Đầu tư nguồn lực, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội (CTXH) Việt Nam bởi những giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề này. Những người làm CTXH góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, vì sự công bằng, tiến bộ xã hội, vì hạnh phúc của con người.

Trao đổi với Báo Phú Yên về ý nghĩa của nghề CTXH, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết:

Bà Phạm Thị Minh Hiền

Bà Phạm Thị Minh Hiền

- Trên thế giới, CTXH được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua, khởi đầu là những hoạt động mang đậm tính nhân đạo. Sau đó, định nghĩa về CTXH đã được quốc tế hóa và chấp thuận vào năm 2001 bởi 82 quốc gia thành viên của Hiệp hội CTXH quốc tế và Hiệp hội Các trường học CTXH quốc tế.

Định nghĩa nêu rõ: Nghề CTXH có vai trò thúc đẩy thay đổi trong xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người và trao quyền, giải phóng con người để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Bằng việc sử dụng các lý thuyết về hành vi con người và môi trường xã hội, CTXH can thiệp vào những điểm mà con người tương tác với môi trường của họ. Nguyên tắc nhân quyền và công bằng xã hội là nền tảng của CTXH.

* Còn tại Việt Nam, nghề CTXH ra đời và được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Tại Việt Nam, CTXH được ra đời trong một bối cảnh nhiều khó khăn hơn, từ trước năm 1975, khi đất nước còn chia 2 miền Nam - Bắc. Những khía cạnh của định nghĩa quốc tế không thể được diễn giải một cách dễ dàng trong bối cảnh của Việt Nam khi đó.

Vào năm 2006, một nhóm chuyên gia của BộLĐ-TB-XH cùng đại diện từ các trường đại học liên quan và UNICEF Việt Nam đã nghiên cứu đưa ra một định nghĩa phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế như sau: CTXH là một lĩnh vực thực hành phát triển cao dựa trên những nguyên tắc và phương pháp đặc biệt với mục đích hỗ trợ các cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc xử lý các vấn đề xã hội. Từ đó, CTXH có nhiệm vụ hoạt động vì hạnh phúc của con người và nâng cao phúc lợi xã hội.

Hội thi tìm hiểu nghề công tác xã hội do Sở LĐ-TB-XH tổ chức hàng năm nhằm giúp các nhân viên CTXH giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: KIM CHI

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 bằng đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh (Đề án 32) với sự tập trung đầu tư nguồn lực nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề CTXH, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày CTXH Việt Nam bởi những giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề này.

* Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong việc triển khai Đề án 32 của Phú Yên?

- Sau 10 năm triển khai Đề án 32, thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đến nay, nghề CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH hơn 800 người. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng, các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội…

* Vậy kế hoạch tiếp theo là gì, thưa bà?

- Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Các địa phương bố trí sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho đội ngũ cộng tác viên CTXH ở xã, phường; đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của nhân viên CTXH; tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, các đối tượng yếu thế còn được quan tâm các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn; tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

* Xin cảm ơn bà!

Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH hơn 800 người. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh.

KIM CHI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/253692/dau-tu-nguon-luc-dem-lai-cuoc-song-tot-hon-cho-nguoi-dan.html