Đầu tư nước ngoài vào GD-ĐT: 'Mảnh đất' chờ khai phá
'Ngành GD-ĐT tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, tăng cường liên kết đào tạo quốc tế'- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra nhận định tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao đầu tháng 8 vừa qua.
Thay da đổi thịt
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Điểm sáng trong 4 - 5 năm qua là công tác xã hội hóa GD phát triển mạnh, đã hình thành những tập đoàn GD tại Việt Nam. Phương hướng của tập đoàn GD là đầu tư từ mầm non đến ĐH và xây dựng trường đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài giúp trường ĐH mở rộng quy mô, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở vật chất, tăng nguồn thu và tiếp cận với công nghệ đào tạo hiện đại trên thế giới.
“Gần đây, Bộ GD&ĐT xúc tiến các chương trình đào tạo quốc tế theo phương thức kết hợp, kết nối giữa cơ sở GD ĐH uy tín của Việt Nam với trường ĐH nước ngoài”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.
Theo số liệu của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), cả nước hiện có 352 chương trình liên kết đào tạo của 70 cơ sở GD ĐH với trên 200 trường ĐH trên thế giới. Trên 50.000 học viên tốt nghiệp và hiện có 27.000 SV/học viên theo học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều chương trình liên kết với Việt Nam là Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Australia, Đức.
Nhìn chung, các chương trình GD tích hợp ở mầm non và phổ thông, liên kết đào tạo ĐH đã góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, giúp HSSV và GV, giảng viên được tiếp cận chương trình quốc tế, nâng cao trình độ ngoại ngữ, qua đó tạo sức lan tỏa, nâng cao chất lượng GD của Việt Nam.
Trường ĐH phải cải cách mạnh mẽ
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT) chia sẻ: GD Việt Nam có bước chuẩn bị cho việc hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng GD từ sớm. Nhiều trường ĐH tham gia bảng phân tầng xếp hạng giáo dục quốc tế uy tín (Trường ĐH FPT, Duy Tân, Hoa Sen…), xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng để đánh giá các cơ sở GD trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Tùng, nếu để từng trường thực hiện, tiến trình hội nhập sẽ không nhanh, mạnh. Vì vậy, cần làn sóng cho việc này từ cơ chế về đầu tư, hợp tác quốc tế… tạo ra tác động đồng loạt, toàn diện với các cơ sở GD trong nước.
“Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD sẽ mang lại tư duy và cách làm mới có tính toàn cầu, đồng thời giữ lại được những đặc trưng về trải nghiệm ở một quốc gia đa dạng văn hóa như Việt Nam. Đầu tư nước ngoài cũng khiến các trường trong nước phải thích nghi và tự cải cách một cách mạnh mẽ hơn” - ông Lê Trường Tùng khẳng định đồng thời chia sẻ: Theo kinh nghiệm của Tổ chức Giáo dục FPT, quốc tế hóa GD là mảnh đất rộng và có nhiều việc để làm.
Để hợp tác hay đầu tư nước ngoài diễn ra thuận lợi, đầu tiên và quan trọng nhất là giải quyết vấn đề về tư duy. Tiếp đến, tiếng Anh là công cụ chứ không chỉ là môn học. Tiếng Anh là chuẩn đầu vào, các trường phải tự thay đổi để thích nghi, dỡ bỏ các rào cản ngoại ngữ cho người học và vận hành trường với mục tiêu nhân sự tốt nghiệp ra trường có khả năng làm việc toàn cầu.
Cũng theo ông Lê Trường Tùng, đầu tư và hợp tác quốc tế với các trường đồng thời sẽ giúp GD “thay da đổi thịt” nhanh chóng khi thu hút nhiều SV quốc tế đến Việt Nam du học.
Tham gia liên kết đào tạo và đầu tư nước ngoài, ông Hoàng Việt Hà (Giám đốc Swinburne Việt Nam) cho biết: Chúng tôi đưa chương trình đào tạo quốc tế về Việt Nam với mong muốn giúp đông đảo người học có thể tiếp cận kiến thức, kỹ năng toàn cầu, với chi phí hợp lý.
“Một trong những ví dụ về triển khai hoạt động này là hợp tác giữa Swinburne University of Technology (trường đại học xếp hạng tốp 382- QS 2020) trên thế giới và Trường Đại học FPT để triển khai chương trình học tập quốc tế ngay tại Việt Nam.
Tham gia chương trình này, SV được học tập bằng tiếng Anh, trong môi trường quốc tế tại Việt Nam với giảng viên đạt tiêu chuẩn giảng dạy quốc tế tại Việt Nam và giảng viên từ Swinburne. Ngoài ra, SV được trải nghiệm quốc tế từ 1 - 2 học kỳ học ở nước ngoài với chi phí hợp lý”- ông Hoàng Việt Hà thông tin.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 525 dự án FDI còn hiệu lực thuộc lĩnh vực GD-ĐT trên tổng số 30.827 dự án FDI của 19 ngành kinh tế. Số vốn đăng ký đầu tư của 525 dự án xấp xỉ 4.376 triệu USD.