Đầu xuân theo dấu bụi vàng tích Việt

Mỗi mùa xuân đến, nếu có một nơi mà mọi người Việt Nam trong lẫn ngoài nước đều mơ ước một lần trở về nguồn cội, thắp nén hương tri ân tổ tiên, thì tôi tin đó chính là kinh đô Phong Châu xưa với Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh cùng nhiều di tích linh thiêng khác nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ bên bờ sông Thao huyền thoại ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị của vùng đất Tổ…

Khuôn viên Đền Hùng, ở tỉnh Phú Thọ nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Khuôn viên Đền Hùng, ở tỉnh Phú Thọ nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Sông Thao “thêm một lần tôi đến để rồi đi”

“Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê/ Cuối sông ngoài bến ai về có thấy đồng mía nương chè với mối tình thắm bên làng quê/ Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên nguồn về khơi/ Sông Thao ngoài bến Việt Trì/ Có những chàng áo nâu về say mê dòng nước… vui tràn trề”.

Đó là đoạn mở đầu cho tráng khúc Du kích sông Thao nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết từ năm 1949 tại ngã ba sông Việt Trì sau thắng lợi của Chiến dịch Sông Thao thời chín năm chống Pháp. Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận hợp cùng Trường ca sông Lô của Văn Cao và Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi thành ba tuyệt phẩm âm nhạc mang tính lịch sử, có ý nghĩa thôi thúc những đoàn hùng binh xung trận cứu nước.

Điều thú vị khi chúng tôi về Việt Trì cuối năm 2022 và đi bên bờ con song hình thành tráng khúc Du kích sông Thao cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ tài ba Đỗ Nhuận (10/12/1922-10/12/2022). Bài hát bất tử của ông cũng như bài thơ Sông Thao nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy sau này đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp và làm “sống” mãi dòng sông Thao thơ mộng và bi hùng:

Sông Thao thêm một lần tôi tắm

thêm một lần tôi đến để rồi đi

gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng

tôi nhìn em để không nói năng gì

Sông Thao lịch sử đi vào văn học nghệ thuật như vậy, nhưng thật ngạc nhiên hiện nay trong các sách giáo khoa lẫn văn bản hành chính, cái tên sông Thao gần như biến mất. Chỉ có trên bản tin thời tiết đài truyền hình trung ương vào mùa lũ lụt thỉnh thoảng nhắc tới mực nước sông Thao, nhưng với giới trẻ các thế hệ sau này đó là con sông hoàn toàn xa lạ. Vậy thực chất sông Thao ở đâu, có vị thế ra sao?

Lăng Hùng Vương. Ảnh: PHAN HOÀNG

Lăng Hùng Vương. Ảnh: PHAN HOÀNG

Sông Thao là dòng chính của sông Hồng. Người dân tộc thiểu số ngữ hệ Tày Thái gọi sông này là Nậm Tao, tức Sông Cái hay Sông Lớn, còn người Việt gọi là sông Thao. Bắt nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, sông Thao chảy vào địa phận tỉnh Lào Cai nước ta rồi qua Yên Bái xuống tới ngã ba Trung Hà của tỉnh Phú Thọ hợp lưu với sông Đà và chảy tiếp đến ngã ba Hạc cũng của tỉnh Phú Thọ hợp lưu với sông Lô tạo thành sông Hồng.

Đoạn sông Thao chảy qua núi rừng Lào Cai lưu vực nhỏ dốc nước chảy xiết. Kể từ Yên Bái xuống Phú Thọ, lưu vực sông Thao mở rộng, có nơi như ở Việt Trì lưu vực sông bề ngang tới 2-3km. Theo các nhà thủy văn, trong ba nhánh lớn của sông Hồng, tuy sông Thao có diện tích lưu vực gần bằng sông Đà nhưng lượng dòng chảy lại nhỏ nhất, cụ thể: sông Thao chỉ chiếm 19%, sông Lô là 25,4%, sông Đà là 42%.

Về địa hình, dãy núi Fansipan cao chất ngất đóng vai trò đường phân nước giữa sông Đà với sông Thao, trong khi dãy núi Con Voi chạy gần song song với sông Thao lại là đường phân nước giữa sông Thao với sông Lô. Vì chứa nhiều oxit sắt nên phù sa sông Thao màu đỏ. Lưu lượng nước sông thay đổi thất thường. Mùa mưa nước sông Thao dâng rất cao. Mùa khô lưu lượng rất thấp, gây khó khăn cho nước sinh hoạt dân cư và sản xuất nông nghiệp.

Mùa xuân nước sông Thao đang xuống thấp dần nhưng lưu lượng chảy qua TP Việt Trì vẫn đủ cái mênh mông dạt dào sóng nước cho những tâm hồn tìm về cội nguồn. Con sông thiêng gắn liền đất Tổ xưa nay sinh ra nhiều bậc anh tài, trong đó có không ít văn nghệ sĩ, mà độc đáo là thi sĩ Bút Tre - Đặng Văn Đăng, người mang tới thi đàn một làn gió thi ca khác biệt giàu chất văn hóa dân gian. Lớp lớp người người ra đi nhưng sông Thao vẫn miệt mài sứ mệnh, mải miết xuôi dòng theo thăng trầm lịch sử dòng giống Rồng Tiên!

