto sẽ lên ngôi và khi đó sẽ tạo một áp lực rất lớn lên Ngân hàng Nhà nước.

“Có lẽ cơ quan quản lý cần sớm thực hiện chương trình thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox). Chúng ta không thể để ngỏ, đứng ngoài lề những biến động của vấn đề này bởi các tác động sẽ rất lớn đến thị trường tài chính, kinh tế, xã hội Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dau-tu-nam-2024-co-hoi-tu-chung-khoan-can-trong-voi-vang-222073.html