Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám
Chùa Giám – một trong ba di tích thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt: Đền Xưa – chùa Giám – đền Bia (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã bắt đầu bước vào quá trình tu bổ, tôn tạo sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng.
Đây là cụm di tích gắn với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh - vị Thánh thuốc Nam. Trong đó, chùa Giám được biết đến là nơi Thiền sư Tuệ Tĩnh từng tu tập, học hành, nghiên cứu các bài thuốc dân gian để thực hành y đức trị bệnh cứu người.
Theo Quyết định 1322/QĐ-UBND ngày 24/4/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng về việc phê duyệt Dự án Tu bổ tôn tạo chùa Giám, tổng mức đầu tư dự án là 31,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và nguồn vốn hợp pháp khác; thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.
Dự án hướng tới mục tiêu bảo tồn toàn bộ các hạng mục công trình, kiến trúc của di tích. Theo đó, dự án tiến hành tu bổ các hạng mục công trình theo hướng giữ nguyên hiện trạng, các yếu tố gốc cấu thành di tích, loại bỏ các thành phần bổ sung mới không phù hợp, trả lại cho di tích hình dáng vốn có, làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước sự tác động của điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và thử thách của thời gian.
Đối với nhà Tam bảo quy mô hiện trạng 221 m2, sau khi hạ giải toàn bộ các cấu kiện thì giữ nguyên các cấu kiện còn tốt, thay thế các cấu kiện bị mất, hư hỏng và lắp dựng lại, thay thế toàn bộ vách gỗ, cửa đi, cửa sổ bằng gỗ lim; bổ sung, thay thế một số hoành, rui, chồng nóc, tàu mái, lá mái… Dự án nâng cốt nền tòa nhà lên 0,45m so với cốt sân, hoàn thiện theo thiết kế tu bổ, tăng độ ổn định của công trình; tu bổ Tả hữu hành lang với quy mô 96 m2/nhà. Khu vực nhà Tổ giữ nguyên quy mô 128 m2, tu bổ lại theo đúng không gian kiến trúc ban đầu.
Nhà Cửu phẩm được tu bổ lại theo đúng không gian kiến trúc ban đầu, thay thế, bổ sung những cấu kiện bị mất, hư hỏng bằng gỗ lim, nâng cốt nền toàn bộ nhà Cửu phẩm lên 0,9m so với cốt sân, hoàn thiện theo thiết kế tu bổ. Các mảng chạm khắc hoa văn, các con giống, kìm nóc bằng gốm còn tốt thì hạ giải, vệ sinh sạch sẽ sau đó lắp dựng lại. Một số cấu kiện không còn khả năng sử dụng, được thay thế mới, trong đó hoa văn chạm khắc được phục dựng theo nguyên mẫu kiến trúc hiện có.
Cây Cửu phẩm liên hoa sau khi hạ giải sẽ được tu bổ theo hướng thay thế cột gỗ trụ, các xà, ván bệ của các tầng bằng gỗ lim, lắp dựng lại theo cốt thiết kế tu bổ. Các cánh sen, hệ thống tượng, các mảng chạm khắc tứ linh, tứ quý được hạ giải, vệ sinh bụi bẩn, giữ nguyên màu sắc, kiến trúc ban đầu, sau đó lắp dựng lại. Dự án chỉ tiến hành thay thế trụ gỗ, các xà đỡ đã bị hư hỏng; thay thế bộ chuyển động quay bằng bộ cơ khí hiện đại để chuyển động quay được dễ dàng, không mất đi yếu tố gốc của di tích.
Các hạng mục khác được trùng tu là Nghè Giám với quy mô 151 m2, Tam quan và Nghi môn cùng nhiều hạng mục phụ trợ như: Nhà khách tại Nghè Giám, sân đường nội bộ, rãnh thoát nước, hồ nước chùa Giám, tường bao, nhà thép che công trình, điện chiếu sáng sân vườn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, chùa Giám được xây dựng vào thời Lý (1010 - 1225). Cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, công trình được trùng tu, tôn tạo lớn. Tháng 4/1970 do yêu cầu giải phóng dòng chảy để chống lũ lụt, chính quyền địa phương đã chuyển chùa đến địa điểm mới, cách chỗ cũ 7 km. Năm 1972 toàn bộ các công trình tại chùa Giám được chuyển về vị trí hiện nay và đến năm 1974, di tích được phục dựng lại theo kiến trúc thời Lê kiểu nội công ngoại quốc.
Chùa Giám là công trình nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh Hải Dương hiện còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc thời hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Trong đó tiêu biểu nhất là Cửu phẩm liên hoa có niên đại thế kỷ XVII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia năm 2015. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia, huyện Cẩm Giàng là Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Trải qua thời gian, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng: xà bị gãy, nhà che cây Cửu phẩm liên hoa bị hỏng phải chống bằng cột thép, nhà Tổ bị hư hỏng, mái ngói vỡ cứ mưa là dột nặng, một số chi tiết hoa văn bị hư hại...
Trước thực trạng di tích xuống cấp, huyện Cẩm Giàng nhiều lần có ý kiến đề xuất, kiến nghị tỉnh xin chủ trương tu bổ, tôn tạo. Ngày 29/10/2021, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra thông báo số 479-TB/TU kết luận về chủ trương lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Mao Điền, đền Xưa - chùa Giám - đền Bia huyện Cẩm Giàng. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích chùa Giám nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử lâu đời của di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan, du lịch của nhân dân, phát triển kinh tế du lịch của huyện và tỉnh. Ban Thường vụ tỉnh ủy Hải Dương lưu ý việc tu bổ, tôn tạo di tích phải giữ nguyên giá trị gốc, không làm biến dạng công trình, không phá vỡ cảnh quan khu vực xung quanh và thực hiện đúng trình tự của Luật Di sản văn hóa.