Dấu xưa còn lại chốn này
Ngang qua tòa nhà vàng võ thời gian nằm ngay đại lộ sầm uất của trung tâm thị thành đã bao lần nhưng chưa khi nào tôi để ý kĩ. Mãi cho đến những ngày đầu tháng năm khi ngồi ở một quán cà phê cóc ngay vỉa hè đối diện của tòa nhà mới nghe câu chuyện kể từ hai vợ chồng già bán nước kể lại. Hóa ra đó là một bảo tàng dường như bị lãng quên trong chục cái bảo tàng hằng ngày vẫn đón khách tham quan. Tòa nhà này vẫn im ắng nằm nghe nắng mưa ngang qua Sài thành.
Nơi sở hữu những thứ "hiếm có khó tìm"
Theo sự khẳng định chắc nịch của vợ chồng bán nước ngót chừng 70 tuổi, đã trải qua thăng trầm đất này thì cái tòa nhà cũ kĩ trông bạc phếch kia lại chứa đựng những thứ "hiếm có khó tìm" nhất của thị thành này. Tôi băng qua con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm một trưa nóng bức hầm hập để vào tòa nhà đó.
Nằm ngay đầu con đường là trục nối dài ra khu trung tâm thành phố với những địa điểm thường xuyên lui tới của không chỉ khách du lịch mà cả thị dân đất này như Thảo Cầm Viên với 160 tuổi đời, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh gần 100 năm tuổi. Ấy thế mà, tòa nhà với tường vàng cửa xanh mang dáng dấp Tây phương này lại điềm nhiên rêu phong giữa tấp nập, dập dìu bước chân người qua kẻ lại.
Đứng từ bên ngoài của chiếc cổng xám xịt đã thấy dòng chữ vàng "Bảo tàng Địa chất" cũng mang phong sắc ngả màu thời gian. Ông bảo vệ già cười hà hà khi tôi hỏi chuyện "hiếm có khó tìm" như lời đồn đại. Ngay chính bản thân tôi, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất rừng rực nắng, ầm ập mưa này vẫn lạ lẫm thông tin để phải tò mò tìm hiểu. Tôi lần theo giọng kể nhừa nhựa cùng ly trà đá của một trưa hanh nắng mà nhìn bảo tàng xoay vần theo thời cuộc của đất này, của sự phát triển đại đô thị, của tân thời lẫn vào xưa cũ. Có chút gì đó hụt hẫng như thời khắc nóng bức của hiệu ứng nhà kính, của thay đổi khí hậu mà chưa có cơn mưa nào ghé qua thị thành này.
Ngược dòng lịch sử của Bảo tàng Địa chất thì có thể nói đây cũng là một địa điểm mang trong mình nhiều dữ kiện của thời cuộc nước nhà và hơn nữa là với mảnh đất chỉ hơn 300 năm hình thành. Trong phần chú thích của bảo tàng này, ghi rất rõ nguồn gốc, đó là sau khi Sở Địa chất Đông Dương (Service géologique de l'Indochine) thành lập năm 1898, hai nhà địa chất Pháp là Honoré Lantenois và Henri Mansuy được giao xây dựng Bảo tàng Địa chất.
Năm 1954 đất nước chia cắt, Sở Địa chất Đông Dương được coi là di dời vào Sài Gòn. Lúc này, chính quyền Pháp chuyển một phần trong bộ sưu tập của Sở Địa chất Đông Dương từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau đó giao cho Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Ban đầu, bộ sưu tập được đặt trong một ngôi biệt thự số 31 đường Hàn Thuyên. Mãi cho đến năm 1970 nhà trưng bày được xây mới ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cạnh Thảo Cầm Viên.
Năm 1973 thì các mẫu vật được chuyển theo về nhà trưng bày này. Năm 1975 chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất một dải nối liền Bắc Nam, quyền quản lý Bảo tàng Địa chất này được giao cho Liên Đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, một đơn vị thành viên của Tổng cục Địa chất Việt Nam. Hiện tại, Bảo tàng Địa chất này trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Tôi bắt đầu hành trình bất chợt này bằng bao điều ngổn ngang trong lòng. Giữa một không gian bàng bạc màu hoài cổ của tủ gỗ, của gạch lót, của bàn trà như những thập niên 1980 mà ngày bé vẫn thường thấy, tôi tự hỏi: "Bảo tàng này kỳ thực nếu có nhiều hiện vật quý giá sao lại hoang lạnh đến thế này?".
Những hiện vật cất lời đất nước
Tôi lang thang qua các căn phòng vàng nhạt trong ánh nắng ran rát chiếu vào từ các ô cửa sổ. Cánh quạt máy quay vù vù cùng gió hâm hấp nóng cũng chẳng thể ngăn nổi tò mò tìm hiểu của tôi.
