Đầu tư ra nước ngoài từ những dự án trồng cao su (*): Tăng cường ngoại giao kinh tế
Ngoài hiệu quả kinh tế, những dự án đầu tư sang Lào, Campuchia còn góp phần tô thắm tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam - Lào - Campuchia
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2022, Việt Nam có hơn 1.600 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 21,75 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32%); nông - lâm - thủy sản (15,8%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,6%), Campuchia (13,5%).
Nhiều dự án đóng góp tích cực
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Paksé, phụ trách 4 tỉnh Nam Lào, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Lào đã lên tới 5,3 tỉ USD, xếp vị trí thứ 3 trong số các nước đầu tư tại Lào. Nhiều dự án đầu tư của DN Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào. Những dự án này thuộc các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm…
Riêng tại 4 tỉnh Nam Lào (Champasak, Attapeu, Sekong và Salavan) có 115 DN Việt Nam đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực. "Tổng Lãnh sự quán đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ các DN triển khai nhiều dự án có hiệu quả.
Qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nhà nước nói chung và giữa các tỉnh, thành Việt Nam với 4 tỉnh Nam Lào nói riêng, giúp cho quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả" - ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Nói về những dự án cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại Lào, ông Nguyễn Văn Trung đánh giá đây là chủ trương và hướng đi đúng đắn, góp phần vào việc thành công trên nhiều phương diện.
Từ khi triển khai phát triển cao su ở Lào vào năm 2005 đến nay, VRG đã đầu tư xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ cho người dân trong và quanh vùng dự án. Qua đó, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy giữa DN và cộng đồng, mang đến lợi ích về cơ sở hạ tầng cho vùng dự án và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
"Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, các DN Việt Nam cần tích cực phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán trong việc triển khai nhiệm vụ. Qua đó góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa 2 nước, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư Việt Nam trên địa bàn ngày một phát triển" - ông Nguyễn Văn Trung khuyến cáo.
Luôn đồng hành với doanh nghiệp Việt
Theo ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, hiện nay có hàng trăm DN Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia. Trong đó, nổi bật có Metfone (thuộc Viettel), các DN cao su thuộc VRG, Angkormilk (thuộc Vinamilk).
Riêng các DN thuộc VRG sau 15 năm trải qua nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, đến nay đã đứng vững và có những thành công nhất định. Nhiều dự án thu hoạch được sản lượng cao su tương đối cao, có những DN gần như đã trả xong nợ. Điều đó cho thấy các DN cao su thuộc VRG đã đi đúng hướng, bảo đảm được lợi ích của DN nói riêng và đất nước nói chung, cũng như quan hệ của 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Bên cạnh việc bảo đảm lợi nhuận, các DN cao su đã thực hiện nghiêm túc các chính sách của Campuchia từ đóng thuế cho nhà nước đến an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Campuchia nên được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, thời gian qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia luôn đồng hành, ủng hộ và hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN Việt Nam tại Campuchia. "Bên cạnh ngoại giao chính trị, an ninh quốc phòng thì sứ quán có một nhiệm vụ rất đặc biệt, đó là ngoại giao kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, ngoại giao kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng nên chúng tôi xác định phải đồng hành với các DN. Khi DN gặp khó khăn, Đại sứ quán phải tìm mọi cách để hỗ trợ, nhất là về mặt thể chế, chính sách của nước sở tại. Nếu có vướng mắc cần tháo gỡ, sứ quán luôn là người đi tiên phong để trao đổi với chính quyền sở tại để cùng với phía bạn tháo gỡ cho các DN Việt Nam" - ông Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-11
Tiềm năng còn lớn
Ông Ngô Quyền - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cao su Việt Lào, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam đầu tư tại Lào (BACI) - nhận xét đất nước Lào có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, cả về công thương nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ nhờ vào vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia thông qua các tuyến đường giao thông và cửa khẩu quốc tế lớn. Lào cũng có lợi thế cạnh tranh là đất nước có mật độ dân số thấp, chỉ 32 người/km2, đất đai còn nhiều.
Thời gian qua, hoạt động của các DN Việt Nam tại Lào được sự chỉ đạo, hỗ trợ rất lớn giữa hai Đảng, Chính phủ hai nước và chính quyền địa phương. Đồng thời, luôn nhận được sự động viên sát sao của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, nhất là của cơ quan Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Lào - với những DN đóng tại khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa (đầu tư 100% vốn tại Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom ở tỉnh Kampong Thom, Campuchia), tự hào khi dự án đầu tư sang Campuchia có hiệu quả, lợi nhuận chuyển về 2 năm 2021-2022 là 108 tỉ đồng. Sắp tới, khi dự án đến chu kỳ 2 (thanh lý gỗ cao su và tái canh), công ty không cần đầu tư thêm mà tận dụng nguồn lực có sẵn. "Hiện dự án đã hoạt động ổn định, công ty có chiến lược tăng sử dụng lao động gián tiếp (cấp quản lý) người Campuchia chứ không chỉ lao động trực tiếp như trước. Hiện nay 100% quản lý cấp đội là người Campuchia; cấp nông trường, phòng ban cấp trưởng còn người Việt nhưng cấp phó là người Campuchia để đào tạo dần. Tương lai, chỉ bộ khung lãnh đạo công ty, khoảng 10 người là người Việt Nam công tác lâu dài tại Campuchia, còn lại sẽ sang theo dạng chuyên gia ngắn hạn" - ông Tược cho biết.