Đầu tư vàng vẫn có triển vọng
Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, vàng là 'nơi trú ẩn an toàn' trong thời kỳ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, địa chính trị bất ổn. Trong bối cảnh hiện nay, triển vọng của vàng vẫn rất lớn, mãi lực gia tăng.
Thời gian gần đây, dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mạnh. Theo ông, từ nay đến cuối năm 2023, xu hướng này liệu có tiếp tục gia tăng và điều đó sẽ tác động thế nào đến thị trường vàng?
Sự phục hồi của thị trường OTC trong quý I/2023 đã nâng tổng nhu cầu vàng lên 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với quý I/2022. Trong đó, các ngân hàng trung ương góp phần kích cầu bằng cách bổ sung 228 tấn vào các dự trữ toàn cầu, đạt mức kỷ lục.
Lạm phát tăng và rủi ro suy thoái kinh tế thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng, đặc biệt, các ngân hàng trung ương đều tăng dự trữ vàng.
Trong khu vực, dự trữ tại Trung Quốc đã bổ sung 18 tấn vàng; Ngân hàng Trung ương Singapore, Ấn Độ cũng tăng dự trữ. Sự gia tăng nguồn dự trữ vàng của ngân hàng trung ương, bao gồm Trung Quốc, tạo nên ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vàng.
Bên cạnh quy mô mua vàng, động thái của ngân hàng trung ương còn được nhìn nhận như tín hiệu cho thị trường. Khi một ngân hàng trung ương như Trung Quốc hoặc Singapore mua một lượng vàng lớn, các nhà đầu tư sẽ lập tức chú ý, vì điều này có thể là tín hiệu gia tăng rủi ro của thị trường, hoặc khẳng định vai trò quan trọng của vàng như một tài sản dự trữ.
Trong thời gian tới, việc mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như rủi ro, những lo ngại về địa chính trị và xu hướng đa dạng hóa đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thị trường mới nổi, nơi mức sở hữu vàng của ngân hàng trung ương khá thấp.
Ngoài các ngân hàng trung ương, nhu cầu đầu tư vào vàng của nhà đầu tư cũng như quỹ đầu tư vàng trong những tháng còn lại của năm 2023 ra sao, thưa ông?
Có rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vàng. Lạm phát vẫn đang là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới và đô la Mỹ không còn là lựa chọn duy nhất. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về vấn đề nợ công của Mỹ.
Đáng chú ý là, tình trạng lạm phát bắt đầu ổn định ở một số thị trường, mặc dù tỷ lệ lạm phát vẫn cao. Theo đó, nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Mỹ, có ý định tạm dừng tăng lãi suất, thậm chí xem xét giảm lãi suất. Động thái này có thể có tác động tích cực đến việc đầu tư vàng. Khi Ngân hàng Trung ương Mỹ giảm lãi suất hoặc tạm dừng tăng lãi suất, thì các nhà đầu tư cá nhân sẽ có động lực mua vàng, vì chi phí sở hữu vàng giảm trong môi trường lãi suất thấp.
Chúng tôi thường nhận được nhiều câu hỏi về hiệu quả của vàng như một biện pháp chống lạm phát. Theo quan điểm của tôi, vàng giúp giảm bớt áp lực lạm phát, nhưng hiệu quả của loại tài sản này có thể thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của tình hình kinh tế, chẳng hạn như suy thoái cùng lúc hoặc lạm phát vượt trội. Thực tế, xuyên suốt lịch sử, vàng thường cho thấy mức biểu hiện mạnh nhất trong những điều kiện như vậy.
Như vậy, vàng vẫn là “hầm trú ẩn an toàn” của đồng vốn cho nhà đầu tư, đầu cơ và quỹ ETF trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát cao và kinh tế suy thoái, thưa ông?
Vàng là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ lạm phát cao, suy thoái kinh tế và không ổn định địa chính trị và điều này càng được khẳng định thông qua các trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của hệ thống ngân hàng gần đây cũng khiến nhà đầu tư quan tâm đến vàng hơn. Tháng 3/2023, chúng tôi quan sát được sự gia tăng đầu tư vào các quỹ ETF vàng do lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Động thái trên cho thấy tiềm năng của vàng như một nơi trú ẩn trước những nguy cơ tiềm ẩn trong ngành tài chính…
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không chỉ nên tập trung vào hiệu suất từng năm của vàng, mà nên cân nhắc tác động của loại tài sản này đến tổng thể danh mục đầu tư. Vì nếu chỉ tập trung vào lợi tức hàng năm, nhà đầu tư sẽ không có được cái nhìn toàn diện về vai trò của vàng. Các nhà đầu tư nên quan tâm đến mối tương quan giữa vàng với các loại tài sản khác và tác động của vàng đến danh mục đầu tư.
Ví dụ, trong năm nay, chúng ta chứng kiến sự suy giảm của thị trường chứng khoán, trong khi giá vàng tăng cao. Điều này nhấn mạnh giá trị của việc nắm giữ vàng, vì vàng thường không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư.
Tại Việt Nam, tiêu thụ vàng trong quý I/2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Ông có thể nói rõ hơn về con số này và cho biết dự báo về nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam?
Quý I/2023, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 17,2 tấn.
Trong đó, nhu cầu vàng trang sức giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, từ mức tiêu thụ 5,6 tấn trong quý I/2022, chỉ còn còn 4,6 tấn trong quý I/2023. Sự suy giảm nhu cầu vàng trang sức một phần do tác động từ hiệu ứng cơ số và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm, khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nên việc mua sắm nữ trang giảm.
Cùng với đó, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tại thị trường Việt Nam cũng suy giảm, từ 14 tấn trong quý I/2022 giảm xuống còn 12,6 tấn trong quý I/2023 (giảm 10%).
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào vàng như một biện pháp tin cậy chống lạm phát. Tôi tin rằng, nhà đầu tư Việt Nam luôn thể hiện sự ưu ái mạnh mẽ đối với vàng như một cách bảo vệ khỏi những rủi ro.
Nhiều năm qua, vàng luôn là một sự đảm bảo đáng tin cậy. Vì vậy, trong tình hình hiện tại, rất có khả năng, những yếu tố này vẫn tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư trong nước chú trọng đến vàng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-vang-van-co-trien-vong-d190375.html