Dạy học sinh lái xe an toàn
Với sự chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ bảo đảm an toàn cho học sinh là vấn đề cấp thiết, cần được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Cao điểm kiểm tra học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy được triển khai trên địa bàn cả nước, cho thấy vấn đề trở nên 'nóng' hơn bao giờ.
Việc học sinh chưa đủ tuổi quy định đi xe máy phân khối lớn đến trường không phải là hiếm. Chỉ cần dạo quanh các bãi gửi xe ngoài các trường học có thể bắt gặp điều này. Chưa kể một số vụ tai nạn giao thông xảy ra do lỗi tổng hợp, nhưng qua phân tích nguyên nhân của cơ quan chức năng, một phần cũng có lỗi từ chính các em. Pháp luật không cấm các em lái xe máy, nhưng chế tài bằng cách cho phép sử dụng xe theo độ tuổi quy định. Điều này thể hiện đầy đủ trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật, song nhìn ở khía cạnh xã hội, việc chấp hành của các em cũng chưa tốt, kể cả phụ huynh đôi khi giao xe máy cho con em mình sử dụng mà không hề biết đã vi phạm. Điều đó cho thấy vẫn còn một khoảng trống giữa quy định pháp luật với thực tế cuộc sống.
Nếu giữa quy định của pháp luật với thực tiễn còn độ vênh thì ở môi trường giáo dục, các em học sinh cũng còn chịu “thiệt”. Các em sử dụng xe máy hầu như theo kiểu người lớn hướng dẫn lại theo kiểu “biết gì chỉ nấy”, trong khi tham gia giao thông trên đường đòi hỏi các em cần biết kỹ năng xử lý tình huống, tuân thủ luật, biển báo giao thông… song chính các em lại chưa nắm bắt được.
Lỗ hổng trên đã được các cấp, ngành nhìn thấy và buộc phải có biện pháp để xử lý vấn đề này. Ngoài việc tăng cường kiểm tra xử lý học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy, xử phạt cả phụ huynh giao xe cho con thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng lái xe cho các em là việc phải làm. Theo đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Ngày 25/9/2024, Thủ tướng ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trọng việc triển khai thi hành luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho học sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Biên soạn và tổ chức giảng dạy kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho học sinh tại cơ sở giáo dục trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chỉ đạo cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho các em.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, hy vọng tình trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy sẽ giảm và hơn hết chính là bảo vệ tính mạng cho các em – những chủ nhân của tương lai.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-hoc-sinh-lai-xe-an-toan-125537.html