Professional Wrestling (đấu vật biểu diễn) là loại hình đấu vật chuyên nghiệp kết hợp giữa kịch sân khấu, đấu vật và các môn thể thao đối kháng. Hiện tại, chỉ có Vietnam Pro Wrestling (VPW), hoạt động chủ yếu tại TP.HCM là nơi tổ chức đầu tiên và duy nhất biểu diễn loại hình này. Sau gần 8 năm theo đuổi đam mê, với 20 thành viên, VPW đã và đang mang loại hình biểu diễn nghệ thuật mới lạ này đến gần hơn với khán giả trong nước.
Khác với những môn thi đấu mang tính cạnh tranh, trong đấu vật biểu diễn, chuyện thắng thua hay những cú đấm hoàn toàn do booker - người viết kịch bản - quyết định. Bởi vậy, biểu diễn đấu vật còn được ví như một bộ phim không sử dụng lời nói mà chuyển tải bằng ngôn ngữ hình thể. Tuy đã có kịch bản sẵn, nhưng mỗi đô vật đều có cách thể hiện bản thân mình qua những kỹ năng riêng biệt.
Những chiêu thức phổ biến như đòn khóa siết được sử dụng trong ảnh với mục đích làm chậm lại nhịp độ của trận đấu. Đây là một ngón đòn như nút chuyển giao cảm xúc của khán giả nhằm dọn đường cho những cao trào phía sau. Còn khi muốn kết thúc trận, đô vật thường sử dụng một đòn kết liễu đặc trưng. Sau khi thực hiện các chiêu thức thì họ sẽ tiến hành “Pinfall” (đè đếm đến 3) để giành chiến thắng.
Bên cạnh đó, thứ mà đấu vật biểu diễn chú trọng không phải là kết quả, mà là câu chuyện và nhân vật. Bởi vậy, kịch bản là yếu tố cốt lõi tạo nên một vở diễn hay. “Kịch bản không chỉ là nơi để những võ sĩ thể hiện cái tôi của mình mà “gia vị” để giúp khán giả có thể thưởng thức buổi diễn bằng những cảm xúc chân thật nhất”, Nghĩa (24 tuổi, một thành viên trong nhóm) chia sẻ.
Trên sàn đấu vật, thiện - ác đã được phân định rõ ràng từ trước, vai tốt (gọi là babyface) và vai xấu (gọi là heel). Mỗi nhân vật được các đô vật hóa thân đều là hình ảnh do chính họ tưởng tượng ra. Khán giả khi theo dõi bộ môn này đủ lâu họ sẽ nhận ra được nhân vật tốt, nhân vật xấu qua từng hành động mà các đô vật thể hiện. Khi nhân vật xấu tung ra những đòn hiểm hóc, họ sẽ chế giễu bằng cách đưa ngón tay cái xuống đất.
Nhiều người thường nghĩ rằng đấu vật biểu diễn là một môn thể thao bạo lực. Giải thích cho quan điểm này, Huỳnh Hùng (27 tuổi), người sáng lập VPW, chia sẻ: “Đấu vật biểu diễn không phải là thể thao đối kháng, đây là bộ môn được trình diễn tương tự như xiếc. Việc thắng thua đã được quyết định từ trước và những màn giao đấu trông có vẻ bạo lực lại đã được tính toán và luyện tập kỹ lưỡng sao cho không gây ra chấn thương cho người trình diễn”.
Trung An (26 tuổi) - biệt danh An D, trải lòng: “Quy tắc quan trọng của đấu vật biểu diễn là vừa bảo vệ bản thân vừa bảo vệ bạn diễn khỏi chấn thương. Anh em cố gắng tập luyện kỹ năng hàng ngày không phải là để đánh nhau tới sống chết mà để bảo vệ nhau một cách tốt nhất trên sàn diễn”.
Cùng nhau thành lập nhóm, các thành viên đa số là những bạn trẻ dưới 23 tuổi chung tay nuôi khát vọng biểu diễn đấu vật. "Những ngày đầu, khi chưa có nhiều kinh phí chúng tôi sẵn sàng dùng nệm để làm sàn đấu. Gần 8 năm theo đuổi, hiện tại, sàn đấu của nhóm đã được nâng cấp chuyên nghiệp hơn để theo đuổi lâu dài”, Nghĩa, một thành viên cho biết.
Mỗi khi có buổi diễn, chị Quỳnh - vợ của anh Long XiuMin luôn ngồi dưới sân khấu để dõi theo chồng. Chị tâm sự: “Sau mỗi buổi diễn, về đến nhà, chồng tôi đều phải dùng nhiều cách để giảm đau. Tôi và bố mẹ chồng đã nhiều lần khuyên anh ấy từ bỏ, nhưng vì đam mê, anh vẫn tiếp tục”.
Huỳnh Hùng (27 tuổi), người tiên phong sáng lập Saigon Pro Wrestling Club, chia sẻ: “Tôi đam mê đấu vật từ thuở bé. Đến lúc trưởng thành, khi đang loay hoay tìm kiếm những vị tiền bối đi trước trong lĩnh vực này, tôi vô tình nghĩ ra ý tưởng tự tạo ra sân chơi riêng cho mình”.
Khi mới chập chững bước vào bộ môn này, Huỳnh Hùng lần mò hết các diễn đàn ở Việt Nam nhưng tư liệu có được lại vô cùng hạn hẹp. Hùng phải mò mẫm học tiếng Anh, tìm tòi tiếp ở những trang web nước ngoài về đấu vật biểu diễn. “Cuối năm 2015, khi nhóm mới thành lập, anh em cũng tự mày mò qua những đoạn video hướng dẫn trên mạng. Sau đó may mắn gặp được hai người thầy người Nhật như Mitsu Yoshida, Fugofugo Yumeji... Nhóm đã nhận được sự hướng dẫn tận tình từ những những kỹ thuật cơ bản”, người sáng lập Vietnam Pro Wrestling chia sẻ.
Được biết, nhóm đã phải “ngủ đông” 2 năm bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Những khoảng thời gian không thể biểu diễn trước khán giả, nhóm đã phải mở những buổi biểu diễn miễn phí để giữ lửa cho đam mê. Đến khi trở lại với khán đài hơn 200 khán giả ở quận 7, TP.HCM, họ đã nhấn chìm cả đấu trường trong cảm xúc. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa, nhóm sẽ tổ chức buổi biểu diễn tiếp theo.
Trước đây, khi còn là Saigon Pro Wrestling Club, họ từng có những trận đấu tập kín và mọi người tự đứng cổ vũ cho nhau. Nhưng giờ đây, mỗi lần được nghe khán giả gào tên mình dưới khán đài, họ đều như đang sống trọn từng khoảnh khắc với đam mê. Đó cũng chính là nguồn năng lượng để các đấu sĩ tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ của mình.