Dạy Giáo dục địa phương từ nguồn 'tài nguyên sống'

Học tập, tham quan tại bảo tàng, các di tích văn hóa, lịch sử hay trực tiếp từ các nghệ nhân dân gian, chuyên gia, già làng… đã mang lại những tiết học Giáo dục địa phương sống động cho học sinh ở Nghệ An. Những tiết học thực tế giúp học sinh tiếp thu kiến thức tự nhiên, hiệu quả, góp phần bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, ứng dụng những điều đã học vào thực tiễn.

Giờ học của học sinh trường THCS Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: TTXVN

Giờ học của học sinh trường THCS Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: TTXVN

Những tiết học tích hợp

Những tiết Giáo dục địa phương của cô Nguyễn Thị Thanh Hương (giáo viên Lịch sử Trường Trung học phổ thông Anh Sơn, huyện Anh Sơn) luôn tạo được sự hứng thú cho học trò. Theo đó, thay vì tổ chức một tiết học như thông thường, cô sẽ cho học sinh trải nghiệm nhiều hình thức khác nhau như: làm bài tập nhóm, sưu tầm, thiết kế slide và tổ chức các trò chơi. Ngoài ra, giáo viên còn ứng dụng công nghệ thông tin để trình chiếu, sử dụng hình ảnh minh họa để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, thích thú với môn học và được tìm hiểu về lịch sử văn hóa địa phương ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Thanh Hương cho biết, hiện nay, môn Giáo dục địa phương gần như đang phải học chay vì chưa có tài liệu giảng dạy. Tuy nhiên, trên khung chương trình, giáo viên sẽ thiết kế các bài giảng một cách linh hoạt và sử dụng nhiều tư liệu sẵn có để giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử địa phương - nơi các em đang sinh sống. Học sinh cũng rất thích những tiết học này bởi đó là những bài học sinh động, thiết thực, giáo dục cho các em về lý tưởng, đạo đức cách mạng, văn hóa.

Do đặc thù riêng, hoạt động trải nghiệm thực tế của học sinh ở bậc Trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí, điều kiện đi lại. Thay vào đó, giáo viên phải thiết kế bài giảng một cách sinh động để học sinh dù không đi thực tế nhưng vẫn có thể cảm nhận và hiểu đầy đủ về những nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Nhiều giáo viên cho rằng, địa phương có nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống. Do đó, giáo viên có thể lồng ghép nhiều nội dung của các môn học khác nhau từ phong tục tập quán, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, lịch sử đấu tranh của dân tộc... Việc lồng ghép tích hợp sẽ giáo dục cho học sinh nhiều kỹ năng cũng như tình yêu, trách nhiệm với quê hương đất nước.

Thực hiện Chương trình Giáo dục địa phương theo hướng đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực người học, mới đây, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ) phối hợp với Bảo tàng Nghệ An tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu lịch sử với chủ đề “Tiến về Sài Gòn”.

Tại chương trình, học sinh được tìm hiểu về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những trận đánh hào hùng và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta trong ngày 30/4/1975. Đặc biệt, các em thêm tự hào về quê hương Tân Kỳ - nơi có Di tích quốc gia đặc biệt Km số 0 trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây chính là điểm khởi đầu của con đường tiếp viện chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. “Hoạt động không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc mà còn bồi đắp tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng” - chị Lê Lan Hương, cán bộ Bảo tàng Nghệ An cho biết.

Những tiết học Giáo dục địa phương được mở rộng ngoài không gian lớp học đang được nhiều nhà trường tổ chức với nội dung, phương pháp mới nhằm giúp học sinh được khám phá và phát triển năng lực. Nhiều trường học ở Nghệ An đã cho học sinh đến các bảo tàng trên địa bàn tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Tại đây, các em được tiếp cận với kho tư liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú kết nối nhiều nhân chứng sống, nghệ nhân dân gian. Để các tiết học được triển khai phong phú, sinh động, các bảo tàng đã phối hợp với nhà trường để tổ chức thêm nhiều nội dung mới như: trò chơi "Ô chữ bí mật" và "Theo dấu chân Đảng”, mời các nghệ nhân cùng tham gia, trải nghiệm.

