Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (TTE): Kinh doanh đi xuống, hàng loạt biến động nhân sự cấp cao
CTCP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (TTE) vừa chứng kiến hàng loạt thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc từ nhiệm.
Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Phạm Văn Lợi - thành viên Hội đồng quản trị và ông Lê Nhất Minh Xuân - thành viên Ban Kiểm soát cùng nộp đơn từ nhiệm một lúc. Đồng thời, ông Lê Văn Khoa, Tổng giám đốc TTE cũng từ chức.
Trước đó, ngày 18/12/2019, ông Tưởng và ông Xuân đã thoái thành công một nửa số vốn góp vào TTE, với tổng khối lượng gần 1,3 triệu cổ phiếu.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu của ông Tưởng từ 4,91% giảm còn 2,45% và của ông Xuân từ 3,86% xuống còn 1,93%.
Trong khi đó, ông Đinh Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTE đã mua thành công hơn 1,3 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 4,59%. Theo đó, ông Hoàng không còn là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Công ty.
Những biến động về nhân sự này diễn ra trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh 9 tháng của Công ty tiếp tục đi xuống.
TTE hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và truyền tải điện thông qua 4 nhà máy thủy điện: Nhà máy Thủy điện Đăk ne (trực thuộc Công ty mẹ), Nhà máy Thủy điện Tà Vi (trực thuộc Công ty mẹ), Nhà máy Thủy điện Đăk Pia (trực thuộc công ty con), Nhà máy Thủy điện Đăk Bla 1 (trực thuộc công ty con).
Các nhà máy thủy điện của Công ty hiện nay đều có công suất dưới 30 MW nên được xem là các thủy điện nhỏ.
Trường Thịnh có duy nhất một công ty con là Công ty TNHH Trung Việt (sở hữu 98% vốn điều lệ, tương đương 170,52 tỷ đồng).
Bên cạnh nguồn thu từ những hoạt động kinh doanh chính, Trường Thịnh còn có nguồn thu khác từ hoạt động thương mại vật tư xây dựng, thi công xây lắp ở công ty con này.
9 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TTE đạt 125,5 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 51,3%, còn 3,8 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 69% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận.
Trước đó, năm 2018, TTE cũng chỉ thực hiện được 62% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, nguyên nhân chính xuất phát từ việc Nhà máy Thủy điện Tà Vi phải đóng cửa một thời gian để sửa chữa do ảnh hưởng của bão, trong khi Nhà máy Đăk Bla 1 phát điện thương mại chậm tiến độ.
Bước sang năm 2019, dù các nhà máy điện đã khắc phục được sự cố và đi vào hoạt động ổn định, nhưng lợi nhuận tiếp tục suy giảm.
Nguyên nhân chính là giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng đáng kể.
Cụ thể, 9 tháng năm 2019, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng 38,1%, đạt 57,6 tỷ đồng.
Chi phí khác tăng 108%, đạt 257 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 9/2019, tiền và tương đương tiền của TTE giảm mạnh 80,5%, còn 5,5 tỷ đồng.
Dù tới nay, kết quả thu được không lấy làm tích cực, nhưng TTE thể hiện sự tự tin sẽ hoàn thành các kế hoạch đặt ra trong năm.
Ban lãnh đạo Trường Thịnh cho biết, giá bán điện từ tháng 7 tới tháng 10 hàng năm là giá bán điện mùa mưa (không áp dụng cộng giá công suất) nên doanh thu thường rất thấp, trong khi chi phí của nhà máy chủ yếu là chi phí khấu hao và lãi vay phân bổ đều trong các năm, khiến quý III thường lỗ.
Ngay cả như vậy, lũy kế 9 tháng, doanh thu bán điện của công ty mẹ vẫn tăng 14% và trên báo cáo hợp nhất tăng 24%, chủ yếu do doanh thu Nhà máy Đăk Bla 1 đem lại.
Trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy ổn định và công tác tích nước phát điện được đẩy mạnh, TTE tin rằng năm 2019 có thể đạt kế hoạch doanh thu - lợi nhuận đạt ra.
Đáng chú ý, TTE đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế trên 20 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2018. Trên cơ sở này, Công ty sẽ chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 6%.
Giá cổ phiếu TTE vừa có phiên tăng trần ngày 25/12, giao dịch ở mức 15.600 đồng/cổ phiếu.
Trong 1 năm qua, giá cổ phiếu này đã tăng 9,09%, nhưng thanh khoản rất yếu ớt, với khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 131 cổ phiếu/phiên.