Điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư mới quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BYT, quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo luật định, làm cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các danh mục dịch vụ kỹ thuật mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông tư này nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Theo Thông tư 21/2024/TT-BYT, phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng dựa trên hai phương pháp chính: phương pháp so sánh và phương pháp chi phí.

Các cơ sở y tế có thể lựa chọn áp dụng một trong hai phương pháp này để xác định giá dịch vụ. Trường hợp cả hai phương pháp đều có thể áp dụng đồng thời, sẽ ưu tiên lựa chọn phương pháp so sánh nhằm đảm bảo tính chính xác và phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, Thông tư này còn đưa ra hướng dẫn cụ thể về hồ sơ và thủ tục phê duyệt giá khám bệnh, chữa bệnh. Điều này giúp các cơ sở y tế thuận lợi hơn trong việc lập phương án giá, đồng thời tuân thủ quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không vượt quá 20% tổng số giường thực hiện bình quân năm trước. Các quy định về tỷ lệ chuyên gia, bác sĩ tham gia khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng được xác định không quá 30%.

Nghị định 96/2023/NĐ-CP cho phép các cơ sở y tế được áp dụng mức giá hiện hành đến khi có quy định mới, nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương cơ sở mới là 2,34 triệu đồng, thay thế mức 1,8 triệu đồng trước đây.

Các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế và các Bộ/Ngành đã bắt đầu xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí, với yếu tố tiền lương được điều chỉnh phù hợp.

Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt mức giá mới cho một số bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I. Các địa phương cũng đang gấp rút triển khai phê duyệt giá theo mức lương cơ sở mới, đảm bảo không vượt quá mức giá trần do Bộ Y tế quy định.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có những tác động nhất định đến quỹ Bảo hiểm Y tế cũng như người dân. Theo Bộ Y tế, quỹ bảo hiểm y tế hiện nay đủ khả năng cân đối do số thu tăng nhanh hơn so với mức chi trả mới.

Đối với người dân tham gia bảo hiểm y tế, các đối tượng như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm chính sách xã hội sẽ được hưởng 100% chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế, nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, đối với những người có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5%, chi phí sẽ tăng nhẹ nhưng không đáng kể do thu nhập của nhóm này cũng đã được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

Đối với những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng, tuy nhiên, tác động này chủ yếu ảnh hưởng đến khoảng 8% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Việc ban hành Thông tư 21/2024/TT-BYT là một bước đi quan trọng trong công tác cải cách y tế, giúp các cơ sở khám chữa bệnh có căn cứ pháp lý rõ ràng để xác định và phê duyệt giá dịch vụ.

Đồng thời, điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương cơ sở mới cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hướng tới một hệ thống y tế công bằng và bền vững.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dieu-chinh-gia-kham-chua-benh-theo-muc-luong-co-so-d229984.html