Đầu tư xanh ở Đông Nam Á còn chậm dù đứng trước cơ hội kinh tế 1.000 tỉ đô la
Các lĩnh vực xanh của Đông Nam Á sẽ đứng trước các cơ hội kinh tế trị giá 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, nhưng chỉ mới đón nhận 15 tỉ đô la đầu tư kể từ năm 2020, theo báo cáo mới phát hành của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company (Mỹ) và quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore.
Báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company (Mỹ) và quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore cho rằng tốc độ triển khai vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á còn chậm so với nhu cầu thực tế để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Bain.com
Trong số 15 tỉ đô la Mỹ nói trên, khoảng 45% được triển khai trong giai đoạn từ quí 3-2021 đến quí 1-2022. Số công ty khởi nghiệp (startup) tập trung vào phát triển bền vững ở Đông Nam Á cũng tăng đến 13 lần kể từ năm 2015. Sự tăng trưởng này được phản ánh qua mức quan tâm đầu tư bền vững ở trong khu vực tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2020-2021.
Giới doanh nghiệp là những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực xanh ở Đông Nam Á với 11 tỉ đô la Mỹ được triển khai trong 86 thương vụ kể từ năm 2020. Khoảng 6,6 tỉ đô la được dành rót vào lĩnh điện mặt trời và điện gió, trong khi đó, 2,5 tỉ đô la được phân bổ cho những dự án năng lượng tái tạo khác như thủy điện và địa nhiệt. Khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ được đầu tư cho môi trường xây dựng.
Về địa điểm vốn được triển khai, đáng chú ý, 37% giá trị đầu tư xanh nhắm vào các mục tiêu ở Thái Lan, trong khi 22% dành cho các mục tiêu ở Philippines.
Các nhà đầu tư khác trong lĩnh vực xanh bao gồm công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE), công ty đầu tư mạo hiểm (VC), quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ tài sản có chủ quyền và quỹ đầu tư xanh thuần túy.
Kể từ năm 2020, các công ty PE và VC đã triển khai khoảng 1 tỉ đô la trong 23 thương vụ, phần lớn dành cho các startup đang tìm cách mở rộng quy mô các giải pháp xanh hiện có của họ. Trong số đó, 600 triệu đô la được rót vào startup phát triển các protein thay thế và 100 triệu đô la dành cho các startup trong lĩnh vực di chuyển. Khoảng 70% vốn đầu tư nói trên được triển khai nhắm đến các mục tiêu ở Singapore và 21% dành cho các mục tiêu ở Indonesia.
Bain & Company và Temasek dự báo năng lượng, tự nhiên và nông nghiệp sẽ chiếm khoảng 90% ngân sách đầu tư giảm khí thải carbon của Đông Nam Á, đặc biệt là bảo tồn rừng, năng lượng tái tạo (điện gió điện mặt trời), di chuyển bằng các phương tiện chạy điện, canh tác bền vững và môi trường xây dựng. Bảo tồn rừng, đại diện cho cơ hội kinh tế trị giá 20 tỉ đô la vào năm 2030, là một không gian có thể chứng kiến dòng tiền đầu tư ngày càng tăng trong khu vực, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia. Báo cáo ghi nhận lĩnh vực di chuyển bằng phương tiện chạy điện đang cất cánh ở các nước như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo có triển vọng tạo ra cơ hội kinh tế trị giá 30 tỉ đô la vào năm 2030, trong đó 20 tỉ đô la tập trung ở lĩnh vực điện mặt trời.
Dù khu vực này chứng kiến tăng trưởng trong đầu tư xanh ở mức độ nhất định, nhưng vẫn còn lên tới 2,6-3,2 tỉ tấn carbon cần phải trung hòa khi so sánh với mục tiêu giảm phát thải carbon vào năm 2030 để cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để làm được như vậy, Đông Nam Á cần thêm khoảng 3.000 tỉ đô la đầu tư xanh.
Tuy nhiên, báo cáo của Bain & Company và Temasek chỉ ra một thách thức riêng biệt ở Đông Nam Á là 50% GDP của khu vực này đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy, điều quan trọng là phải khuyến khích những doanh nghiệp này gia nhập nền kinh tế xanh và hỗ trợ họ trong hành trình phát triển bền vững.
Dale Hardcastle, Giám đốc Trung tâm đổi mới bền vững toàn cầu tại Bain & Company, cho biết: “Chúng tôi vẫn lạc quan về các cơ hội kinh tế trị giá 1.000 tỉ đô la Mỹ ở Đông Nam Á, nhưng chúng ta cần phải cùng tiến lên như một khu vực để củng cố một thị trường có thể đầu tư và tăng cường dòng vốn xanh”.
Theo Singapore Business News, Tech In Asia
Chánh Tài