Đầu xuân, hối hả chống hạn cho cà phê
Sau gần 2 tháng nắng hạn, đã khiến hàng chục ngàn ha cà phê tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc đang trong tình trạng thiếu nước nên bị rũ lá, khô bông. Từ những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, đông đảo bà con các địa phương đang hối hả tận dụng mọi nguồn nước tưới chống hạn cho cà phê.
Ghi nhận tại các địa phương có diện tích cà phê lớn như xã Lộc Ngãi, Lộc Thành, Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Đức, Lộc Quảng và thị trấn Lộc Thắng… (huyện Bảo Lâm) hay các xã Tân Châu, Tân Thượng, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc… (huyện Di Linh) và Đam B’ri, Đại Lào, Lộc Nga (TP Bảo Lộc) thì tiếng máy nổ bơm nước hoạt động râm ran khắp nơi. Cùng với đó là người người đang ngày đêm thay nhau canh máy châm dầu, châm nước làm mát và kéo ống tưới cho hàng chục ngàn ha cà phê. Theo đó, tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) dọc theo dòng suối Đại Nga và tuyến kênh thủy lợi hồ Đắk Long Thượng máy bơm nước liên tục hoạt động. Riêng tại hệ thống mương thủy lợi hồ Đắk Long Thượng (xã Lộc Ngãi) có chiều dài hơn 20 km, để đáp ứng nguồn nước cho bà con chống hạn, chính quyền địa phương phải chia lịch và cắt cử người trực để điều tiết nước hợp lý. Tuy nhiên , do lượng máy bơm nước quá đông và hoạt động liên tục nên nhiều khu vực như thôn 5, thôn 8 và thôn 9 (xã Lộc Ngãi) nước vẫn chưa về tới. Ông Nguyễn Thành Linh (ngụ thôn 8, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), lo lắng: “Địa phương lên lịch xả nước cho người dân chúng tôi tưới cà phê chống hạn trong 6 ngày (từ 30/1 đến 5/2/2020). Thế nhưng do đầu nguồn bà con tưới quá nhiều, nên đến nay nước vẫn chưa thể về tới thôn 5, thôn 8 và thôn 9. Hiện tại, hơn 100 hộ dân chúng tôi đang thay nhau túc trực trên hệ thống mương thủy lợi để chờ nước chống hạn cho cà phê. Hy vọng, đêm nay nước sẽ về để bà con chống hạn, chứ hiện tại chúng tôi đang rất lo lắng”.
Trong khi đó, nguồn nước ở hầu hết ao hồ, các con suối tự nhiên và ao hồ nhỏ (ao hồ tự đào) tại các địa phương vẫn đảm bảo nguồn nước nên công tác tưới chống hạn của người dân diễn ra thuận lợi. Theo thống kê, đến nay, Di Linh là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với khoảng 44.000 ha; tiếp đến là huyện Bảo Lâm, với khoảng 35.000 ha. Theo ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, qua khảo sát trong đợt chống hạn đầu xuân này, nguồn nước trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo để bà con tưới hơn 95% diện tích cà phê. Để đối phó với tình hình nắng hạn đang diễn ra, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý các công trình thủy lợi, hồ chứa thì địa phương đang vận động người dân tiến hành cách bỏ bớt cành cà phê và sử dụng lá cà phê phủ gốc để giữ ẩm cho cây.
Còn tại huyện Di Linh, theo ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, ngoài nguồn nước từ sông, suối và hồ thủy lợi tự nhiên, địa phương còn có gần 6.000 ao hồ nhỏ do người dân tự đào để cung cấp nước tưới chống hạn. “Mặc dù đầu xuân mới, nhưng người dân đã chủ động và đồng loạt ra quân tưới chống hạn cho cây trồng. Qua kiểm tra thực tế, về cơ bản nguồn nước vẫn đáp ứng đủ để người dân chống hạn. Thống kê sau 4 ngày ra quân (từ mùng 4 - 7 tết Canh Tý 2020), đã có gần 60% diện tích cà phê của toàn huyện được tưới. Để đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài, địa phương đang tiến hành điều tiết tích nước và phân phối nguồn nước sông suối, hồ thủy lợi; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm tránh lãng phí nguồn nước. Đặc biệt, để công tác chống hạn đạt hiệu quả cao nhất, địa phương đang vận động người dân lắp đặt các hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước để tránh lãng phí nguồn nước” - ông Trần Nhật Thi cho biết.
Những hình ảnh được Báo Lâm Đồng Online ghi nhận về công tác hối hả chống hạn của người dân các địa phương từ những ngày đầu xuân Canh Tý 2020:
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202001/dau-xuan-hoi-ha-chong-han-cho-ca-phe-2985819/