Đầu tư toàn cầu vào năng lượng nhiệt hạch tăng tốc
Vốn đầu tư năng lượng nhiệt hạch trên toàn cầu đang tăng nhanh khi các công ty trong lĩnh vực này chạy đua xây dựng nhà máy thí điểm đầu tiên, theo Hiệp hội công nghiệp nhiệt hạch (FIA) có trụ sở tại Washington.

Dự án nhà máy năng lượng nhiệt hạch của Commonwealth Fusion Systems đang được xây dựng ở bang Virginia, Mỹ. Ảnh: Commonwealth Fusion Systems
Năng lượng nhiệt hạch, tạo ra từ phản ứng tổng hợp hạt nhân, được xem là nguồn năng lượng sạch và tiềm năng vô tận nhưng hiện tại vẫn còn nhiều thách thức trong việc khai thác và sử dụng.
Báo cáo của FIA hồi đầu tuần này cho biết, kể từ từ tháng 7-2024, vốn đầu tư trên toàn cầu rót vào lĩnh vực năng lượng nhiệt hạch tăng thêm 2,64 tỉ đô la Mỹ. Kể từ năm 2021, tổng vốn đầu tư vào 53 công ty nhiệt hạch trong cuộc khảo sát của FIA hiện đạt gần 9,77 tỉ đô la, tăng gấp năm lần. Trong năm nay, tính đến tháng Bảy, khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tăng vọt 178% so với con số 900 triệu đô la được huy động vào năm ngoái.
Làn sóng đầu tư diễn ra ở nhiều nơi bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và Anh và là mức cao nhất kể từ năm 2022.
Khảo sát của FIA không tính đến nguồn vốn công cho các dự án nhiệt hạch của nhà nước Trung Quốc, nước dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Hôm 22-7, Trung Quốc đã chính thức ra mắt một công ty năng lượng nhiệt hạch quốc gia, đơn vị thành viên của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) tại một sự kiện ở Thượng Hải. Công ty này đặt mục tiêu dẫn đầu việc phát triển công nghệ nhiệt hạch hạt nhân có thể kiểm soát, như một phần trong kế hoạch năng lượng chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Hiện công ty đã nhận được cam kết đầu tư 1,6 tỉ đô la từ từ các công ty năng lượng và hạt nhân hàng đầu của nhà nước.
“Dòng vốn đầu tư vào năng lượng nhiệt hạch tăng tốc ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đang thắt chặt,là một tín hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư tăng cao, tiến bộ công nghệ và chuỗi cung ứng đang nhanh chóng được hợp nhất”, Andrew Holland, CEO FIA nói.
Phản ứng nhiệt hạch, cung cấp năng lượng cho Mặt trời và các ngôi sao trong vũ trụ đang trong giai đoạn thử nghiệm trên Trái đất.
Năng lượng nhiệt hạch được tạo ra từ phản ứng tổng hợp hạt nhân, trong đó hai nguyên tử hạt nhân nhẹ kết hợp lại để tạo thành một hạt nhân nặng hơn, giải phóng năng lượng lớn. Phản ứng này thường xảy ra ở nhiệt độ cực cao và thường được gọi là phản ứng nhiệt hạch.
Nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch chủ yếu là deuterium và tritium, hai đồng vị của hydro, có sẵn trong nước biển và có thể tái tạo được. Vì vậy, về lý thuyết, tiềm năng năng lượng nhiệt hạch là vô tận. So với các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch, nhiệt hạch không tạo ra khí thải nhà kính và các chất thải phóng xạ độc hại, nên được coi là sạch
Các nhà vật lý đang nỗ lực tái tạo các phản ứng nhiệt hạch bằng cách kết hợp các nguyên tử nhẹ với nhau bằng các công nghệ sử dụng laser hoặc nam châm khổng lồ. Những rào cản lớn đối với việc thương mại hóa loại năng lượng này bao gồm việc giảm lượng sử dụng năng lượng cần thiết để thúc đẩy phản ứng nhiệt hạch, đảm bảo phản ứng diễn ra liên tục và các hệ thống truyền năng lượng.
Các đơn vị đầu tư mạo hiểm của các công ty nhiên liệu hóa thạch truyền thống như Chevron, Shell, Siemens Energy là những bên rót tiền mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng nhiệt hạch.
Cơn bùng nổ nhu cầu điện năng của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các trung tâm dữ liệu đã hỗ trợ nhu cầu đầu tư năng lượng nhiệt hạch. Tháng trước, Google ký thỏa thuận mua 200 MW điện từ một dự án nhà máy năng lượng nhiệt hạch của Commonwealth Fusion Systems ở bang Virginia, dự kiến sản xuất điện vào đầu thập niên 2030.
Mặc dù có sự gia tăng về nguồn vốn, 83% công ty năng lượng nhiệt hạch trong cuộc khảo sát của FIA vẫn đang khát vốn đầu tư. Các công ty này cho biết cần thêm từ 3 triệu đến 12,5 tỉ đô la (tùy từng công ty) để đưa các nhà máy thí điểm đầu tiên vào hoạt động.
Tổng số tiền 77 tỉ đô la mà các công ty này cần huy động thêm cao gấp tám lần so với số tiền mà các nhà đầu tư đã cam kết. Cuộc khảo sát cho biết việc hợp nhất ngành dự kiến có thể làm giảm tổng mức đầu tư cần thiết.
Theo Reuters, Caixin
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dau-tu-toan-cau-vao-nang-luong-nhiet-hach-tang-toc/