Đầu tư phải… dễ!
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dư địa cho việc phát triển các sản phẩm đầu tư tại Việt Nam là rất lớn. Tuy vậy, yêu cầu quan trọng đầu tiên là 'dễ' đầu tư lại khó thực hiện.
Từ chuyện xứ người…
“Trong một dịp sang Boston (Mỹ), tôi có ý định mua một ít cổ phiếu để khi con tôi sang đây học sẽ có tiền từ khoản đầu tư này. Khi đó, tôi gặp người tư vấn đầu tư, anh ta hỏi luôn:
- Ông muốn đầu tư làm gì?
- Tôi muốn mua cổ phiếu, để nay mai con tôi sang đây học có tiền.
- Vậy ông phải mua chứng chỉ quỹ cho an toàn.
Ngắn gọn vậy thôi. Họ chỉ hỏi vài câu, biết được mục đích đầu tư dài hạn, lại biết tôi không sống ở Mỹ, chỉ là ghé qua, họ đã khuyên tôi mua chứng chỉ quỹ, bởi vừa an toàn, vừa đúng tiêu chí sinh lời.
Sau đó, người tư vấn này đưa cho tôi tờ giới thiệu ngắn gọn của ba chứng chỉ quỹ khác nhau và dặn tôi có thể tùy chọn, cái nào cũng an toàn. Tôi đem chuyện này hỏi bạn tôi và cũng được tư vấn tương tự. Vậy là tôi mua chứng chỉ quỹ, sau này, con tôi sang Mỹ học và dư tiền đóng học phí”.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính chia sẻ về câu chuyện thiết kế các sản phẩm đầu tư phù hợp cho người dùng tại thị trường tài chính phát triển.
Ông Nghĩa cho rằng, vai trò của các định chế tài chính trong việc hỗ trợ cho thị trường là rất quan trọng, cùng với đó là chất lượng của người làm nghề tư vấn. Trong trường hợp nói trên, người tư vấn rất nhanh, chuẩn, “vào việc đúng trọng tâm, trọng điểm”, trên nền tảng là thị trường họ có các sản phẩm đầu tư dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ đầu tư. Điều này cũng cho thấy “dân trí tài chính” của thị trường này cao.
“Người tư vấn có thể trả lời mọi câu hỏi của nhà đầu tư một cách rất nhanh gọn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Quay lại với câu chuyện đầu tư tài chính ở Việt Nam, ông Nghĩa bảo, ở ta, đến giờ vẫn còn nhiều người giữ quan điểm đầu tư chứng khoán là đánh bạc, trong khi thực tế, đây là kênh đầu tư của những người có kiến thức.
Ông Nghĩa cho rằng, chứng chỉ quỹ là kênh đầu tư an toàn, nhưng để tiếp cận được thì phải thông qua người tư vấn am hiểu, nhưng thực tế điều này chưa phổ biến ở nước ta.
“Là quốc gia tăng trưởng GDP vào Top cao trên thế giới, cơ hội đầu tư rải rác khắp nơi, nhưng phần đa người dân chưa biết, chưa hiểu và sử dụng được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
… đến chuyện xứ ta
Từ góc nhìn của một người làm tư vấn đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, sáng lập nền tảng tài chính TOPI cho hay, thị trường đầu tư của Việt Nam đang đứng trước ba yêu cầu: Cần làm cho các kiến thức tài chính trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn; thị trường thiếu kênh đầu tư, nên phải tạo ra các sản phẩm đầu tư dễ để người dân tham gia, thay vì đầu tư dựa vào may mắn; đội ngũ tư vấn đầu tư phải bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa.
Ông Tuấn cũng cho biết, ba vấn đề này đều không thể xử lý trong ngắn hạn mà cần thời gian.
Một vấn đề đang được giới chuyên gia, cũng như bản thân các nhà đầu tư quan tâm, đó là với tốc độ gia tăng nhanh chóng của lớp trung lưu, nhu cầu quản lý tài sản, gia sản sẽ ngày càng tăng mạnh. Đặc biệt, để hình thành một cộng đồng, quốc gia thịnh vượng thì quản lý gia sản là vấn đề không thể xem nhẹ.
Theo McKinsey, thị trường quản lý gia sản tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027.
Ông Tuấn đánh giá, thời gian tới, các sản phẩm tài chính sẽ ngày càng đa dạng và mở ra nhiều hơn các cơ hội đầu tư cho người dân, nhất là khi mà vốn hóa thị trường chứng khoán (kênh đầu tư quan trọng) hiện còn nhỏ hơn GDP, cho thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Ông Tuấn cũng chỉ ra thói quen đầu tư của nhiều người. Đó là những người có tài sản dòng cao thì hay dùng đến tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, trong khi những người có tài sản dòng thấp lại thích tự đầu tư.
Lấy ví dụ với khẩu vị đầu tư, ông Tuấn cho rằng, như giai đoạn hiện tại, nếu dòng tiền không chảy vào các kênh tài chính thì sẽ vào kênh vàng, và nếu không qua đó thì sẽ đổ vào bất động sản. Với bất động sản, có thể qua sản phẩm hữu hình hoặc qua kênh cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cổ phiếu hay trái phiếu không phải là kênh mà nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận hoặc am hiểu.
Một ví dụ khác, theo ông Tuấn, ở khu vực nông thôn, nhà đầu tư thường sẽ mua vàng hoặc mua đất, vì không tiếp cận được nhiều kênh đầu tư. Lâu nay, chúng ta muốn khai thác dòng tiền trong dân, nhưng theo ông Tuấn, để làm được điều này, giải pháp tốt là tạo ra các sản phẩm đầu tư tài chính đủ dễ, đủ thuận tiện, minh bạch để người dân có thể tiếp cận đầu tư.
So với nhiều quốc gia, tỷ lệ người Việt Nam có tài khoản đầu tư chứng khoán còn khá khiêm tốn. Nhiều quan điểm cho rằng, thực tế này phản ánh hai điều, một là nhiều người dân chưa có thói quen đầu tư tài chính, sản phẩm đầu tư chưa đa dạng, chưa dễ tiếp cận. Nhưng cùng với đó, dư địa để gia tăng tỷ lệ người dân tham gia đầu tư là rất cao và cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính gần gũi, dễ dùng.
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư mới, hiện đại nên vẫn chưa được phổ biến rộng khắp như gửi tiết kiệm hay bất động sản. Tuy nhiên, điều này sẽ dần thay đổi khi Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng về người giàu.
Ông Phục cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện nay, đội ngũ tư vấn đầu tư thực sự phát triển thiếu chiều sâu, đa phần chuyên môn còn rất kém, ngoài ra đạo đức một bộ phận cũng có vấn đề. Vì thế, rất cần thiết phát triển một lực lượng tư vấn đầu tư và quản lý tài sản chuyên nghiệp, bài bản và am hiểu, từ đó mới lấy được lòng tin của các nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam.
Theo ông Phục, dư địa nghề nghiệp cho lĩnh vực tư vấn đầu tư, quản lý gia sản ở Việt Nam hiện rất lớn. Với sự phát triển của nền kinh tế, người giàu và siêu giàu tăng trưởng rất nhanh, Việt Nam cần hàng trăm ngàn nhân sự trong lĩnh vực quản lý gia sản mới có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Tuy vậy, để có thể hành nghề trong lĩnh vực này không hề đơn giản, vì khách hàng của họ đa phần là tầng lớp tinh hoa.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-phai-de-post350694.html