Dạy đạo đức cho học sinh phải được ưu tiên hàng đầu

Trong năm học mới này, ngành giáo dục và đào tạo TP Hải Dương xác định việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu...

“Tiên học lễ, hậu học văn” là một trong những khẩu hiệu phổ biến trong các trường học với ý nghĩa đến trường trước tiên phải học lễ nghĩa, đạo đức, cách ứng xử làm người, sau đó mới đến học chữ, học kiến thức.

Tôn chỉ giáo dục đề ra là như vậy nhưng trên thực tế, dạy trẻ làm người có thực sự là ưu tiên của các trường và các bậc cha mẹ như khẩu hiệu đã nêu hay chưa?

Có mặt tại lớp học ở một trường tiểu học của TP Hải Dương, chúng tôi thấy tấm bảng ghi 5 điều Bác Hồ dạy được treo khá cao, sát với trần nhà. Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhanh đối với 5 em học sinh lớp 2, lớp 3 và chỉ có 1 em thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, 4 em còn lại không nhớ và không hiểu những điều Bác Hồ dạy học sinh.

Cuộc khảo sát này cho thấy nếu không được các thầy, cô giáo giải thích một cách cặn kẽ và phù hợp với lứa tuổi thì những khái niệm như Tổ quốc, đồng bào, khiêm tốn, dũng cảm sẽ rất khó hiểu và khó nhớ đối với các em. Đây chỉ là một trong các ví dụ cho thấy việc dạy đạo đức ở nhiều trường hiện nay vẫn còn hình thức.

Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức lối sống vào các môn học khác. Nhưng chính các thầy, cô giáo cũng cho biết hiện nay việc này chưa được chú trọng đúng mức và chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản ở các nhà trường.

Bên cạnh đó, một trong những nhân tố quyết định hình thành và phát triển nhân cách của trẻ đó chính là người thầy. Trong năm học vừa qua, liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước đã gây bức xúc trong xã hội như một giáo viên ở Quảng Bình bắt học sinh tát bạn 231 cái, một cô giáo trẻ ở Hải Phòng đánh nhiều học sinh lớp 2 trong giờ kiểm tra, hay mới đây nhất một cô giáo trường mầm non ở Hà Nội nhốt trẻ vào tủ để cho con phải nghe lời...

Những vụ việc đau lòng và đáng suy ngẫm về đạo đức người thầy trong xã hội hiện đại như việc chạy trường, chạy lớp, xin nâng điểm vẫn còn tồn tại đâu đó, làm cho nhiều học sinh thiếu lòng tin vào tính công bằng trong giáo dục.

Bệnh thành tích, tâm lý đối phó với thi cử vẫn còn tồn tại. Đối với học sinh, mỗi giáo viên đều là tấm gương để các em soi vào. Nhưng chừng nào đạo đức của người thầy chưa được rèn giũa thì chừng đó vẫn còn những giáo viên hiểu chưa thấu đáo về sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, sẽ không công bằng và toàn diện nếu đổ tất cả lỗi về phía nhà trường, bởi vì không chỉ thầy cô, mà chính ông bà, cha mẹ, các thành viên trong gia đình cũng phải nêu gương cho trẻ.

Ở góc độ gia đình, phẩm chất, lối sống của phụ huynh tác động rất lớn đến con cái. Mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ.

Được biết, trong năm học mới này, ngành giáo dục và đào tạo TP Hải Dương xác định việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả.

Đây là hướng đi đúng đắn không chỉ ngành giáo dục TP Hải Dương mà tất cả các huyện, thành phố cũng cần quyết tâm thực hiện. Hơn thế nữa, rất cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để công tác này được thực hiện có hiệu quả.

NGUYÊN THƯƠNG (TP Hải Dương)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/day-dao-duc-cho-hoc-sinh-phai-duoc-uu-tien-hang-dau-116966