Đậu vớt

Một nam sinh Trường THCS Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị bạn học đánh hội đồng ngay trong buổi liên hoan chia tay cuối cấp, trước kỳ thi vào lớp 10 ít hôm.

Nạn nhân đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương và tinh thần hoảng loạn nên đã không thể tham dự kỳ thi quan trọng này. Bỏ lỡ cơ hội, bước đường đến trường và tương lai của T. chưa biết sẽ ra sao, song có lẽ những ám ảnh về bạo lực và sự tổn thương tinh thần sẽ theo em suốt cuộc đời.

Tình trạng bạo lực và bắt nạt học đường đang là vấn nạn, ngày càng phổ biến, với nhiều mức độ khác nhau. Môi trường học đường đang bị hoen ố, xuống cấp nghiêm trọng, và đây là hậu quả của chính nền giáo dục suốt chặng đường dài mải mê chạy theo thành tích, phô trương hình thức mà bỏ qua việc xây dựng, vun bồi những giá trị cốt lõi làm người. Lâu ngày, nó tích tụ thành căn bệnh khó chữa, đó là vô tâm, vô cảm, thậm chí ác độc. Chả thế mà, trong khi học sinh của mình bị vùi dập bởi bạo lực, ông hiệu trưởng Trường THCS Hưng Thủy vẫn thản nhiên trước công luận: “Vụ việc chả có gì mà báo chí cứ làm rối lên. Tôi không nghĩ trường tôi có bạo lực học đường”.

Mỗi năm đến hè lòng lại mang mát buồn khi nhìn những rừng giấy khen trên mạng xã hội. Dù đủ điểm lên lớp hay tốt nghiệp ra trường, phần lớn học sinh vẫn là những thí sinh “đậu vớt”, bởi còn thiếu rất nhiều tiêu chí cần thiết, cơ bản thuộc về phần “người” như nhân cách, đạo đức, tình yêu thương, lòng vị tha, đức hy sinh, sự trung thực và cả những kỹ năng sống…bởi các em không được học điều đó một cách đúng nghĩa, đúng chuẩn từ người lớn. Từ nhà trường đến ngoài xã hội, đâu đâu cùng thừa các khẩu hiệu hô hào, giáo điều nhưng lại thiếu trầm trọng những tấm gương từ người đi trước.

Đâu chỉ con trẻ đậu vớt, không ít người lớn, trong đó có cả các thầy cô giáo - rường cột của nền giáo dục, cũng thuộc diện đậu vớt từ quá khứ. Người lớn đậu vớt sẽ sinh ra những đứa con đậu vớt; thầy cô đậu vớt tất yếu cho ra đời các thế hệ học trò đậu vớt và đã tạo thành “hệ sinh thái đậu vớt” bền vững trong hiện tại lẫn tương lai.

Trong ít ngày tới, hàng trăm nghìn thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Có lẽ không khác mọi năm, tỉ lệ đậu tốt nghiệp năm nay lại gần như tuyệt đối. Một kết quả thật đẹp, song nó không gợi lên nhiều niềm vui hơn là những băn khoăn, nghi ngại, tựa như những băn khoăn, nghi ngại về tỉ lệ học sinh khá giỏi gần như tuyệt đối, kèm theo cả rừng giấy khen mỗi khi kết thúc năm học. Từng không ít ý kiến đặt vấn đề, như vậy có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tốn kém? Thực ra, câu hỏi ấy không nhằm phản đối hay có ý muốn xóa bỏ cuộc thi, mà là thể hiện sự băn khoăn về chất lượng học hành, chất lượng đầu ra của sản phẩm giáo dục.

Rất khó đánh giá đầu ra của cấp học phổ thông, bởi tất cả các trường đại học đều mở toang cửa, thậm chí cố “vét” cho đủ người học bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn. Khi chất lượng đầu vào kém, chất lượng đầu ra không thể khá hơn là điều tất yếu. Mỗi năm các trường cho ra đời một lượng lớn kỹ sư, cử nhân nhưng rất nhiều người trong số đó thất nghiệp vì không đủ năng lực. Đơn giản vì họ thuộc dạng “đậu vớt”.

ĐẠI DƯƠNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-vot-post1543580.tpo