Đầu tư tiền ảo, mất tiền tỉ
Tiền ảo vẫn chưa được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư phải chịu hoàn toàn rủi ro nếu gặp lừa đảo...
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng có nạn nhân bị lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tiền ảo, số tiền bị mất lên đến hàng tỉ đồng.
Thực tế, chiêu thức dụ dỗ các nạn nhân đầu tư tiền ảo sau đó chiếm đoạt tài sản đã xảy ra khá nhiều trong thời gian qua. Dù các cơ quan như công an, báo, đài liên tục có thông tin, khuyến cáo về những vụ việc lừa đảo trên nhưng vẫn có người dân bị mắc bẫy do thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận cao…
Mất căn nhà vì... đầu tư tiền ảo
Bà NHA (80 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết bà có quen một người tên T, người này giới thiệu bà tham gia một sàn giao dịch đầu tư tiền ảo có lợi nhuận cao. Vì vẻ bề ngoài giàu có và lời giới thiệu hấp dẫn của T nên bà A đồng ý tham gia.
Thời gian đầu, việc đầu tư diễn ra thuận lợi và bà A liên tục rút được tiền lãi nên bà đã tin tưởng T, đầu tư hết số tiền tích góp hơn 200 triệu đồng. Đến khi hết tiền đầu tư, bà A nghe lời T vay của ông NTA (bạn của T) với số tiền 2 tỉ đồng để đầu tư tiền ảo sinh lời, đồng thời bà A phải ký vào giấy thế chấp căn nhà do bà đứng tên sở hữu.
“Tôi đã dùng 2 tỉ đồng đó đầu tư tiếp nhưng sau đó không thể rút tiền lãi cũng như tiền đã đầu tư, tôi hỏi T vì sao không rút được thì T đưa ra nhiều lý do khác nhau. Sau một thời gian, tôi không có tiền để đóng lãi cho số tiền 2 tỉ đồng đã vay của ông NTA. Đến lúc này, ông NTA nói sẽ lấy căn nhà của tôi vì tiền lãi và tiền gốc đã bằng giá trị căn nhà và giấy thế chấp nhà tôi ký lúc vay không phải thế chấp mà là giấy mua bán nhà. Lúc này tôi biết mình đã bị lừa...” - bà A nói.
Tương tự, anh TMN (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết vợ anh cũng bị dụ dỗ đầu tư tiền ảo. Các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận vợ anh N qua mạng xã hội và dùng chiêu trò tặng trước cho vợ anh 300 đô la để mở tài khoản và hướng dẫn tham gia đầu tư. Trải qua nhiều lần nhận được tiền lãi và đầu tư thêm, vợ anh N đã dính bẫy với số tiền 5 tỉ đồng.
“Số tiền 5 tỉ đồng này vợ tôi vay mượn từ người thân, bạn bè và cả vay nóng của tín dụng đen. Vì thiếu hiểu biết và ham lợi nhuận cao mà giờ đây gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần khắp nơi. Khổ nhất là số tiền vợ tôi vay của tín dụng đen, giờ ngày nào họ cũng gọi điện thoại hăm dọa những người thân, bạn bè của gia đình để đòi nợ” - anh N cho biết.
Thận trọng khi đầu tư tiền ảo
Trao đổi với PV, TS Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết việc lừa đảo thông qua đầu tư tiền ảo về phương thức, bản chất vẫn là vẽ lên một dự án hứa hẹn tỉ suất sinh lời rất cao, sau đó huy động vốn theo mô hình ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước).
Với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi nhưng tựu trung vẫn phải nạp tiền trước, được chiết khấu số tiền nhỏ và hứa hẹn lãi khủng sau này. Vòng xoáy ponzi này chỉ dừng lại khi nhà đầu tư không còn tiền để theo tiếp hoặc dự án bị phát hiện lừa đảo. Đối tượng lừa đảo lúc này ngay lập tức sẽ đóng dự án, xóa ứng dụng... Sau đó lại vẽ lên dự án mới để tiếp tục lừa đảo.
Công thức chung này được lặp đi lặp lại từ siêu dự án bất động sản, sàn vàng, đầu tư ngoại hối, siêu dự án kinh doanh… Chỉ cần cả tin và ham lợi nhuận cao, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng sập bẫy.
TS Ngô Minh Hải cho biết thêm đến hiện tại tiền ảo vẫn chưa được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, vậy nên khi đầu tư tiền ảo,các nhà đầu tư phải chịu toàn bộ rủi ro nếu gặp lừa đảo hoặc thua lỗ.
TS Hải cũng chia sẻ nguyên tắc nằm lòng của các nhà đầu tư là sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận. Bên cạnh đó, ba yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư là số tiền đầu tư, khả năng sinh lời, thời gian hoàn vốn và mức độ rủi ro. Bất kỳ dự án nào ít rủi ro, cam kết lợi nhuận theo ngày hoặc tuần, tỉ suất sinh lời hơn 25%/năm thì chắc chắn có vấn đề.
Hiện nay có hai hình thức đầu tư chính, một là đầu tư trực tiếp vào các dự án (invest) bằng cách mua đồng token của dự án, hai là giao dịch mua đi bán lại (trading) thông qua các sàn.
Để tránh bị lừa đảo, TS Hải khuyến cáo: Người dân nên cẩn trọng khi nghe theo các lời khuyên, tư vấn hoặc mời gọi sử dụng các app lạ về đầu tư tiền ảo.
Lừa đảo đầu tư tiền ảo có thể ngồi tù chung thân
Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012), tiền ảo không phải là phương thức được phép thanh toán trên thị trường.
Theo đó, ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 5747 gửi Văn phòng Chính phủ một lần nữa khẳng định tiền ảo, bitcoin, litecoin... không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019 (sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021), hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt 50-100 triệu đồng.
Nếu mức độ vi phạm nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, mức phạt tù lên đến 20 năm.
Ngoài ra, khi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/dau-tu-tien-ao-mat-tien-ti-post737439.html