Dạy con ứng xử nơi công cộng: Nhận thức cần có của cha mẹ
Nhiều bậc cha mẹ, vì quan niệm sai lầm, thiếu uốn nắn, dạy dỗ, nhất là giáo dục con những nguyên tắc hành xử cần thiết nơi công cộng, dẫn đến trẻ nhỏ gây nên những phiền hà, bất tiện cho người khác, thậm chí gây nên những hệ quả không hay.
Tranh cãi chuyện trẻ con hành xử nơi công cộng
Mới đây, một quán cà phê ở Đà Nẵng đã làm nổ ra cuộc tranh luận trên mạng khi đưa ra quy định hạn chế trẻ em dưới 12 tuổi đến quán. Lý do mà phía quán cà phê này đưa ra là bởi trẻ con đến quán thường ồn ào, phá phách, gây nên sự khó chịu, mất đi thư giãn đối với các vị khách khác của quán, nên quán nước đành phải lựa chọn như trên.
Thông báo này đã gây ra một cuộc tranh luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, quán cà phê nói trên không nên hoặc không được đưa ra thông báo như trên, bởi điều này là thái độ phân biệt đối xử với khách hàng, thái độ mà đơn vị làm dịch vụ không nên có.
Tuy nhiên, cũng có không ít người đưa ra ý kiến đồng tình. Nhiều người bày tỏ những trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đến nơi công cộng mà chứng kiến cảnh trẻ con ồn ào, quậy phá, gây phiền phức ảnh hưởng đến những người chung quanh. Việc một quán cà phê đưa ra quy định như trên là hợp lý nhằm “lọc” khách và giữ chân các khách hàng yêu thích sự dễ chịu, yên tĩnh khi đến thưởng thức không gian và nước uống tại quán.
Cùng thời điểm, một sự việc ồn ào đã diễn ra xoay quanh chuyện trẻ con gây rối nơi công cộng. Một cô gái trẻ đã lên mạng kể lại câu chuyện mình cùng bạn bè đang làm việc tại quán cà phê thì bị một đứa trẻ 1 tuổi đến hất đổ cốc nước vào máy tính. Việc làm này đã khiến máy của cô gái bị hỏng, phải đi sửa mất hàng chục triệu đồng nhưng gia đình đứa trẻ không đồng ý bồi thường vì cho rằng “trẻ con không có lỗi”. Mặc dù sau bài đăng, gia đình đứa trẻ và cô gái đã có thỏa thuận hòa giải, nhưng sự việc vẫn khiến nhiều người bức xúc trước tình trạng trẻ em thoải mái quậy phá nơi công cộng thường gặp.
Việc trẻ làm, lỗi của cha mẹ
Chị Lê Kim Hoa, nhân viên quán cà phê A. T. ở TP Thủ Đức, TP HCM chia sẻ: “Thực sự nghề phục vụ “khổ” nhất là khi gặp những trường hợp cha mẹ đưa con vào quán rồi “thả rông”. Khi ấy, nhiều đứa trẻ thoải mái phá phách, lôi bàn ghế, các vật dụng trong quán ra chơi, la hét, làm đổ đồ đạc, vỡ ly chén, làm phiền khiến các vị khách khác phàn nàn, mất khách, còn phục vụ mệt đuối hơi. Tôi nghĩ, việc đưa con ra bên ngoài mà không dạy con cách ứng xử là lỗi của các bậc cha mẹ”.
Thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, có thể dễ dàng chứng kiến những cảnh tượng nơi công cộng như trẻ con la hét, chạy nhảy, phá phách đồ đạc, chen lấn khi xếp hàng, thậm chí ném đồ vật vào người khác... Tuy hành xử không đúng mực là của trẻ con, nhưng xuất phát của những hành xử ấy chính là sự buông lơi trong giáo dục của cha mẹ. Dễ dàng nhận thấy, nhiều trường hợp trẻ con gây mất trật tự, phá phách chốn công cộng, nhưng các bậc cha mẹ cứ thản nhiên chứng kiến và... “làm chuyện của mình”. Một số cha mẹ cho rằng, chuyện trẻ con quậy phá nơi đông người là chuyện hết sức bình thường, vì đứa trẻ nào cũng thế và “trẻ con thì biết gì đâu”.
Cạnh đó, trong giáo dục hàng ngày, nhiều bậc cha mẹ nước ta có thể dạy con nhiều thứ, nhưng dường như “quên” giáo dục những nguyên tắc hành xử nơi công cộng, điều mà trẻ con các nước phương Tây được giáo dục từ rất sớm: Giữ gìn trật tự nơi công cộng, xếp hàng đúng cách, chào - cảm ơn - xin lỗi, tôn trọng sự riêng tư của người khác...
Theo các chuyên gia, giáo dục con cách ứng xử nơi công cộng “không bao giờ là quá sớm”. Ngay cả trẻ từ khi biết nhận thức, cha mẹ đã có thể đặt ra cho con những nguyên tắc nho nhỏ, cương quyết và nghiêm túc yêu cầu con áp dụng để con quen dần, không thả nổi, nuông chiều theo con vô điều kiện. Hành vi của con trẻ phản ánh phương pháp giáo dục và cả hành xử của cha mẹ. Trẻ hành xử vô tổ chức, thiếu chuẩn mực, cha mẹ tất yếu cũng sẽ bị xem là những bậc phụ huynh thiếu văn minh. Không chỉ thế, lối hành xử này còn có thể hình thành nên tính cách, dẫn đến những lệch lạc trong hành xử khi trưởng thành.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đã đưa ra nguyên tắc hành xử của cha mẹ với con cái, trong đó, việc giáo dục con cần áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực thay vì đánh đập, đòn roi. Cha mẹ cũng cần là gương cho con về ý chí rèn luyện, tu dưỡng để mình là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con. Cha mẹ không chiều chuộng quá mức, làm ngơ cho lỗi lầm của con.
Đồng thời, Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh rằng gương mẫu, yêu thương là tố chất cần thiết, quan trọng chi phối mọi hành vi của ông bà, cha mẹ, con cháu trong nhà. Ông bà, cha mẹ là người từng trải, có kinh nghiệm vốn sống, kỹ năng sống rất phong phú, đa dạng. Vốn quý này có thể truyền nối truyền dạy cho lớp trẻ trong gia đình nhất là tuổi nhỏ và lứa tuổi mới lớn. Để truyền dạy được tới lớp trẻ vấn đề đặt ra là sự nêu gương cùng với lòng yêu thương con cháu của ông bà, cha mẹ trong gia đình. Trong gia đình ông bà, cha mẹ trước hết phải là người mẫu mực nói như trong xã hội truyền thống là “khuôn vàng, thước ngọc” để con cháu học tập tin cậy và noi theo. Tấm gương sáng ông bà, cha mẹ có tác động sâu sắc tới nhận thức, hành vi, suy nghĩ và tình cảm của con cháu.