Dạy con học tiếng Việt, người mẹ trẻ mở công ty sách

Theo đánh giá của đại diện hãng sách Little Ant World, thị trường sách tiếng Việt, song ngữ Anh - Việt tại Mỹ có nhiều tiềm năng phát triển.

 Chị Phạm Hải Thu Hà (đại diện đơn vị sách Little Ant World LLC). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Phạm Hải Thu Hà (đại diện đơn vị sách Little Ant World LLC). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong 14 năm sinh sống và học tập tại Mỹ, chị Phạm Hải Thu Hà (đại diện đơn vị sách Little Ant World LLC) cho biết sách Việt có tiềm năng lớn để phát triển tại Mỹ. Nguyên nhân trực tiếp là cộng đồng người Việt ở Mỹ nhiều nhưng sách dành cho người dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn khan hiếm.

Khởi nghiệp làm sách từ nhu cầu dạy tiếng Việt cho con

Xuất phát từ nhu cầu dạy con gái học tiếng mẹ đẻ, chị Phạm Hải Thu Hà (Windy Phạm) đã bắt đầu tìm kiếm các cuốn sách song ngữ Anh -Việt. Dù đã dành nhiều thời gian và công sức nhưng chị Hà vẫn chưa hài lòng với những ấn phẩm được bán trên thị trường hiện nay.

Chị Hà nhận thấy nhiều cuốn sách được viết bởi tác giả người Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ còn nhiều lỗi dịch thuật. Hơn nữa, các cuốn sách này không cho thấy những đặc trưng vùng miền của tiếng Việt. Có cuốn chỉ dạy tiếng miền Nam, có cuốn lại dạy theo tiếng Bắc. Chính vì nhu cầu đó, chị bắt đầu viết sách cho con.

Sau khi khảo sát, chị Phạm Hải Thu Hà nhận thấy thị trường sách song ngữ Anh-Việt tại Mỹ hoàn toàn có thể phát triển. Công ty Little Ant World của chị Hà bắt đầu khảo sát và nhận thấy số liệu năm 2023 từ Viện Chính sách di cư của Mỹ cho thấy số lượng người Việt Nam tại Mỹ ngày càng tăng và xếp thứ 3 trên tổng số người dân các nước đã nhập cư ở đây. Trong khi đó, số lượng sách dành cho người châu Á nói chung và người Việt nói riêng lại không nhiều.

Phân tích và thống kê từ Trung tâm Sách thiếu nhi tại Mỹ (CCBC) chỉ ra rằng sách lấy chủ đề về người châu Á chỉ chiếm 12%. Ngoài ra, những năm gần đây, dòng sách hướng đến vấn đề đa sắc tộc, đa dạng giới tính ngày càng tăng.

 Một tác phẩm của chị Phạm Hải Thu Hà đang được bán trên Amazon. Ảnh: Amazon.

Một tác phẩm của chị Phạm Hải Thu Hà đang được bán trên Amazon. Ảnh: Amazon.

Sau khi nắm được số liệu trên, chị Hà quyết định kinh doanh. Với số vốn ít ỏi chị chỉ có thể in khoảng 500-600 bản, tuy nhiên, các cuốn sách chị xuất bản đều đã bán hết. Việc kinh doanh từ tháng 2/2024 cho đến nay đầu ra vẫn ổn định. Chị dự định in nối bản và cho ra mắt thêm các ấn phẩm mới phù hợp với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Các cuốn sách song ngữ này sẽ ưu tiên thể hiện văn hóa, con người Việt Nam.

“Để nhận định về tiềm năng sách song ngữ Anh - Việt tại Mỹ, mình tin nó rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi cộng đồng người Việt tại Mỹ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản sắc dân tộc và đa dạng sắc tộc, những cuốn sách song ngữ sẽ được chú trọng hơn bởi người gốc Việt hay thế hệ tương lai”, chị Hà cho biết.

Giống một số tác giả độc lập khác, chị Hà lựa chọn cách tự xuất bản. Hình thức này giúp chị chủ động hơn về nguồn hàng, vận chuyển cũng như quản lý các quy trình. Tuy nhiên, Amazon có thể tính phí khá cao bởi đơn vị này đã bao hết các quy trình.

Từ trường hợp của chị Hà, các nhà xuất bản và công ty sách tại Việt Nam có thể cân nhắc việc chủ động đưa sách lên sàn thương mại điện tử thay vì thông qua các bên trung gian như hiệu sách truyền thống. Từ đó, đơn vị mới có thể kiểm duyệt và đáp ứng điều kiện do sàn đặt ra.

Sự cần thiết đưa sách Việt Nam ra thế giới từ góc độ văn hóa

Nếu khảo sát trên Amazon có thể thấy đa phần các tác phẩm nhắc đến Việt Nam đều là những tác phẩm chiến tranh, một số ít khác nói về điểm đến Việt Nam của nhà xuất bản du lịch nổi tiếng Lonely Planet (hiện là một phần của Đài truyền hình BBC tại Anh). Rất ít những cuốn sách phản ánh đời sống, vẻ đẹp của con người Việt Nam. Số lượng các tác phẩm văn học cũng còn hạn chế.

Trong khi đó, sách là một trong những kênh thông tin sâu có giá trị quan trọng đối với công chúng. Đặc biệt ở những nước như Mỹ hay châu Âu, nơi người dân có văn hóa đọc và nhu cầu tiêu thụ sách cao, sách Việt Nam vẫn có chỗ đứng nếu có chiến lược quảng bá và phân phối phù hợp.

Những ấn phẩm có thể cùng các chương trình kích cầu du lịch xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt nhiều người. Nếu xem văn hóa là một nền công nghiệp, sách là một trong những mặt hàng chủ đạo của lĩnh vực kinh tế này.

Việc xuất khẩu sách còn mở ra cơ hội lớn cho ngành xuất bản Việt Nam. Thị trường sách quốc tế, với quy mô và tiềm năng lớn, là mảnh đất màu mỡ cho các nhà xuất bản và tác giả Việt Nam. Qua đó, xuất khẩu sách không chỉ thúc đẩy ngành xuất bản phát triển mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Hơn nữa, sự hiện diện của sách Việt Nam trên thị trường quốc tế còn giúp nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục toàn cầu.

 Vietnamese with Ease 1 (Học Tiếng Việt dễ dàng) do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành là tác phẩm đã được ra mắt độc giả châu Âu.

Vietnamese with Ease 1 (Học Tiếng Việt dễ dàng) do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành là tác phẩm đã được ra mắt độc giả châu Âu.

Thị trường sách quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, đang có nhu cầu ngày càng cao đối với các ấn phẩm đa dạng về văn hóa. Cộng đồng người Việt tại Mỹ và các nước khác đang ngày càng phát triển, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại đây, rất cần các tài liệu giáo dục và giải trí bằng tiếng Việt để duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ và kết nối với nguồn gốc văn hóa của mình.

Việc cung cấp sách Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục mà còn góp phần củng cố bản sắc dân tộc, giúp các thế hệ sau duy trì và tự hào về nguồn gốc của mình.

Đưa sách Việt Nam ra thế giới là một hình thức chia sẻ những giá trị tốt đẹp với cộng đồng quốc tế. Nó không chỉ là sự phát triển về mặt thương mại mà còn là hành động thể hiện tinh thần hòa nhập và cống hiến của Việt Nam cho sự đa dạng và phong phú của tri thức nhân loại.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/du-dia-tai-thi-truong-my-cho-xuat-ban-viet-nam-post1485031.html