Nhà thơ Phan Hoàng (bìa trái) dâng hương Đền Hùng đầu xuân 2023. Ảnh: CTV

Nhà thơ Phan Hoàng (bìa trái) dâng hương Đền Hùng đầu xuân 2023. Ảnh: CTV

Ngã ba Hạc có phải nơi hợp lưu của ba dòng sông?

Đến nay, trên nhiều sách báo và phương tiện truyền thông cho rằng thành phố ngã ba sông Việt Trì, tỉnh lỵ của Phú Thọ, là nơi hợp lưu của ba con sông: sông Hồng, tức sông Thao với sông Đà và sông Lô ở ngã ba Hạc. Ngay cả Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ hiện vẫn ghi rõ ràng như vậy. Nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Chúng tôi đến Việt Trì nhiều lần. Và dường như lần nào cũng được các bạn văn đưa tới ngã ba Hạc để thăm thú hàn huyên. Cảnh quan nơi ngã ba sông có sức quyến rũ lạ thường trong khí thiêng đất Tổ. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Tham Thiện Kế là một trong những cây bút tiêu biểu của Phú Thọ, một lần đứng chỉ tay ra ngã ba Hạc giải thích rằng, có lẽ do đây là ngã ba sông nên nhiều người cứ nhầm là nơi hợp lưu của ba dòng sông. Còn nhà thơ cựu chiến binh Ngô Kim Đỉnh cũng là “thổ địa” của Việt Trì thì cho biết đã nhiều lần anh đính chính điều này qua các bài viết của mình nhưng không hiểu sao nhiều người cứ nhầm. Ngã ba Hạc là nơi chỉ có hai con sông Thao và sông Lô hợp dòng, trong khi cửa sông Đà hợp lưu sông Thao cách đây khá xa.

Vào đầu năm 2022, khi tôi cùng gia đình lên thăm Việt Trì, hai nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa và Vũ Thanh Thủy trực tiếp đưa đến ngã ba Hạc tham quan và dâng hương đền Tam Giang - chùa Đại Bi nằm bên tả ngạn sông Thao. Đây là một cụm di tích, thắng cảnh thu hút nhiều du khách, gồm đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại vương, tượng đài Chiêu Văn vương Tả thánh Thái sư Trần Nhật Duật, bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, bến bơi chải và cầu Việt Trì gần ngã ba sông. Hai nữ sĩ vừa chỉ dẫn vừa thuyết minh rằng, đền Tam Giang thờ thần Thổ Lệnh là thần làng - thần sông Bạch Hạc mà sinh thời ngài đã chu du khắp thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị bệnh tật cho muôn dân. Đến khi mất ngài lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm cứu nước. Còn chùa cổ Đại Bi gắn liền với công trạng của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, một nhân vật lịch sử lừng lẫy thời nhà Trần. Ngài đã cùng cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng chùa Đại Bi từ năm 1328, đến nay đã gần 700 năm tuổi.

Bây giờ, sau một năm tròn, chớm xuân 2023 chúng tôi lại trở về dâng hương đất Tổ. Lần này, nhà thơ Ngô Kim Đỉnh cùng họa sĩ Nguyễn Đình Ánh lại đưa tôi thăm Di tích Quốc gia Làng Cả, một di chỉ khảo cổ học vô cùng quan trọng của văn hóa Đông Sơn và thời đại Hùng Vương. Tiếp đó chúng tôi ngược lên ngã ba Trung Hà hay còn gọi ngã ba Hồng Đà có chiếc cầu Trung Hà gần cửa sông Đà bắc qua làm ranh giới giữa huyện Ba Vì thuộc TP Hà Nội và huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ.

Đứng ở ngã ba Trung Hà, nhà thơ Ngô Kim Đỉnh chỉ tay về hướng đông nam cho biết nơi đây cách ngã ba Hạc gần 10km theo đường chim bay. Ngã ba Trung Hà là nơi sông Thao hợp lưu với sông Đà từ phía hữu ngạn chảy vào. Ngã ba sông này nằm chủ yếu trên địa phận huyện Tam Nông phía hữu ngạn sông Thao, còn bên tả ngạn là huyện Lâm Thao, chếch phía dưới là đầu TP Việt Trì. Ba huyện thành này đều thuộc tỉnh Phú Thọ.

Nghĩa là ngã ba Trung Hà chính là điểm hợp lưu của hai con sông Thao và sông Đà rồi chảy thêm một đoạn khá xa nữa sông Thao mới hợp lưu với sông Lô ở ngã ba Hạc tạo thành dòng lớn sông Hồng. Dù ngã ba Trung Hà chủ yếu thuộc huyện Tam Nông, nhưng có thể nói về không gian địa lý TP Việt Trì hiện tồn cả hai dòng hợp lưu: sông Thao với sông Đà và sông Thao với sông Lô, chứ không có chuyện cả ba dòng sông này cùng hợp lưu một nơi ở ngã ba Hạc như truyền tụng.

