Đầu tư tiền tỷ phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Việc các địa phương đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ nuôi trồng thủy sản là 'lực đẩy' để doanh nghiệp, người dân ở Hà Tĩnh mạnh dạn chuyển hướng nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao.
Nâng cấp hạ tầng vùng nuôi
Những ngày này, công trường Dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng thiết yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) đang vào cao điểm thực hiện các hạng mục thi công cuối cùng, phấn đấu đi vào sử dụng trong tháng 5/2024.
Dự án thực hiện trên diện tích 21 ha với tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng do UBND huyện Kỳ Anh làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục: xây dựng kênh và công trình trên kênh; hệ thống đường giao thông và điện; kênh cấp nước và thoát nước; hệ thống ao nuôi, ao chứa lắng, ao thải...
Cũng trên địa bàn huyện Kỳ Anh, dự án Nâng cấp, cải tạo hạ tầng thiết yếu phục vụ NTTS xã Kỳ Thư với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Phan Công Toàn cho biết: “Kỳ Anh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm với gần 500 ha ao nuôi. Huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi theo hướng thâm canh, công nghệ cao, trở thành “bệ đỡ” khuyến khích người dân chuyển đổi từ quảng canh, xen ghép sang bán thâm canh và thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích trong thời gian tới”.
Ngoài “trợ lực” từ chính quyền địa phương, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng đã “mạnh tay” bỏ số vốn lớn xây dựng hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại. Theo đó, Hà Tĩnh đã có một số vùng nuôi đáp ứng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ để sản xuất thâm canh, công nghệ cao như: xã Cẩm Hòa, Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên); Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Liên (huyện Nghi Xuân); Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh)… Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng, các dự án nuôi tôm thâm canh ao đất, bãi triều (năng suất 8 - 10 tấn/ha/vụ); nuôi công nghệ cao trên cát (năng suất 15 - 20 tấn/ha/vụ). Đến nay, tỉnh có trên 40 cơ sở nuôi có bể ương gièo (có mái che) với số lượng 320 bể, thể tích trên 90.000 m3 đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh.
Sau khi UBND huyện Lộc Hà hoàn thành chuyển đổi 70 ha đất muối kém hiệu quả đưa vào NTTS, Công ty CP Thủy sản Long Vân (xã Mai Phụ), Công ty TNHH NTTS Hồng Anh (xã Hộ Độ) đã tiên phong xây dựng hạ tầng để thực hiện nuôi tôm công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Trung Trực - Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Long Vân, công ty đầu tư gần chục tỷ đồng để xây dựng ao nuôi, hệ thống thoát thải, cấp nước. Đặc biệt, ao nuôi được sử dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn, là một trong những công nghệ hiện đại hàng đầu tại Việt Nam về nuôi tôm công nghệ cao, cho phép nuôi nhiều vụ trong năm (2 - 3 vụ) với mật độ thả nuôi cao. Hiện nay, công ty thả giống được 6 hồ nuôi khép kín trong nhà với diện tích 6.000 m2, có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải đạt chuẩn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chú trọng nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao
Trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như: huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... Hiện nay, cả ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); xã Kỳ Thư, Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh); Kỳ Hà, Kỳ Trinh, Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)… cũng chú trọng áp dụng, triển khai các công nghệ mới để tăng cao hiệu quả cho nuôi tôm.
Sau quá trình nghiên cứu, tham quan nhiều mô hình, ông Lê Văn Dương (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đầu tư gần 600 triệu đồng nâng cấp khu nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo đó, các ao nuôi được xây thành bể xi măng, làm nhà màng đáp ứng với quy trình nuôi thâm canh. Ông Dương chia sẻ: "Trước đây nuôi trong ao đất giá trị kinh tế không cao, tôi nuôi thường xuyên bị tác động bởi môi trường, dịch bệnh. Với hệ thống hạ tầng ao nuôi như hiện nay, người nuôi dễ quản lý các yếu tố môi trường, tôm ít dịch bệnh hơn, có thể đưa năng suất tăng 20 - 30% so với trước đây".
Thời gian qua, người nuôi tôm ở TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tập trung cải tạo ao hồ để chuyển đổi từ mô hình nuôi quảng canh, xen ghép sang bán thâm canh, thâm canh.
Ông Lê Quang Anh - Giám đốc HTX NTTS Tiểu Láng (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) cho biết: “Các thành viên HTX đang sản xuất trên diện tích gần 40 ha. Đến nay, hơn 95% hộ nuôi đã tiến hành vỗ bờ xi măng hoặc lót bạt; 70% hộ nuôi chuyển sang hướng bán thâm canh, thâm canh cho giá trị kinh tế cao hơn 20-40%".
Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Tĩnh, việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến gắn với cải tạo, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi đã được chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người nuôi quan tâm. Toàn tỉnh đã có trên 620 ha nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao. Nhiều quy trình, công nghệ mới đã được áp dụng thành công mang lại hiệu quả trên địa bàn như: quy trình Biofloc, quy trình nuôi 2 - 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn nước,... góp phần giải quyết được vấn đề môi trường, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh tế.
"Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển bền vững, người nuôi tôm mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ về vay vốn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư thành chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm" - ông Cần cho biết thêm.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dau-tu-tien-ty-phat-trien-nuoi-tom-cong-nghe-cao-post264463.html