Dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018 - những kết quả bước đầu
Trải qua hơn một học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 1, những lo lắng, áp lực của cả giáo viên, học sinh khi lần đầu làm quen với chương trình mới đã dần qua. Sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên cùng những điểm mới, ưu việt của chương trình đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học.
Cô trò Trường Tiểu học Quảng Đức (Quảng Xương) trong giờ học theo chương trình GDPT 2018. Ảnh: Lê Phong
Nếu như chương trình GDPT hiện hành, mục tiêu của giáo dục tiểu học là giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để tiếp tục học THCS; thì ở chương trình GDPT 2018, mục tiêu giáo dục tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Đặc biệt, chương trình GDPT 2018 áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”, gồm: giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục...
Với ý nghĩa đó, ngay sau khi được triển khai thực hiện ở lớp 1 trong năm học 2020-2021, chương trình GDPT 2018 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng, cộng đồng xã hội và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Cô Lương Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Quảng Đức (Quảng Xương), cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình GDPT 2018 chúng tôi có phần bỡ ngỡ, cha mẹ học sinh cũng có những phản ánh nhiều chiều, song sau đó giáo viên và học sinh đã nhanh chóng bắt nhịp. Sau kiểm tra, đánh giá học sinh trong học kỳ I, mặt bằng chất lượng học sinh có nhiều chuyển biến, nhiều em tiến bộ nhanh, nhất là những em có nền tảng tốt từ bậc mẫu giáo. Đặc biệt, nội dung một số bài học có ngữ liệu phong phú, hình ảnh minh họa sinh động giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập...
Trao đổi về kết quả kiểm tra định kỳ học kỳ I năm học 2020-2021 của học sinh lớp 1, cô giáo Đỗ Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Đức, chia sẻ: Nhà trường có trên 97% học sinh hoàn thành chương trình môn học, 99,2% học sinh xếp loại đạt yêu cầu về phẩm chất và năng lực. Cơ bản học sinh đã đọc thông, viết thạo; các môn học khác cũng đạt được mục tiêu theo kế hoạch nhà trường đề ra. So với các năm trước, chất lượng giáo dục ở một số môn của học sinh lớp 1 năm nay tốt hơn, nhất là ở môn Tiếng Việt. Nếu chương trình cũ phải hết tuần 22 học sinh mới học xong vần, thì với chương trình GDPT 2018, kết thúc tuần 18 nhiều em đã đọc thông, viết thạo. Điều khiến giáo viên, phụ huynh phấn khởi nhất sau một học kỳ thực hiện chương trình mới là học sinh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập. Các em cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, biết tự học, tự chủ, tự giác làm một số việc nhỏ... Kết quả này khiến giáo viên từ tâm trạng lo lắng ban đầu nay yên tâm, phấn khởi và có động lực tốt hơn để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình.
Không chỉ với học sinh, sau một thời gian, giáo viên cũng đã chủ động hơn với phương thức dạy học mới, kết hợp với sách giáo khoa và hệ thống ngữ liệu minh họa đa dạng. Cô Lê Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khê 2, thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: Thực hiện chương trình mới, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên được nâng lên đáng kể. Chúng tôi đã chuyển hoàn toàn việc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Đặc biệt, sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên trong giáo dục không ngừng được tăng cường. Nhiều hoạt động, bài tập, giáo viên yêu cầu sự phối hợp của phụ huynh đã mang lại hiệu quả, tạo được sự thay đổi trong tư duy, không còn phó mặc chuyện học của con cái cho thầy cô. Đây là điều mà nhiều năm qua, giáo viên vùng miền núi luôn mong muốn.
Theo ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến thời điểm này, việc triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 đã có những thành công nhất định. Các giáo viên đều đánh giá học sinh có phần tiến bộ hơn kể cả ở việc tiếp thu kiến thức và hình thành, phát triển các năng lực phẩm chất cần thiết khác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Đơn cử như để triển khai tốt chương trình với thiết kế dạy học 2 buổi/ngày yếu tố then chốt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, nhưng cả 2 yếu tố này Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ GD&ĐT cũng bộc lộ những bất cập, khi một trường học lựa chọn, sử dụng nhiều cuốn sách của nhiều bộ sách khác nhau, khiến việc kết nối các đầu sách, các bộ môn trong chương trình học gặp khó khăn. Việc tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa của các nhà xuất bản chưa đáp ứng với nội dung chương trình...
Có thể nói chương trình GDPT 2018 được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, cái mới, nhất là trong giáo dục, không phải lúc nào cũng diễn ra một cách dễ dàng, nhất là việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức, sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; lại tác động tới nhiều đối tượng khác nhau, từ người dạy, người học đến cả cha mẹ học sinh. Vậy nên rất cần sự đồng thuận và sự kiên trì mục tiêu đổi mới. Cho dù vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định, song theo đánh giá của ngành chức năng, kết quả đạt được từ việc triển khai chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1 sẽ là tiền đề cho việc triển khai chương trình ở những năm học tiếp theo.