Bảo tàng Địa chất là một bảo tàng chuyên ngành ở Việt Nam, lưu giữ các mẫu vật địa chất - khoáng sản có giá trị lớn, hay những mẫu đá có niên đại hàng triệu năm. Theo thống kê nơi này lưu giữ và trưng bày hơn 20.000 mẫu đá, các lõi khoan, 50 bộ sưu tập mẫu cổ sinh vật, nhiều sưu tập mẫu khoáng sản của các mỏ điển hình của Việt Nam cùng nhiều mẫu sưu tập khoáng vật của các nơi trên thế giới. Bảo tàng Địa chất nằm trong hệ thống các bảo tàng khoa học tự nhiên ở Việt Nam, và là thành viên chính thức của Hội đồng Bảo tàng quốc tế. Thế nhưng, các biển tên của hiện vật rất đơn giản có phần phai mờ dần theo năm tháng, không chú thích và càng không có phần tiếng Anh.
Với thiết kế 3 tầng, mang phong cách kiến trúc hiện đại của Việt Nam vào thời kỳ đầu, tổng diện tích khoảng 300 mét vuông. Mỗi tầng trưng bày một chuyên đề riêng như về địa chất, khoáng vật, cổ sinh, đá quý… Tổng quan có thể gói gọn trong ba chủ đề với 10 chuyên đề. Theo tôi quan sát, riêng những mẫu hóa thạch động, thực vật được trưng bày thành một chủ đề nhỏ trong bảo tàng.
Ở ngay tầng trệt, khi vừa bước vào tôi ấn tượng ngay với tấm bản đồ địa chất Việt Nam với tỷ lệ 1:500.000 được hoàn thành vào năm 1988 do các nhà địa chất học mất rất nhiều năm nghiên cứu để thực hiện. Các loại đá quý như thạch anh, cẩm thạch, ruby, sapphire, topaz… với nhiều hình dáng, kích thước thể hiện sự phong phú của địa chất Việt Nam.
Men theo chiếc cầu thang cũ, màu gỗ cũng phai và nhiều vết xước của thời gian, tôi lên các tầng trên với nhiều phòng ốc cũng ám mùi xa xưa. Cảm xúc kỳ thực như chính mình tách ra hẳn sự hiện đại năng động của một đô thị đang lộng lẫy phát triển. Buông bỏ những hối hả, bàn chân đưa tôi qua một cánh cổng và thời gian chậm trôi về miền xưa xa ngái còn lưu lại chốn này. Tuy vậy, từ tầng 2 trở lên chỉ mở cửa một số phòng trưng bày theo những chủ đề khác nhau như dầu thô, sắt, đồng, vàng, kẽm, mẫu quặng và khoáng sản có ích mà Việt Nam có. Từ mẫu dầu thô của Việt Nam được tìm thấy ở vùng biển phía Nam những năm 1980 có ý nghĩa quan trọng với ngành năng lượng của đất nước đến đá quý, vàng, thiếc, đồng, sắt, chì, than đá… Cứ vậy tôi sững sờ nhìn các tiêu bản, hiện vật được đặt cẩn trọng trong tủ gỗ có mặt kính. Quá nửa phần đời mình dọc ngang cũng nhiều nơi trên thế giới, tôi lần đầu tiên cảm nhận được sự giàu đẹp của tài nguyên nước nhà.
Tôi bị cuốn hút vào những mẫu đất đá có niên đại hàng chục triệu năm được trưng bày chỉn chu trong tủ kính. May mắn trưa đó, phía sau những bước chân tôi là vài sinh viên của một trường đại học đến làm một bài nghiên cứu. Chính nhờ các em mà tôi được nghe ké phần trình bày của người phụ trách bảo tàng. Phần lớn mẫu vật do người Pháp thu thập khắp ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).
Càng đi sâu vào các phòng trưng bày tôi càng bất ngờ bởi lần đầu tiên nhìn thấy các sưu tập về hóa thạch cổ sinh vật, các loại đá hoa cương, thiên thạch và tectit, địa chất biển. Điều đặc biệt là Bảo tàng đã dành riêng một khoảng không gian để trưng bày các tiêu bản về địa chất thu thập ở quần đảo Trường Sa. Chính trong chiều hôm đó, tôi và nhóm sinh viên khoảng 5 bạn trẻ ý thức sâu hơn về chủ quyền biển đảo cực kỳ thiêng liêng như đang dâng trào trong tâm khảm mình.
Khi tôi rời khỏi Bảo tàng Địa chất đặc biệt này, tôi thấy mình quá may mắn khi hành trình bất ngờ trốn nắng lại khiến tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi tin nếu Bảo tàng này được lên lịch thành chuyến tham quan trong chuỗi địa điểm độc đáo cho du khách, hoặc trở thành một buổi học ngoại khóa cho học sinh các cấp thì chắc chắn đây sẽ là một không gian vô cùng lý thú khiến ai cũng mê mẩn. Bởi, cùng với tốc độ phát triển, ít nơi nào của đất này còn lưu lại chút dấu xưa cũ hay ho đến vậy!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/dau-xua-con-lai-chon-nay-i730749/