Sông Thao mênh mông ảo mờ trong sương lạnh. Ảnh: PHAN HOÀNG

Sông Thao mênh mông ảo mờ trong sương lạnh. Ảnh: PHAN HOÀNG

Đạo pháp tổ tiên sáng soi đường bay dòng giống Lạc Hồng

Nếu có một nơi mà mọi người Việt Nam trong lẫn ngoài nước đều mơ ước một lần trở về nguồn cội, thắp nén hương tri ân tổ tiên, thì tôi tin đó chính là kinh đô Phong Châu xưa với Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh cùng nhiều di tích linh thiêng khác nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ bên bờ sông Thao huyền thoại. Trở về để vọng tưởng, cảm thông, tự hào, soi sáng và tiếp thêm năng lượng cho chính mình:

Theo dấu bụi vàng tích Việt

Đắm đuối đường bay non biển Tiên Rồng

Khóc thầm cười vang hào khí Lạc Hồng

Có chiến thắng oai hùng kinh thiên động địa

Có thất bại bi thương quỷ khốc thần sầu

Việt Nam ơi, lịch sử sinh tồn sao lắm bể dâu?

Theo truyền thuyết, Lộc Tục Kinh Dương Vương là vua nước Xích Quỷ đã truyền ngôi cho con là Sùng Lãm Lạc Long Quân. Sau khi hợp duyên cùng Âu Cơ sinh ra 100 người con, Lạc Long Quân đã phong cho con trưởng là Hùng Vương làm vua nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, trải qua 18 đời vua. Kinh đô Phong Châu đầu tiên nằm ở nơi hợp lưu sông Thao với sông Đà, về sau dịch chuyển xuống nơi hợp lưu sông Thao với sông Lô, nghĩa là cũng nằm trong không gian địa lý Việt Trì và vùng lân cận phía tây - tây nam ngày nay.

Về phong thủy, vị thế Phong Châu được xem là một đại long mạch hội đủ các yếu tố cho một kinh đô vững bền. Với ba con sông lớn vòng quanh hội tụ bao bọc, kinh thành còn được che chắn bởi dãy núi Tam Đảo ở phía bắc, những ngọn núi liên hoàn của dãy Hoàng Liên Sơn ở phía nam, cùng những ngọn đồi trùng điệp phía tây bắc với hình thù 99 con voi chầu về núi Hùng, tức núi Nghĩa Lĩnh ở trung tâm như cái đầu rồng nhô lên, và trước mặt là đồng bằng châu thổ rộng lớn có hòn núi Tản Viên án ngữ như vị thần bảo vệ kinh đô.

Vẫn như mọi lần, bao giờ về kinh đô Phong Châu xưa tôi cũng lên dâng hương Đền Hùng đầu tiên. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này vừa được giữ gìn cẩn thận những nét cổ kính vừa được tôn tạo, xây dựng những hạng mục mới thêm phần bề thế hoành tráng. Đây còn là khu bảo tồn thiên nhiên phong phú với những cổ thụ nguyên thủy quý hiếm nhất nước ta hiện nay. Đức tin tâm linh và ý thức bảo vệ di sản cha ông của chính quyền và người dân đất Tổ thật đáng trân trọng.

Xuống núi Nghĩa Lĩnh, tôi được nhà thơ Ngô Kim Đỉnh và họa sĩ Nguyễn Đình Ánh đưa đi vòng quanh thăm một số địa chỉ văn hóa khác trước khi đến thăm Di tích Quốc gia Làng Cả và miếu thờ Lang Liêu. Giống như Di tích Quốc gia Làng Cả, miếu thờ Lang Liêu đã thành phế tích và đang trong quá trình phục dựng. Thắp nén hương cho vị vua hiếu thảo sống hòa lẫn với nhân dân, lòng tôi dậy lên bao xúc cảm khôn nguôi. Truyền thuyết bánh chưng bánh dày qua hình tượng hoàng tử Lang Liêu không chỉ có ý nghĩa về triết học, mỹ học, kinh tế, pháp trị… mà còn là câu chuyện nhân văn truyền cảm hứng về đức hiếu sinh cho con cháu dòng giống Lạc Hồng:

Chớm xuân dâng hương Lang Liêu

Đất Tổ bồi hồi huyền tích bánh chưng bánh dày

Trời tròn đất vuông nghiêng mình tấm lòng hiếu thảo

Lớp lớp vương quyền đỉnh mây vinh hoa

Miếu nhỏ ẩn mình lưu giữ mạch nguồn nhân nghĩa

Đạo pháp tổ tiên sáng soi đường bay dòng giống Lạc Hồng.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292348/dau-xuan-theo-dau-bui-vang-tich-viet.html