Học cùng nghệ nhân

Học sinh khối 12 Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh vừa có buổi học ý nghĩa với chủ đề “Mạch nguồn Ví, Giặm” trong chương trình Giáo dục địa phương. Trong buổi học này, học sinh và giáo viên cùng đến Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An để trải nghiệm thực tế âm nhạc truyền thống; đặc biệt là Di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Tại đây, các em được xem nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục, làn điệu dân ca; trong đó có những hoạt cảnh tái hiện lại không khí lao động, tâm hồn, tình cảm con người xứ Nghệ, màn hát đối đáp “Cá gỗ trẩy kinh”, “Thương lắm mô tê” và diễn xướng “Gửi tình ta vào đất”. Những tiết mục này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về dân ca Ví, Giặm mà còn khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa quê hương. Sau khi xem trình diễn của các nghệ sĩ, học sinh được lên sân khấu hát, đối đáp, sử dụng nhạc cụ và hòa mình vào các làn điệu dân ca.

Đặc biệt, học sinh còn được giao lưu với Nghệ sĩ Ưu tú Đức Lam, Trưởng đoàn Dân ca Ví, Giặm Nghệ An. Nghệ sĩ Đức Lam đã giúp các em hiểu được giá trị độc đáo của làn điệu Ví, Giặm; những thành tựu nổi bật của âm nhạc Nghệ An không chỉ trong dòng nhạc dân gian mà cả dòng nhạc đương đại. Trải nghiệm thực tế, kết nối với các nghệ sĩ cùng cơ hội thể hiện bản thân đã để lại dấu ấn khó quên, giúp học sinh thêm yêu và có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương.

Nhiều năm nay, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) đã trở thành “người bạn” quen thuộc của học sinh Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn. Ông được ví như “truyền nhân”, “người giữ lửa” văn hóa Mông nổi tiếng khắp huyện rẻo cao miền Tây xứ Nghệ. Được ông nội truyền dạy nghệ thuật múa khèn lúc 12 tuổi, cùng nhiều làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống người Mông, đến nay, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng không chỉ trao truyền cho con trai, con gái mà còn dạy cho nhiều người trẻ trong bản làng, học sinh ở các trường học.

Ngoài nghệ nhân Vừ Lầu Phổng, trên địa bàn còn có hơn 20 nghệ nhân khác am hiểu, thông thạo văn hóa Mông ở nhiều lĩnh vực. Các già làng kể cho cháu, con về nguồn gốc dân tộc, chỉ ra những nét đẹp văn hóa cần gìn giữ; đồng thời trao truyền lại những lễ tục, cách chơi nhạc cụ, làn điệu dân ca, múa hát… Đây chính là “kho tàng sống” quý báu trong cộng đồng, bản làng để hỗ trợ nhà trường trong thực hiện chương trình Giáo dục địa phương cũng như giáo dục truyền thống cho học sinh.

Trước đó, từ năm 2020 - 2021, Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Theo cô Võ Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều già làng tại Tây Sơn có ý thức giữ gìn, truyền dạy các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau. Điều này góp phần ổn định sĩ số cho ngôi trường hầu hết học sinh là con em đồng bào Mông.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình Giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 theo cấp độ nâng dần với trình độ và thẩm thấu văn hóa của học sinh. Nội dung chương trình tập trung giáo dục tiềm lực, kinh tế, lịch sử, địa lý; đặc biệt là giá trị truyền thống cách mạng, văn hóa tốt đẹp của con người, văn hóa xứ Nghệ thông qua phối hợp với Bảo tàng Nghệ An, các di tích lịch sử - văn hóa để giúp học sinh trải nghiệm, thẩm thấu các giá trị văn hóa. Hoạt động truyền đạt của giáo viên trên bục giảng và trong các chương trình, hoạt động trải nghiệm đã giúp học sinh thẩm thấu, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước; đồng thời biết “đề kháng” trước những thông tin, nội dung xấu độc cũng như giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/day-giao-duc-dia-phuong-tu-nguon-tai-nguyen-song-20250405084350253.htm