Đây! Bạch Đằng Giang

'Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung...'

Qua cầu Bính bắt ngang sông Cấm, xe chạy khoảng một giờ là đến thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Khu di tích Tràng Kênh, Hải Phòng thờ cả ba vị anh hùng gắn liền với ba trận thủy chiến lừng lẫy trên sông Bạch Đằng.

Nhà trưng bày hiện vật các trận Bạch Đằng

Cổng vào khu di tích có kiến trúc trang nhã, có hai hàng chữ thảo tiếng Việt, ý nghĩa vô cùng.

Dùng nước triều lập trận phá ngoại xâm, đời sau tôn thành "Hải quân chi tổ";

Lấy cây rừng vót thành cọc nhọn, diệt quân Nguyên mưu ấy quả bậc Thầy.

Nhà trưng hiện vật là một bảo tàng. Cọc Bạch Đằng nguyên trạng đây rồi. Trời ơi! Cả ngàn năm còn đây.

Cổng vào khu di tích Bạch Đằng Giang

Cổng vào khu di tích Bạch Đằng Giang

Ba pho tượng uy nghi, thếp vàng xếp từ phải sang trái Ngô Vương, Hoàng đế Lê Đại Hành và Hưng Đạo Vương. Lòng tôi ngập tràn niềm kính ngưỡng. Ôi! Tôi nhận ra Hưng Đạo Vương tay phải cầm Hịch Tướng Sĩ. Đâu đây như còn vang lời hịch “Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng...”.

Tác giả trước tượng ba vị anh hùng

Tác giả trước tượng ba vị anh hùng

Ba bản dẫn giải gọn gàng công lao và chiến trận chống giặc phương Bắc. Năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, năm 981 Lê Hoàn thắng quân Tống và năm 1288 Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn diệt Nguyên Mông. Trên cùng một dòng sông, cùng một chiến lược cắm cọc trên sông diệt giặc, kẻ thù thì đa dạng, các bậc anh hùng đầy tài thao lược.

Sách vở viết về chiến tích Bạch Đằng Giang bày đầy trong nhiều tủ kính.

Các bản dẫn giải ba chiến thắng Bạch Đằng

Các bản dẫn giải ba chiến thắng Bạch Đằng

Sách vở viết về chiến tích Bạch Đằng Giang

Sách vở viết về chiến tích Bạch Đằng Giang

Một cây cọc Bạch Đằng còn nguyên trạng được bọc trong lồng kính gần cả ngàn năm mà còn đây.

Thật là một bảo tàng lịch sử. Bố trí hiện vật đầy đủ, thật ý nghĩa. Ra khỏi nhà trưng bày hiện vật, không tả xiết lòng kính ngưỡng tiền nhân.

Bản đồ minh họa ba trận Bạch Đằng

Bản đồ minh họa ba trận Bạch Đằng

Quần thể khu di tích

Khu di tích Bạch Đằng Giang, rộng 20 hecta nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh được nhà nước công nhận năm 1962. Không gian yên bình, cảnh quan xanh, sạch, sơn thủy hữu tình, nhiều cây xanh các loại, nhiều cổ thụ hùng vỹ rợp bóng mát.

Khách thong thả thảnh thơi lần lượt chiêm ngưỡng các ngôi đền gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc, theo hướng từ đất liền ra đến gần giữa sông.

Một con rạch nhỏ chạy suốt bờ phải khu di tích. Tôi bất ngờ thích thú. Các cây bần chạy dọc bờ rạch, các giề lục bình theo dòng nước ra đến vàm sông.

Rạch nhỏ dọc chiến tích đổ ra sông Bạch Đằng

Rạch nhỏ dọc chiến tích đổ ra sông Bạch Đằng

Linh từ Tràng Kênh và đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng đầu tiên năm 2008. Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, là cột đá chống trời, có đủ tài đức. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao chói lọi của quân dân Đại Việt, vào thế kỷ 13, thể hiện tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương.

Đền Tràng Kênh Vọng thờ vua Lê Đại Hành xây năm 2009. Trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 1981. Chiến thuyền địch lọt vào trận địa mai phục, tướng Tống Hầu Nhân Bảo bị giết chết. Quân Tống bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Nhà Tống công nhận Lê Hoàn là vua của nước Đại Cồ Việt. Vua ở ngôi 26 năm (980 - 1005), sau khi mất, mang thụy hiệu Lê Đại Hành.

Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Tư liệu

Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Tư liệu

Đền thờ hoàng đế Lê Đại Hành

Đền thờ hoàng đế Lê Đại Hành

Năm 2011, đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Vương Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô chấm dứt đêm dài Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc Việt.

Cả ba ngôi đền được thiết kế theo dáng cổ, kết hợp gỗ và đá tự nhiên.

Tượng ba anh hùng trên quảng trường nổi

Tượng ba anh hùng trên quảng trường nổi

Quảng trường nổi trên sông xây năm 2017, một con đường lát gạch đỏ rộng thênh thang dẫn tới khuôn viên cuối của khu di tích. Thiết kế rộng thoáng với những cầu đá được chạm khắc tinh xảo.

Tượng 3 vị anh hùng dân tộc uy nghi Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng Đạo Vương sừng sững cao đến 11 mét, hướng ra dòng Bạch Đằng.

Tác giả Nguyễn Chấn Hùng và Trần Kim Liên (từ phải: thứ ba và thứ tư) cùng đoàn bác sĩ bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng trước tượng ba anh hùng trên quảng trường nổi. Ảnh CTV

Tác giả Nguyễn Chấn Hùng và Trần Kim Liên (từ phải: thứ ba và thứ tư) cùng đoàn bác sĩ bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng trước tượng ba anh hùng trên quảng trường nổi. Ảnh CTV

Chính mắt được ngắm dòng sông lịch sử. Được biết Bạch Đằng Giang (sông Rừng), chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Đây là đường thủy tốt nhất đi từ miền nam nước Tàu vào Thăng Long xưa.

Bãi cọc lim xung quanh quảng trường tái hiện huyền thoại bãi cọc lịch sử. Ô kìa các khóm lục bình trôi đầy sông, có giề mắc vào các cọc ngầm trên sông, gợi tôi nhớ sông Sài Gòn. Cũng rộng chừng này, bờ sông Sài Gòn có công viên Bạch Đằng, có tượng Đức Thánh Trần bằng đồng đen, cao chót vót, dáng hào hùng, tay chỉ ra sông. Có dịp qua ngang tôi thường dừng lại ngấm dáng oai võ của ngài.

Đức Thánh Trần, bến Bạch Đằng sông Sài Gòn

Đức Thánh Trần, bến Bạch Đằng sông Sài Gòn

Các khóm lục bình và bãi cọc trên sông Bạch Đằng, Hải Phòng

Các khóm lục bình và bãi cọc trên sông Bạch Đằng, Hải Phòng

Kìa quân Ngô Tiên Chúa chém giết quân Tàu man (Lưu Hữu Phước). Ôi! Chính Ngô Quyền là người đầu tiên sai đóng cọc trên sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán tan tác năm 938.

Rừng lim vườn tượng chế tạo cọc Bạch Đằng

Rừng lim vườn tượng chế tạo cọc Bạch Đằng

Bãi cọc lim trên sông Bạch Đằng tái hiện huyền thoại lịch sử

Bãi cọc lim trên sông Bạch Đằng tái hiện huyền thoại lịch sử

Tại vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền dùng trận địa cọc đánh quân xâm lược. Năm 938, đoàn binh thuyền của Hoằng Tháo, con thứ chín của vua Nam Hán đến cửa biển Bạch Đằng lúc nước triều lên cao. Thuyền nhẹ quân ta nhử địch đuổi theo vượt qua bãi cọc lọt vào trận địa mai phục. Nước triều rút mạnh, quân ta quay lại phản công.

Cọc gỗ đâm thủng thuyền giặc quân Nam Hán bị tiêu diệt. Chủ tướng Hoằng Tháo chết tại trận.

Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Tư liệu

Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Tư liệu

Kìa quân Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Thoát Hoan

Tháng 3.1288, các cánh quân thủy bộ bí mật mai phục sau dãy núi đá Tràng Kênh dọc bờ sông Bạch Đằng. Sáng ngày 9.4.1288, đoàn thuyền Ô Mã Nhi tiến vào lúc nước lớn, thủy quân Trần tràn ra giao chiến rồi giả thua bỏ chạy, dụ thuyền địch tiến vào bãi cọc, đợi lúc thủy triều xuống mới quay thuyền lại đánh. Một con nước sáng lên chiều xuống, hơn 600 thuyền địch và sáu vạn quân Nguyên Mông bị tiêu diệt.

Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Tư liệu

Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Tư liệu

Nghe đâu còn các bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa. Tôi mong có dịp thấy tận mắt di tích của tiền nhân.

Thật linh thiêng. Mừng có nhiều các lễ hội chính tại đây. 18 tháng giêng: giỗ vua Ngô Quyền. 8.3 âm lịch: giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng. Giỗ Đức Thánh Trần (Đại Vương Trần Quốc Tuấn) vào 20-8 âm lịch.

Năm 2008 tập thể cán bộ công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng (nay là Vicem Hải Phòng) cùng với nhân dân xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang để ghi nhớ công đức các bậc anh hùng. Tôi thấy vô cùng cảm kích và biết ơn khi thăm di tích Bạch Đằng Giang.

Phà Rừng sông Rừng

Qua sông Bạch Đằng. Ra khỏi chiến tích Bạch Đằng Giang, xe chạy một quãng là tới phà Rừng.

Thật như trong mơ, tôi được qua dòng sông trong mộng. Phà nhỏ có vẻ cũ kỹ, phần lớn là khách đi xe máy, có được vài chiếc ô tô nhỏ. Phà đi chầm chậm ngang sông, bên này là bến Hải Phòng, qua bên kia là bến Quảng Ninh. Nước chảy khá xiết, các giề lục bình trôi phăng phăng, thuyền bè khá rộn rịp. Tôi ngắm thượng nguồn rồi hạ nguồn. Nghe nói sông Rừng dài 32 cây số. Điểm đầu là phà Rừng. Điểm cuối là cửa Nam Triệu. Thật thú vị được chiêm ngưỡng dòng sông lịch sử. Lòng tôi lâng lâng khôn tả.

Bến phà Rừng, Hải Phòng

Bến phà Rừng, Hải Phòng

Lục bình trổ bông trên sông Bạch Đằng

Lục bình trổ bông trên sông Bạch Đằng

Huyền thoại Bạch Đằng: Miếu Vua Bà. Phà cập bến Quảng Ninh, tôi dợm bước lên bờ, anh bạn hướng dẫn níu lại kể chuyện. Xưa bến đò Rừng cổ có một cây cổ thụ và một quán nước. Bà chủ quán kể rõ cho Trần Hưng Đạo về địa thế lòng sông, lúc nước lên, lúc nước xuống, chỗ có ghềnh đá, đoạn sông nước sâu.

Sau chiến thắng, quay lại bến đò Rừng tìm không thấy bà hàng nước. Hưng Đạo Vương xin vua sắc phong và lập miếu thờ Vua Bà.

Lục Đầu Giang và trận Vạn Kiếp

Nhìn bản đồ, thấy trận Vạn Kiếp, trên sông Lục Đầu, xa quá vậy, ngộ quá vậy! Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Tôi ngẩn ngơ nhìn dòng sông mênh mông. Bao phen quân giặc, tập kết ở Lục Đầu Giang trước khi vào Thăng Long.

Trận Vạn Kiếp năm 1285 là chiến công lừng lẫy thắng Nguyên Mông. Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão dẫn 3 vạn quân, phục sẵn hai bên rừng sậy ở bên sông Vạn Kiếp; Hưng Đạo Vương tự dẫn đại quân lên Bắc Giang đánh giặc. Quân Nguyên thua chạy, Thoát Hoan dẫn đại binh chạy đến bến Vạn Kiếp, Nguyễn Khoái dẫn quân ra đánh, quân Nguyên tan rã, Thoát Hoan phải chui vào cái ống đồng bắt quân kéo chạy. (Theo Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim).

Trận Vạn Kiếp trên Lục Đầu Giang. Ảnh: Tư liệu

Trận Vạn Kiếp trên Lục Đầu Giang. Ảnh: Tư liệu

Lục Đầu Giang và cồn Kiếm

Lục Đầu Giang và cồn Kiếm

Tỏa rạng hào khí Bạch Đằng Giang

Xoài Mút - Rạch Gầm dấu xưa oai hùng

Tuổi học trò của tôi trôi qua bên sông Tiền Mỹ Tho. Vậy mà, vào khoảng tuổi bảy mươi tôi mới được chiêm nghiệm chiến tích Xoài Mút - Rạch Gầm lừng lẫy (1785). Thật cảm khái.

Tôi như thấy chiến thuyền Tây Sơn lui tới trên sông Tiền, bủa lưới giăng quân Xiêm. Ôi hay quá, có thể ém quân trong vô số rạch nhỏ.

Tượng đài Anh hùng Nguyễn Huệ tại Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Kim Sơn, Châu Thành, Tiền Giang (Ảnh tư liệu: năm 2013)

Quân ta bủa lưới. May quá, lên cầu Rạch Miễu tôi mới hiểu thế trận. Ngó trái thấy rõ cồn Rồng, cồn Thới Sơn và cồn Phụng. Xa xa bên phải là Rạch Gầm - Xoài Mút. Nghe kể cồn Thới Sơn có vai trò chiến lược. Chắc là Nguyễn Huệ cũng dùng cồn Rồng và cồn Phụng (lúc đó chưa có tên này) để phục binh. Ôi hay quá, có thể ém quân trong vô số rạch nhỏ. Quân ta ẩn núp dọc theo bờ sông, đặc biệt phục sâu ở hai con rạch Xoài Mút - Rạch Gầm rồi túa ra đánh.

Bái phục nhà cầm quân thiên tài Nguyễn Huệ. Đâu chỉ là trận đánh thật hay thật nhanh diễn ra ở một khúc sông. Thấy được hướng tiến quân của hai phía, suốt cả sông Tiền, mới thấy sự vĩ đại của trận chiến. Quân Tây Sơn theo đường biển từ Bình Định đến Gò Công. Rồi từ cửa Tiểu hạ nguồn đi lên, quân Xiêm từ đầu nguồn sông Tiền đổ xuống. Đụng độ, thoáng chốc 5 vạn quân Xiêm tan tác.

Tự hào người con của vàm Cỏ Đông

Trận đốt tàu Espérance (Hy Vọng, 1861) của quân Pháp xảy ra ngay tại vàm Nhựt Tảo, nơi sông Nhựt Tảo đổ vào sông Cái vàm Cỏ Đông, cảnh êm đềm nay lại là chiến trường xưa oanh liệt của nghĩa quân. Anh hùng Làng chài tuổi còn rất trẻ mà tạo chiến công rạng ngời.

Đền tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Nhựt Tảo, Long An. Ảnh: Tư liệu

Đền tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Nhựt Tảo, Long An. Ảnh: Tư liệu

Thật cảm khái khi tôi biết anh hùng Nguyễn Trung Trực sinh ngay tại Bến Lức, bên dòng vàm Cỏ Đông. Đền tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Nhựt Tảo, Long An thật khang trang, đầy di tích lịch sử hào hùng. Tôi cũng được thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở đảo Phú Quốc và dự ngày giỗ ở Rạch Giá. Nói làm sao hết lòng cảm phục.

Cổng vào đền Kiếp Bạc

Cổng vào đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần

Nhân dân địa phương đã lập đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần. Tôi cung kính lễ Đức Thánh rồi ra ngoài chiêm ngưỡng linh thiêng tú khí. Đền nằm trong một thung lũng xanh tươi, ba phía núi Rồng bao bọc, phía trước là Lục Đầu Giang. Có một bãi đất nhỏ trên sông chắc là cồn Kiếm. Nghe kể sau khi toàn thắng, Hưng Đạo Vương ném thanh kiếm của mình xuống dòng Lục Đầu để rửa sạch máu quân thù. Cồn Kiếm mọc lên.

Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng

Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung.

Bạch Đằng Giang - Lưu Hữu Phước

Bài và ảnh: Nguyễn Chấn Hùng - Trần Kim Liên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/day-bach-dang-giang-22205.html