Đầu tư phát triển y tế cơ sở vùng khó khăn

Quốc hội vừa nhất trí phân bổ 1.025 tỷ đồng cho Chương trình MTQG xây dựng NTM để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Ưu tiên chính sách và nguồn lực cho vùng khó khăn

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp về nguồn lực và chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển đối với các tỉnh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, kể cả một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, như các bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Ninh Thuận…

Y tế cơ sở nhiều vùng khó khăn đã được chú trọng đầu tư

Y tế cơ sở nhiều vùng khó khăn đã được chú trọng đầu tư

Bộ Y tế cũng đã tranh thủ các nguồn ODA để đầu tư xây dựng và trang thiết bị cho các trạm y tế xã, một số bệnh viện huyện, tỉnh; đào tạo nguồn bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tiến sỹ, thạc sỹ y khoa phục vụ cho vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo; tranh thủ nguồn viện trợ không hoàn lại của EU đầu tư cho 9 tỉnh miền núi phía Bắc tăng cường các trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc…

Về chính sách hỗ trợ đầu tư, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 64/2009/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với mức phụ cấp ưu đãi, thu hút 70% mức lương theo ngạch, bậc; hỗ trợ phụ cấp 0,5% lương cơ bản đối với nhân viên y tế thôn, bản tại vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả "Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Gần đây, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ một khoản tài chính nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người mẹ, tăng thêm cơ hội về cung cấp dưỡng chất cho trẻ sơ sinh.

Đánh giá của Bộ Y tế, công tác y tế chăm sóc sức khỏe người dân tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Minh chứng cụ thể tại Cao Bằng, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cao hơn mức trung bình cả nước; bệnh viện đa khoa tỉnh đã làm chủ nhiều kỹ thuật như mổ nội soi, phẫu thuật chấn thương sọ não, xử lý các tình huống phức tạp trong sản khoa, nhi khoa, thực hiện một số kỹ thuật mới như chạy thận nhân tạo.

Một số bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, Hòa Bình… đã có thể xử lý các tình huống can thiệp tim mạch, chấn thương sọ não, phẫu trị, hóa trị về u bướu...

Địa phương tích cực vào cuộc

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ Y tế, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… cũng đã chủ động chú trọng đầu tư phát triển y tế cơ sở. Ghi nhận tại Gia Lai, giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh được đầu tư 90,668 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại của ADB để triển khai “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn”.

 Khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng)

Khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng)

Theo đó, chương trình sẽ triển khai 2 hợp phần: Hợp phần 1 sử dụng nguồn vốn vay ODA, tỉnh Gia Lai tiến hành đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế cho 18 trạm y tế trên địa bàn tỉnh.

Hợp phần 2 sử dụng nguồn vốn đối ứng của tỉnh tập trung tăng cường năng lực hệ thống y tế nhằm đổi mới cung ứng dịch vụ y tế, bao gồm bổ sung thiết bị phục vụ xét nghiệm; hỗ trợ tài chính để các trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã triển khai các gói khám, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, ung thư cho người dân trên địa bàn theo hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam do Bộ Y tế ban hành...

Gia Lai có hơn 46% là người dân tộc thiểu số. Việc phê duyệt các dự án đã giúp cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện tốt chuyên môn, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tại Bình Thuận, theo “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” do Bộ Y tế phê duyệt, tỉnh được đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp 25 trạm y tế tuyến xã thuộc vùng khó khăn gồm 16 trạm đầu tư xây dựng mới và 9 trạm nâng cấp, sửa chữa. Trong đó có các trạm y tế đã xuống cấp trầm trọng tại xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong; các xã Phan Rí Thành, Phan Lâm, Phan Sơn, thuộc huyện Bắc Bình; xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh…

Ông Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận - cho biết: Hiện tại Trung ương đã phân bổ vốn về cho tỉnh trong năm 2023 là 53,4 tỷ đồng và trong năm nay sẽ triển khai đầu tư xây dựng 25 trạm y tế này. Trong đó tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn như: Phan Dũng, Phan Sơn, Phan Lâm… để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân ở vùng xâu vùng xa.

Song song đó, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Thuận cũng đang triển khai dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 15 trạm y tế, phòng khám đa khoa thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 69,4 tỷ đồng. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị và phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Là 1 trong 16 tỉnh được hưởng lợi từ chương trình phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của ADB, nhiều xã, phường, thị trấn ở Hà Tĩnh mong muốn sớm triển khai chương trình phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của ADB để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ở hợp phần 1, chương trình sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho khoảng 554 trạm y tế tuyến xã, trong đó xây dựng mới khoảng 294 trạm và cải tạo, sửa chữa khoảng 260 trạm y tế trên toàn quốc.

Theo phân bổ nguồn vốn của chương trình, Hà Tĩnh được hỗ trợ trên 165 tỷ đồng cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh để xây dựng, nâng cấp và cải tạo khoảng 50 trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn do ADB tài trợ, với mục tiêu hỗ trợ mạng lưới y tế cơ sở tại 16 tỉnh khó khăn, bao gồm: Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Phước, Cà Mau và Sóc Trăng.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-phat-trien-y-te-co-so-vung-kho-khan-259307.html