Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH. Tỉnh Long An đã và đang triển khai những chương trình lớn về phát triển hạ tầng giao thông.
1. Từ nhiều nguồn vốn đầu tư, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư mang đến diện mạo mới cho địa phương nói riêng và cả vùng nói chung, góp phần thu hút đầu tư. Từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, các địa phương và huy động sức dân, thời gian qua, hệ thống giao thông nông thôn cũng có nhiều thay đổi. Hiện trên địa bàn tỉnh, xe ôtô đã về đến trung tâm xã. Đánh giá theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh hiện có 86 xã đạt tiêu chí giao thông.
Theo Sở Giao thông Vận tải, sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý hệ thống đường tỉnh gồm 63 tuyến đường với tổng chiều dài 959,567km. Trong đó, đường bêtông nhựa 127,587km, láng nhựa 628,958km, đường cấp phối 199,989km, đường bêtông ximăng 2.533km. Đó là chưa kể sẽ tiếp nhận đường tuần tra biên giới từ địa phương khoảng 85,6km (gồm 36,4km đường bêtông ximăng, 49,2km đường láng nhựa). Từ sự quan tâm của tỉnh, vốn đầu tư cho việc xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn vốn bố trí cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Thành Ngoãn, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh chưa được cải tạo, nâng cấp, còn nhiều cây cầu yếu, xuống cấp. Chẳng hạn, trên hệ thống các tuyến đường tỉnh được giao quản lý có 335 cây cầu thì trong đó, còn 19 cầu dàn sắt mặt sắt, 19 cầu dàn sắt mặt gỗ và 1 cầu treo. Vì vậy, sở kiến nghị tăng kinh phí bảo trì hàng năm.
Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On cho biết, những bất cập về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cũng ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra; mặt đường nhỏ, hẹp, tầm nhìn bị hạn chế, tải trọng thấp; có những tuyến đường, cầu, cống và đường chưa đồng bộ; nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng nhưng một số đoạn chưa có hệ thống thoát nước”.
2. Đối với các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh thường xuyên kiến nghị Trung ương, đơn vị quản lý đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhằm bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông. Đặc biệt, đối với những điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) do hạ tầng bất cập, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên kiến nghị khắc phục.
Vỉ sắt trên cầu Tân An, Bến Lức (QL1) từng là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT, hiện được khắc phục, đổ bêtông thay vỉ sắt, tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn hơn. Cầu Voi 1 được sửa chữa, không còn ngăn cách ở giữa, gộp thành một cầu, từ đó xóa được điểm đen TNGT. Tuyến tránh QL1, đoạn qua TP.Tân An đang được Trung ương đầu tư mở rộng mặt đường và xây thêm một cây cầu mới bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Ngoài ra, gần đây, hệ thống cống thoát nước dọc hai bên QL1 cũng được đầu tư khá đồng bộ nên giải quyết được tình trạng ngập úng nhiều đoạn đường vào mùa mưa, hạn chế hư hỏng mặt đường và nguy cơ xảy ra TNGT.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 tuyến QL đi qua, gồm QL1, QL62, QLN2, QL50. Theo ghi nhận của phóng viên, 2 tuyến QL62 và N2 đầu tư đã lâu, hiện hư hỏng nhiều chỗ, mặt đường hẹp nên không đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa trong khi lượng phương tiện lưu thông ngày càng tăng. “TNGT ở hai tuyến đường này cũng gia tăng. Vào dịp lễ, tết, 2 tuyến đường này thường xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ” - Thượng tá Lại Văn Út - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết.
Từ thực trạng và những bất cập, hạn chế về giao thông, thời gian qua, tỉnh đã và đang nỗ lực đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến 3 công trình trọng điểm và 14 công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X). Đây là những công trình lớn, mang tính kết nối vùng nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào sử dụng và đang thi công cơ bản hoàn thành giai đoạn 2, thông tuyến. 14 dự án công trình giao thông đi qua các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt kết nối đến Cảng Long An và các tuyến giao thông của TP.HCM.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình giao thông Sở Giao thông Vận tải - Phạm Phương Nam cho biết: “14 công trình này hầu hết được triển khai thi công, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. 12 công trình do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành 6 công trình”./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/dau-tu-phat-trien-ha-tang-giao-thong-a83601.html