Đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á: Lý do Microsoft chưa chọn Việt Nam

Microsoft từng cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore đã phần nào hưởng lợi từ dòng vốn này. Song, Microsoft gần như chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào đối với Việt Nam - một trong những thị trường trung tâm dữ liệu được đánh giá phát triển nhanh nhất thế giới.

Đến nay Microsoft đã đầu tư mở trung tâm dữ liệu tại nhiều thị trương Đông Nam Á, tuy nhiên chưa bao gồm Việt Nam.

Đến nay Microsoft đã đầu tư mở trung tâm dữ liệu tại nhiều thị trương Đông Nam Á, tuy nhiên chưa bao gồm Việt Nam.

Trung tâm dữ liệu là kho kỹ thuật số chứa đầy các rack (tủ chứa máy chủ và thiết bị mạng), giờ đây đóng vai trò ngày càng chiến lược đối với mọi quốc gia. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT)... đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ đang thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với các trung tâm dữ liệu.

MICROSOFT CHƯA ĐẦU TƯ TRUNG TÂM DỮ LIỆU TẠI VIỆT NAM

Với bất kỳ quốc gia nào, trung tâm dữ liệu là hạ tầng quan trọng, được coi là “xương sống” của nền kinh tế số. Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center) không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu trong khu vực. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng các trung tâm dữ liệu, Việt Nam còn đang tích cực kêu gọi đầu tư hợp tác xây dựng các trung tâm dữ liệu từ các công ty, tập đoàn quốc tế.

Dưới góc độ toàn cầu, các “ông lớn” trong lĩnh vực điện toán đám mây như Amazon Web Services và Microsoft Corporation đang tăng cường mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu. Trong đó, khu vực Đông Nam Á nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong làn sóng đầu tư này nhờ vào chính sách mở cửa năng động và hàng loạt ưu đãi hấp dẫn như giảm thuế cùng các đặc quyền khác, nhờ đó đã thu hút thành công những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghệ đám mây.

Đến nay, Microsoft - một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện toán đám mây - đã thực hiện một loạt cam kết đầu tư tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia, trong đó bao gồm xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại tại các quốc gia này.

Vậy, vì sao Microsoft đã mở trung tâm dữ liệu tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhưng Việt Nam vẫn chưa được lựa chọn? Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Microsoft Việt Nam, giải thích rằng không chỉ Microsoft mà các tập đoàn lớn khác khi quyết định đầu tư đều cân nhắc quy mô thị trường và tính khả thi của khoản đầu tư. Thị trường Việt Nam chưa đủ lớn so với các quốc gia khác. Mới đây, Microsoft đã quyết định đầu tư xây dựng trung tâm dữ tại Thái Lan, một phần vì Chính phủ Thái Lan đưa ra những cam kết với Microsoft. Điều này cho thấy thị trường đủ tiềm năng để Microsoft quyết định đầu tư.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cũng từng chia sẻ nguyên nhân khiến Microsoft chọn Thái Lan vì đây là thị trường “có những cơ hội đáng kinh ngạc”. Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều cam kết rõ ràng bao gồm cả nguồn vốn đầu tư và chính sách ưu đãi cho thấy quyết tâm xây dựng một tương lai kỹ thuật số, đặc biệt là phát triển và làm chủ AI. Trước khi xây dựng trung tâm dữ liệu Thái Lan, Microsoft đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây và AI tại quốc gia này.

Được biết, Google cũng từng đề nghị đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu với số vốn hàng tỷ USD tại Việt Nam, song thương vụ bất thành vì nguồn cung năng lượng của Việt Nam chưa thể đáp ứng nhu cầu vận hành trung tâm dữ liệu. Sau đó, “gã khổng lồ” này đã mở rộng hiện diện tại Thái Lan và Malaysia, cạnh tranh với các cơ cở trung tâm dữ liệu của các công ty như Microsoft và OpenAI.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG, SONG CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN

Trước bối cảnh này, để đảm bảo nguồn điện, Chính phủ đang đẩy mạnh khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời thu hẹp sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống. Đáng chú ý, các đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân đang được xem xét như một giải pháp chiến lược để bổ sung nguồn điện và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp quốc tế khi đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Xây dựng các trung tâm dữ liệu luôn cần có sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, từ việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định đến việc xây dựng các cơ sở vật chất hiện đại.

TS. Glen Duncan, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Trung tâm dữ liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL, cho biết các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm các quốc gia có khả năng sản xuất năng lượng tái tạo để đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu. Việt Nam là một trong số những quốc gia đang làm khá tốt điều này.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) báo cáo tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng đều qua các năm. Trong năm 2023, tổng cô̂ng suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 21,6 GW. Báo cáo của JLL cũng đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để tiếp tục phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dau-tu-vao-trung-tam-du-lieu-tai-dong-nam-a-ly-do-microsoft-chua-chon-viet-nam.htm