Dạy con về lòng hiếu thảo
Trong ánh sáng từ bi của đạo Phật, lòng hiếu thảo không chỉ là một đức tính đáng quý, mà còn là sự thực hành về đạo lý của Tứ trọng ân – bốn ân nghĩa thiêng liêng mà mỗi con người đều phải ghi nhớ trong tim...
Tác giả: Phạm Tuân - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ không chỉ là một phẩm chất đạo đức mà còn là nền tảng nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người.
Trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống trở nên vội vàng, không ít gia đình đối mặt với những khoảng cách thế hệ, dẫn đến tình trạng một số người con thờ ơ, lạnh nhạt với đấng sinh thành.
Phật giáo luôn nhắc nhở: "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật", lòng hiếu thảo chính là thước đo phẩm hạnh của một con người tử tế và cũng là nền tảng xây dựng một gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh.
Môi trường giáo dục trong gia đình đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách mỗi người. Nếu cha mẹ không gieo trồng hạt giống hiếu hạnh, không làm gương cho con cái, thì khó mong con cái có thể lớn lên với tâm hiếu thuận, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người.
Trường hợp của anh Hùng là một ví dụ. Anh lớn lên trong gia đình có người cha nghiện rượu, thờ ơ với trách nhiệm làm cha, thậm chí còn bạo hành vợ con. Tuổi thơ thiếu tình yêu thương đã in hằn trong tâm trí Hùng sự phẫn uất. Đến khi lập gia đình, anh vô thức tái diễn chính những hành vi mà anh từng chịu đựng: say xỉn, chửi mắng người thân, kể cả cha mình. Đây chính là hệ quả của "nghiệp" mà Phật giáo thường nhắc đến, một vòng lặp nhân quả mà nếu không có sự tỉnh thức, gia đình anh sẽ tiếp tục lặp lại sai lầm từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tương tự, chị Nga đã từ chối sự hiện diện của cha ruột trong ngày cưới, bởi trong ký ức của chị, ông không phải là một người cha đúng nghĩa. Sự phản kháng của chị có thể hiểu được, nhưng chính điều đó cũng đồng nghĩa với việc chị tiếp tục nuôi dưỡng trong mình hạt giống của oán hận.
Đạo Phật dạy rằng, nếu chỉ giữ mãi sự hận thù, ta chỉ làm khổ chính mình: "Hận thù diệt hận thù không bao giờ có được, Từ bi diệt hận thù, đó là định luật ngàn thu." (Kinh Pháp Cú, Phẩm Song Yếu).
Người thực sự mạnh mẽ không phải là người trả đũa, mà là người có thể buông bỏ quá khứ để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ảnh AI.
Lòng hiếu thảo không tự nhiên mà có, nó cần được vun bồi từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao, việc cha mẹ giáo dục con cái về hiếu hạnh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Gia đình bà Lê Thị Hải là minh chứng cho điều đó. Dù trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, bà vẫn kiên trì dạy con cái cách sống nghĩa tình, tôn trọng và yêu thương ông bà, cha mẹ. Kết quả là các con của bà không chỉ thành đạt mà còn luôn quan tâm, chăm sóc mẹ già một cách chu đáo. Đây chính là sự ứng nghiệm của lời dạy trong kinh Thiện Sinh: "Phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo khi cha mẹ già yếu, đó là cách báo hiếu tốt nhất của người con".
Một trường hợp khác là gia đình chú Lê Khương. Suốt hơn hai mươi năm, chú và vợ luôn dành trọn tình yêu thương để chăm sóc mẹ già, không chỉ bằng vật chất mà còn bằng sự quan tâm chân thành. Điều đáng quý là con cái của họ cũng tiếp nối truyền thống ấy, luôn xem việc chăm sóc cha mẹ là niềm vui và trách nhiệm thiêng liêng. Câu chuyện này một lần nữa khẳng định rằng, khi cha mẹ trở thành tấm gương sáng, con cái tự khắc sẽ noi theo.

Ảnh AI.
Trong xã hội hiện đại, khi các giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một, lòng hiếu thảo chính là sợi dây gắn kết các thế hệ trong gia đình. Một người biết hiếu kính với cha mẹ, ắt sẽ biết cách ứng xử có đạo đức trong xã hội. Muốn biết phúc đức một người ra sao, hãy nhìn vào cách người đó đối xử với cha mẹ. Người có hiếu thường là người biết ơn, biết trân trọng những điều tốt đẹp và sống có trách nhiệm.
Ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc già đi, cũng sẽ có một ngày ngồi nơi mái hiên trông ngóng con cháu trở về. Khi ấy, điều chúng ta mong mỏi không phải là những món quà xa xỉ, mà là tiếng cười con cháu quây quần, là ánh mắt dịu dàng và vòng tay ấm áp. Đời người vốn vô thường, cha mẹ không thể ở bên ta mãi mãi. Có những người khi mất đi cha mẹ rồi mới nhận ra rằng họ chưa từng một lần cầm lấy đôi bàn tay chai sạn ấy và nói lời cảm ơn, cũng chưa từng phụ giúp cha mẹ mỗi khi cha mẹ ốm đau, mệt mỏi. Đừng để đến khi chỉ còn lại di ảnh trên bàn thờ, ta mới day dứt vì những điều chưa kịp báo hiếu. Hãy yêu thương cha mẹ ngay từ bây giờ, khi họ vẫn còn có thể mỉm cười và khỏe mạnh mỗi ngày, khi ta vẫn còn cơ hội để nói lời yêu thương, để được chăm sóc cha mẹ.
*Mở rộng
Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam vẫn luôn xem đạo hiếu là gốc rễ của đạo làm người, là nền móng xây dựng gia phong và xã hội. Trong từng câu ca dao, từng nếp nhà cổ kính, lòng hiếu thảo hiện diện như một ngọn lửa âm ỉ sưởi ấm dòng chảy truyền thống:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Không chỉ là lời ru êm đềm đầu đời, đó còn là kim chỉ nam đạo đức, được khắc ghi vào tâm hồn mỗi người Việt từ tấm bé. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù cuộc sống hiện đại có cuốn con người vào vòng quay tất bật, nhưng sâu thẳm trong trái tim mỗi người, tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, vẫn là nét đẹp không thể phai mờ.
Điều ấy cũng tương hợp sâu sắc với giáo lý Phật giáo, nơi chữ hiếu được tôn làm nền tảng đạo hạnh. Khi người Việt thực hành chữ hiếu từ việc bưng chén cơm, bát cháo nóng chăm sóc cha mẹ khi đau ốm, từ lời nói nhẹ nhàng đến ánh mắt trân trọng, cũng chính là lúc họ đang nuôi lớn hạt giống từ bi trong mình, đang sống theo hạnh Bồ tát trong đời sống thường nhật.
Bởi vậy, mỗi hành động hiếu thuận, dù nhỏ bé, cũng chính là cách ta giữ gìn một truyền thống lớn lao. Là con dân đất Việt, sống trong hơi thở của đạo hiếu, là ta đang tiếp nối một dòng chảy yêu thương, thiêng liêng và bất tận, nơi tình người và đạo lý cùng soi sáng, nâng đỡ nhau đi qua bao mùa cuộc sống.
Trong ánh sáng từ bi của đạo Phật, lòng hiếu thảo không chỉ là một đức tính đáng quý, mà còn là sự thực hành về đạo lý của Tứ trọng ân – bốn ân nghĩa thiêng liêng mà mỗi con người đều phải ghi nhớ trong tim: ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân quốc gia, và ân chúng sinh muôn loài. Trong bốn ân ấy, ân cha mẹ được ví như trời cao biển rộng bao la, thẳm sâu và không thể nào đông đếm. Cha mẹ là người cho ta hình hài, nuôi ta bằng những đêm trắng chập chờn giấc ngủ, dìu dắt ta qua những vấp ngã đầu đời bằng trái tim không bao giờ tính toán thiệt hơn.
Trong đạo Phật có câu: “Dù có vai mang cha, tay bồng mẹ, đi trọn cả nghìn năm qua núi băng rừng, cũng chưa thể báo đáp được ân sâu ấy.” Lòng hiếu thảo không chỉ nằm ở hành động chăm sóc, mà còn là tâm niệm biết ơn, là ánh nhìn trìu mến, là từng phút giây tỉnh thức để sống trọn vẹn bên cha mẹ.
Khi một người con biết sống tròn đầy với chữ hiếu, cũng là lúc mỗi người đang mở ra cánh cửa đi vào con đường giác ngộ, con đường của tình thương và sự giải thoát khỏi vô minh.
Tác giả: Phạm Tuân - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/day-con-ve-long-hieu-thao.html