Đầu tư thận trọng khi giá vàng giảm
Do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng miếng giảm về vùng 85,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn khuyên nhà đầu tư cần thận trọng.
Giá vàng lao dốc
Sáng 17/12, giá vàng miếng SJC tiếp tục lao dốc về mốc 85 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng miếng và vàng nhẫn gần bằng nhau. Cụ thể Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 82,6 - 85,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra duy trì 2,5 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng đồng loạt giảm giá vàng miếng SJC về mốc 85,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng giảm theo vàng miếng nhưng mức độ giảm ít hơn. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 83,33 - 85,08 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn lần lượt 84,6 - 84,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn các thương hiệu chỉ cách nhau 20.000 đồng/lượng.
Ở thị trường thế giới, giá vàng cũng được niêm yết 2.652 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương 81,5 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng miếng và vàng nhẫn chỉ cao hơn thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Cơ hội của giới đầu tư?
Giá vàng từ vùng đỉnh 92 triệu đồng/ lượng về vùng 85 triệu đồng/ lượng là cơ hội lớn để đầu tư? Ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia tài chính Trường Đại học Nguyễn Trãi phân tích, sau nhiều tháng tăng giá, vàng thế giới gần đây đã trải qua một đợt điều chỉnh giảm từ mức cao nhất vào cuối tháng 10 là 2.716 USD/ounce xuống mức hiện tại khoảng 2.6xx USD/ounce. Các mô hình lịch sử trên thế giới cho thấy những đợt điều chỉnh như vậy thường đi kèm với các giai đoạn tăng giá liên tục sau đó, khiến đợt giảm giá tạm thời này trở thành một cơ hội hấp dẫn cho những người muốn mua hoặc tăng lượng vàng nắm giữ.
Cũng theo ông Huy, với những căng thẳng toàn cầu đang diễn ra, vàng cung cấp một hình thức bảo hiểm tài sản độc đáo, là tài sản được chấp nhận rộng rãi và hoạt động độc lập với hệ thống ngân hàng truyền thống.
Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa phát hành một báo cáo cũng có nội dung, động lực chính thúc đẩy giá vàng năm nay là sức mua của ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư châu Á. Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng năm nay, song WGC cho rằng, giá vàng sẽ tăng chậm lại năm 2025. Tất nhiên, giá vàng có thể tăng mạnh hơn nếu xuất hiện những yếu tố đột biến như Fed dừng lộ trình giảm lãi suất; các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào; tình hình kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn; Trung Quốc quay lại mua vàng…
Theo ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, quý III/2024, thị trường vàng toàn cầu chứng kiến sự quay trở lại của nhóm nhà đầu tư châu Âu với vàng ETF sau nhiều năm vắng bóng. Tuy nhiên, vào quý IV/2024, các nhà đầu tư này đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Chuyên gia này cho rằng, giá vàng thời gian tới rất khó dự đoán do chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa rõ ràng. Dù vậy, giá vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ như Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất; khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu, kéo theo lạm phát tăng, từ đó tác động tích cực tới vàng; căng thẳng ở Trung Đông có thể leo thang…
Tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội” vừa diễn ra, ông Trịnh Hà - chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank cho rằng, lực mua vàng của các ngân hàng trung ương chiếm 20% tổng nhu cầu vàng toàn thị trường năm 2023. Tuy nhiên, đến quý III năm nay tỷ lệ này chỉ còn 8%, điển hình Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dừng mua cho đến tháng 11 mới quay lại mua. Theo chuyên gia Exness Investment Bank, nguyên nhân mua vào là do tâm lý tránh phụ thuộc vào đồng USD, nhưng thời gian tới động lực này sẽ yếu đi.
Còn ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia tài chính cho rằng, ngay cả khi khả năng giảm xảy ra, giá vàng cũng sẽ khó rớt sâu, vì cầu từ các tổ chức lớn luôn luôn có sẵn mỗi khi giá giảm, tạo lực đỡ lớn cho kim loại quý này. Nhà đầu tư phải theo dõi sát diễn biến của thị trường, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, diễn biến USD, sự dịch chuyển của dòng tiền trên toàn cầu…
Thực tế thì giới chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên nhà đầu tư chỉ nên dịch chuyển từ 10 - 15% tiền nhàn rỗi vào vàng và tập trung vào các sản phẩm có thanh khoản cao như vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn 9999. Nếu đầu tư vàng để giữ giá trị tài sản trung và dài hạn, nên cân nhắc mua vào ở những đợt giảm giá sâu hơn. Về phía cơ quan quản lý, việc giám sát và kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng trong nước là rất quan trọng để tránh tình trạng đầu cơ tích trữ. Đồng thời, cần có những giải pháp để đảm bảo rằng các doanh nghiệp vàng không thao túng giá bán ra và giá mua vào, đảm bảo sự công bằng cho người tiêu dùng.
Giá vàng trong nước đang chịu tác động trực tiếp từ giá vàng thế giới, do vậy các nhà đầu tư và người dân nên thận trọng trong giao dịch. Thay vì đổ hết vốn vào vàng, nhà đầu tư nên cân nhắc đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro cũng như mang lại lợi nhuận cao và an toàn hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dau-tu-than-trong-khi-gia-vang-giam-10296739.html