Đầu tư nguồn điện cho phát triển các khu, cụm công nghiệp
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển công nghiệp, những năm gần đây Công ty Điện lực Nam Định đã chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống điện khá đồng bộ, hiện đại cung ứng đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong tổng sản lượng điện đã cung ứng của công ty năm 2019 là hơn 2,48 tỷ kWh... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển công nghiệp, những năm gần đây Công ty Điện lực Nam Định đã chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống điện khá đồng bộ, hiện đại cung ứng đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong tổng sản lượng điện đã cung ứng của công ty năm 2019 là hơn 2,48 tỷ kWh; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm gần 50%; sản lượng điện ở các khu, cụm công nghiệp luôn có mức tăng trưởng cao đạt khoảng 18,6%; đặc biệt Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) có mức tăng sản lượng lên đến 19,8%. Gắn với công tác đầu tư, ngành Điện luôn chú trọng, quan tâm, đặt lên hàng đầu công tác bảo đảm cung cấp điện an toàn, chất lượng, ổn định phục vụ hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động ở các khu, cụm công nghiệp.
Đồng chí Đoàn Quốc Kiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: Hiện nay, nguồn điện cung cấp trên địa bàn tỉnh được lấy từ 3 trạm biến áp 220kV là Ninh Bình, Nam Định, Trực Ninh và 12 trạm biến áp 110kV với 20 máy biến áp có tổng công suất hơn 600MVA. Lưới điện phân phối của tỉnh gồm có 2 cấp điện áp là 35kV và 22kV; trong đó khối lượng lưới điện 22kV chiếm hơn 78%, lưới 35kV chiếm gần 22%. Toàn tỉnh hiện có 90 đường dây trung thế với tổng chiều dài hơn 2.400km; trong đó có 14 đường dây 35kV và 76 đường dây 22kV. Số lượng máy biến áp trên địa bàn tỉnh đang không ngừng tăng lên, hiện tại đã lắp đặt hơn 3.350 chiếc phân bổ đồng đều ở các địa bàn dân cư, gắn liền với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Trong những năm tới, ngành Điện tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống điện đầu nguồn, đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV thuộc Dự án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035 (Hợp phần I) đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 1063/QĐ-BCT ngày 21-3-2016. Bên cạnh đó, hệ thống điện phân phối đang được mở rộng theo quy hoạch chi tiết lưới trung hạ áp sau các trạm 110kV thuộc dự án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035 (Hợp phần II) đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt theo Quyết định số 1474/QĐ-UBND ngày 18-7-2016. Về tình hình cung ứng điện cho các khu công nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp đang xây dựng và đi vào hoạt động là Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Rạng Đông. Các khu công nghiệp này đã được Công ty Điện lực Nam định đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện riêng, đồng bộ đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, đủ công suất yêu cầu cho các doanh nghiệp. Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) được cấp điện từ 2 dường dây 35kV của trạm 110kV Trình Xuyên và 1 đường dây 35kV ở trạm 110kV Ý Yên. Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) được cấp điện từ 5 đường dây 22kV trạm 110kV Mỹ Xá và 1 đường dây 22kV trạm 110kV Mỹ Lộc. Hệ thống các đường dây 35V và 22kV cung ứng điện đến các khu công nghiệp Bảo Minh, Hòa Xá đều có khả năng mang tải cao, kết nối mạch vòng liên lạc, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu công nghiệp hiện nay cũng như thời gian tới. Khu công nghiệp Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đã được đầu tư hệ thống lưới điện đồng bộ để đảm bảo cấp điện theo quy hoạch, tuy nhiên đến nay do số lượng doanh nghiệp đầu tư chưa nhiều nên mới chỉ cấp điện từ 1 đường dây 22kV trạm 220kV Nam Định. Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) hiện đang trong quá trình xây dựng nên mới được cấp điện từ 1 đường dây 22kV của trạm 110 kV Nghĩa Hưng. Theo quy hoạch, khu công nghiệp này được xây mới 2 trạm biến áp 110kV công suất lớn, đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi hoạt động tại đây. Đối với cụm công nghiệp, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 20 cụm công nghiệp được phân bố đều khắp ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Một số cụm công nghiệp có quy mô khá lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh như An Xá (thành phố Nam Định); Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực); thị trấn Cổ Lễ, Trực Hùng, Cát Thành (Trực Ninh); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Xuân Tiến, Xuân Bắc, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Yên Xá, Yên Ninh, thị trấn Lâm (Ý Yên); Hải Minh, thị trấn Thịnh Long, Hải Phương (Hải Hậu); Thịnh Lâm (Giao Thủy); Trung Thành, Quang Trung (Vụ Bản)... Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp điện bằng các nhánh đường dây trung thế riêng, đảm bảo đủ công suất yêu cầu của các doanh nghiệp. Đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm, hỗ trợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, những năm gần đây tỉnh ta đã tạo điều kiện để một số doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy ở khu vực nông thôn, nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp thuộc địa bàn các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy. Các doanh nghiệp này khi đi vào hoạt động đã được Công ty Điện lực Nam Định phối hợp với chính quyền cơ sở tạo điều kiện về mặt bằng nhằm xây dựng hệ thống điện cung ứng thuận lợi đến địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những thuận lợi, Công ty Điện lực Nam Định cũng gặp một số khó khăn khi đầu tư, xây dựng hệ thống điện phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp đó là việc phát triển phụ tải của doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp khá bất thường, không theo quy hoạch, nằm ngoài kế hoạch dự kiến, gây quá tải cục bộ đường dây trung thế hoặc nguồn 110kV. Qua đó, ngành Điện phải đầu tư, sửa chữa, cải tạo nâng cấp lưới điện trung thế cũng như nguồn cấp thường xuyên, gây gián đoạn cung cấp điện cho các doanh nghiệp khác. Chất lượng thiết bị do các doanh nghiệp đầu tư phần lớn không đồng bộ, gây sự cố lưới điện, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trên cùng một đường dây trung thế. Việc đấu nối phát triển phụ tải các doanh nghiệp mới, gây gián đoạn cung cấp điện cho các doanh nghiệp khác trên cùng tuyến đường dây. Ngoài ra khu vực Nam Định hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, thiên tai bão lũ nên cũng gây ảnh hưởng lớn đến công tác cung cấp điện nói chung, lĩnh vực sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp nói riêng. Từ các lý do trên, ngành Điện đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh cần tăng cường phối hợp, bảo đảm thực hiện hiệu quả, đồng bộ các lĩnh vực công tác, trong đó có việc cung ứng điện hiệu quả, an toàn, ổn định phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu