Dạy chữ, dạy người cần môi trường dân chủ và nhân văn
'Không có học sinh hư, chỉ chưa có thầy giáo giỏi' là phương châm mà nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) áp dụng và đã đạt nhiều thành tựu. Nhiều học sinh cá biệt mà các nơi khác không chấp nhận, khi đến với mái trường này đã nên người.
Ngôi trường của những học sinh đặc biệt
Cách đây 30 năm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng ra đời trong bối cảnh: Tổng kết năm học 1988 - 1989, một vấn đề bức xúc của giáo dục Hà Nội được bà Trần Thị Tâm Đan, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội lúc đó lo ngại, đó là đạo đức của học sinh xuống cấp, còn nhiều học sinh hư.
“Từ kinh nghiệm khi tôi làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), lá cờ đầu của giáo dục cả nước đã áp dụng phương thức không đuổi học sinh, mà tập hợp những học sinh yếu kém, để những thầy cô giỏi nhất trường dạy, kết quả là nhiều năm đỗ tốt nghiệp 100%. Tôi đã mạnh dạn đề xuất thành lập một trường dân lập, nhận những học sinh không được các trường THPT quốc lập chấp nhận. Với niềm tin nếu có đội ngũ nhà giáo giỏi, có thể giúp đỡ những học sinh cá biệt nên người”, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm nhớ lại.
Đó là khởi đầu của Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, một ngôi trường thu nhận những học sinh không được vào quốc lập, hoặc đang học các trường quốc lập, bị xếp loại yếu kém văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật, các nhà trường từ chối không cho học.
Khi thành lập, trường tiếp nhận 20% học sinh yếu kém về rèn luyện đạo đức, 60% học sinh yếu kém khả năng học tập văn hóa, còn lại số đông là học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh gia đình như gia đình ly tán, kinh tế sa sút…
Đầu vào ở những năm đầu thành lập trường là tiếp nhận học sinh “cá biệt” và sau này khi chuyển đổi sang mô hình tiếp nhận học sinh “không chọn lọc đầu vào” từ thời điểm năm 2005 đến nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng luôn duy trì mục tiêu dạy người, mà đầu ra của học sinh với đầy đủ 5 phẩm chất: “Tự học sáng tạo, tự chủ, tự trọng, tự tin và tự chịu trách nhiệm”.
Với niềm tin vào con người, thầy Lâm cho rằng, quá trình giáo dục không phải chỉ biết “đòi hỏi” học sinh phải thế này, phải thế kia, mà cái chính là nhà sư phạm phải chủ động tìm phương pháp tác động để giúp cho học sinh tự phấn đấu đạt được những điều tốt đẹp mà các em mong muốn, nghĩa là phải chuyển hóa được những mong muốn của lực lượng giáo dục thành cái học sinh cũng mong muốn thông qua nhu cầu và hứng thú của cá nhân học sinh.
“Nhà sư phạm không thể ngồi chờ học sinh hứng thú mới dạy. Điều quan trọng, nhà sư phạm phải tìm được cách tạo ra hứng thú cho mỗi học sinh. Cách để tự học sinh hướng chú ý của mình vào học tập, rèn luyện, đó là phải tạo ra cho học sinh có động lực sống, động lực học tập, rèn luyện, phải thức tỉnh được hoài bão, ước mơ của mỗi học sinh”, thầy Lâm nhấn mạnh.
Kiên trì với mô hình “dạy người”
Từ thời điểm thành lập tới nay tròn 30 năm, thầy Nguyễn Tùng Lâm vẫn kiên định duy trì mô hình trường “không chọn lọc đầu vào”, nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, rèn luyện đạo đức đáp ứng những yêu cầu chuẩn mực của xã hội.
Ông cho biết, có nhiều nhà đầu tư đã xin lấy lại thương hiệu của trường, nhưng họ đề nghị phải chuyển đổi mô hình đào tạo. Ông đã không đồng ý vì nếu muốn có lợi nhuận, tích góp của cải cho riêng mình thì ông đã tự chuyển đổi mô hình từ lâu rồi.
Nếu như mục tiêu của các trường ngoài công lập có tiếng ở Hà Nội gắn với việc có bao nhiêu % học sinh vào đại học, bao nhiêu % học sinh đi du học nước ngoài... thì thầy Lâm lại giữ cho mình một triết lý giáo dục nhân văn, giữ môi trường giáo dục dân chủ, học sinh được tôn trọng, được yêu thương, luôn đồng hành với cha mẹ học sinh để “dạy con nên người” làm yếu tố hấp dẫn học sinh và phụ huynh.
Đến nay, hơn 10.000 học sinh Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng đã tốt nghiệp THPT, nhiều người vào đại học, cao đẳng (khoảng 40%), một số học trường nghề, rồi tự ra lập nghiệp. Điều quan trọng, mọi học sinh của trường đều không còn là những kẻ “cá biệt” nữa. Nhiều cựu học sinh của trường đều nhìn nhận khi học tập tại trường, họ đã có môi trường giáo dục thực sự vì học sinh, được nhận sự tin yêu của các thầy cô giáo, của bạn bè. Đó là điều hiếm hoi với những học sinh được xem là “cá biệt” lúc đó.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm luôn trăn trở từng ngày để đưa Đinh Tiên Hoàng thành ngôi trường thực sự hạnh phúc cho mọi học sinh với phương châm giáo dục công dân “đẳng cấp thế giới”.
Ông tâm sự, điều mà ông không đồng tình nhất chính là việc tự chủ bị hiểu là đồng nghĩa với việc cắt nguồn ngân sách nhà nước, để các trường tự lo. Theo ông, ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, tự chủ chính là việc với đồng vốn Nhà nước bỏ ra thì hiệu quả giáo dục được thực hiện đến đâu và các trường giỏi thì tự chủ sẽ được nhân lên hiệu quả tăng gấp 3-5 lần và đây chính là đối tượng Nhà nước cần đầu tư nhiều nếu muốn nền giáo dục có chất lượng.
Theo nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, cách mà chúng ta làm giáo dục dường như đang đi ngược xu thế thời đại, khi chỉ tập trung vào khối trung học phổ thông và đại học, cho rằng đây là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng. Trong khi đó, ở Phần Lan, nền giáo dục đứng đầu thế giới, đầu tư rất kỹ vào cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với giáo viên trình độ đều từ thạc sỹ trở lên. Giáo viên được tự do giải phóng sức sáng tạo trong đào tạo, thay vì chịu sự chỉ huy cứng nhắc từ cấp trên như ở Việt Nam.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/day-chu-day-nguoi-can-moi-truong-dan-chu-va-nhan-van-d111313.html