Dạy học lý luận chính trị trong thời đại 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có dạy học đại học nói chung và dạy học lý luận chính trị nói riêng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dạy học lý luận chính trị trực tuyến là hình thức dạy học các môn lý luận chính trị trong đó giảng viên và sinh viên giao tiếp với nhau trên hệ thống đào tạo trực tuyến thông qua những hình thức khác nhau như email, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo, video… mà không cần phải gặp trực tiếp.

Hiện nay, việc dạy học lý luận chính trị trực tuyến ở các trường đại học đạt được một số thành công bước đầu: đa số giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hỗ trợ hiện đại trong giảng dạy; chương trình, nội dung dạy học lý luận chính trị trực tuyến được biên soạn theo hướng tinh gọn, tích hợp, lược bỏ phần trùng lặp, những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những nội dung mới phù hợp; phương thức dạy học luôn được đổi mới, sáng tạo… theo hướng tiếp cận năng lực của sinh viên; cơ sở vật chất và phương tiện dạy học lý luận chính trị trực tuyến ngày càng đồng bộ, hiện đại. Đa số sinh viên các trường đại học ở nước ta hiện nay đều năng động, linh hoạt, nhanh nhạy với sự thay đổi, có ý thức chính trị, dễ tiếp cận với thành tựu mới của khoa học - công nghệ…

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, việc dạy học lý luận chính trị trực tuyến còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức: trình độ đội ngũ giảng viên ở các trường đại học hiện nay còn chưa đồng đều, khả năng sử dụng thuần thục công nghệ thông tin ở một bộ phận giảng viên đôi khi còn hạn chế; nội dung, chương trình lý luận chính trị đôi khi chưa đảm bảo tính tích hợp và phù hợp với chuẩn đầu ra học phần; phương thức dạy học lý luận chính trị trực tuyến đôi khi chưa được sử dụng linh hoạt, đa dạng, một bộ phận sinh viên có tâm lý ỷ lại, thụ động trong học tập, chưa hình thành năng lực tự xây dựng kế hoạch, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu theo phương thức dạy học trực tuyến.

Để giải quyết các vấn đề trên, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Các giảng viên cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức thực tiễn phong phú, tâm huyết với nghề. Đặc biệt, phải có kỹ năng sử dụng các phương tiện, công nghệ thông tin hiện đại; biết khơi gợi niềm đam mê, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong việc học các môn học lý luận chính trị. Cùng với đó, giảng viên cần có kỹ năng xây dựng và thiết kế giáo án, đề cương, bài giảng điện tử sao cho cô đọng, súc tích, mạch lạc, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nắm bắt nội dung bài giảng; từ đó, hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu theo những gợi ý, định hướng của giảng viên.

Hai là, đổi mới nội dung, chương trình kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học.

Đổi mới nội dung, chương trình dạy học lý luận chính trị trực tuyến cần cô đọng, súc tích. Các chuyên đề nên tách ra hoặc chia nhỏ nhưng vẫn theo trình tự logic nhất định. Sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống kết hợp với các phương pháp hiện đại khác để bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho sinh viên.

Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại phục vụ cho dạy học lý luận chính trị trực tuyến.

Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cần được đầu tư, như đường truyền internet tốc độ cao, máy vi tính, mạng nội bộ, phần mềm trí tuệ nhân tạo áp dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, như cloud, ứng dụng big data, ứng dụng IoT; ứng dụng công nghệ blockchain hay như các phần mềm hệ thống tích hợp với phần mềm môn học, website, thư viện số. Phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học và các phần mềm mô phỏng thiết bị dạy học thực tế… cũng cần được nghiên cứu, đầu tư.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Sinh viên phải tự mình chiếm lĩnh tri thức, hình thành và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết lý giải và có khả năng thích ứng cao trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn. Cần chủ động hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Xác định động cơ học tập lý luận chính trị là nhằm trang bị thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, làm hành trang cho hoạt động thực tiễn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dạy học lý luận chính trị trực tuyến ở các trường đại học Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số thành công bước đầu. Tuy nhiên, thực tế, quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn từ phía giảng viên, nội dung, chương trình, phương thức và sinh viên các trường. Vì vậy, chúng tôi đề xuất 4 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị trực tuyến ở các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr.232.

[2]. HECPF, (2005), HEFCE strategy for E-learning.

[3]. Quyết định số 131/2022/QĐ-TTg, ngày 25-1-2022, phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”

TS. Nguyễn Thị Hà Thu - ThS. Phạm Văn Bôn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/day-hoc-ly-luan-chinh-tri-trong-thoi-dai-40-160518.html