Đầu tư Phan Vũ lỗ bi đát, cổ đông than kém hơn đối thủ
CTCP Đầu tư Phan Vũ công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 khá bi đát khi chịu lỗ tới 32,4 tỷ đồng.
Trước đó năm 2021 và 2022, Đầu tư Phan Vũ lãi sau thuế lần lượt 95 tỷ và 22 tỷ đồng. Tuy nhiên sang năm 2023, doanh nghiệp này chỉ lãi vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, lao dốc 81% so năm trước.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, vốn chủ sở hữu của Phan Vũ giảm nhẹ so kỳ trước về mức 1.786 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả vẫn gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng ở mức 2.678 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu chiếm 268 tỷ đồng.
Cho năm 2024, Đầu tư Phan Vũ đặt kế hoạch doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 32 tỷ đồng, gấp 7,6 lần năm 2023. Như vậy kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Đầu tư Phan Vũ còn cách rất xa mục tiêu đặt ra cho cả năm.
Đầu tư Phan Vũ được thành lập từ năm 1996 với xuất phát điểm là một xưởng sản xuất nhỏ tại Bình Dương. Sau 20 năm phát triển, Phan Vũ đã phát triển trong lĩnh vực sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực và thi công nền móng.
Chủ tịch HĐQT Đầu tư Phan Vũ là ông Phan Khắc Long, còn Tổng giám đốc vừa được bổ nhiệm hồi đầu tháng 8 vừa qua là ông Đặng Kiện Hùng thay ông Trần Vũ Anh Tuấn.
Hiện nay, ngoài công ty mẹ là CTCP Đầu tư Phan Vũ, tập đoàn còn có 10 công ty thành viên là CTCP Bê tông Phan Vũ Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Bê tông Phan Vũ Long An, Công ty TNHH MTV Sản xuất và xây dựng Phan Vũ (Bình Dương), Công ty TNHH MTV Bê tông Phan Vũ Đồng Nai, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tổng hợp Phan Vũ (Quảng Ngãi), Công ty Phan Vũ Vạn Tường (Quảng Ngãi), CTCP Đầu tư Xây dựng Điện Phan Vũ (Gia Lai), Công ty TNHH Bê tông Phan Vũ Quảng Bình, CTCP Bê tông Phan Vũ Hải Dương, Công ty TNHH Xây dựng Hạ tầng Phan Vũ.
Đầu tư Phan Vũ đang kém hơn các đối thủ?
Trước e ngại của cổ đông về việc Đầu tư Phan Vũ đang kém hơn các đối thủ hồi tháng 5/2024 tại ĐHĐCĐ thường niên, nguyên Tổng giám đốc Đầu tư Phan Vũ cho biết công ty đã ký được gần hết tất cả các gói cao tốc Bắc - Nam với sản lượng rất lớn.
Tuy nhiên cạnh tranh với các đối thủ tại địa phương thì Đầu tư Phan Vũ bị yếu hơn về mặt địa lý, quan hệ.
Thêm vào đó, đầu năm 2023, khi phân tích tình hình tài chính thì tỷ lệ nợ trên vốn của Đầu tư Phan Vũ rất cao do đó công ty hướng đến đánh giá năng lực thanh khoản, bán được hàng và thu được tiền. Do đó, Đầu tư Phan Vũ phải từ chối các khách hàng có thể khiến công ty bị chiếm dụng vốn.
Được biết, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Đầu tư Phan Vũ là 4.548 tỷ đồng, giảm gần 5% so đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt nhích nhẹ lên 373 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức cao tới 1.872 tỷ đồng trong đó phải dự phòng tới 164 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 13% so đầu năm.
Nợ phải trả cuối 2023 của Đầu tư Phan Vũ giảm đáng kể 17% về mức 2.729 tỷ đồng nhưng vẫn gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính chiếm 1.761 tỷ đồng.