Dạy học trực tiếp: An toàn tuyệt đối, tận dụng tối đa

Lâm Đồng bắt đầu năm học 2021-2022 từ ngày 20/9/2021 và phải thực hiện 'mục tiêu kép' như các địa phương. Tổ chức dạy học trực tuyến trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 85 trường tiểu học, 40 trường THCS và 34 trường THPT còn lại dạy học trực tiếp.

Giờ dạy học trực tiếp tại điểm trường Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, Đạ Tẻh

Giờ dạy học trực tiếp tại điểm trường Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, Đạ Tẻh

TUYỆT ĐỐI AN TOÀN ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, đồng thời đạt chất lượng, hiệu quả giáo dục và an toàn phòng dịch bệnh COVID-19; Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có nhiều văn bản chỉ đạo. Ở Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cũng ban hành Chỉ thị số 11, ngày 17/9/2021 nhằm đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ và giải pháp trên địa bàn. Tinh thần quán triệt là linh hoạt, hiệu quả, phù hợp, vừa đảm bảo kế hoạch năm học vừa thuận lợi học tập và an toàn về sức khỏe của người học... Trong bối cảnh dịch COVID-19, toàn quốc vẫn tiếp tục thực hiện “những việc cần làm” theo Công văn số 696 năm 2020 của Bộ GDĐT. Đầu năm học 2021-2022, Sở GDĐT Lâm Đồng có văn bản 1629 thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn; phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học.

Ứng phó với bối cảnh phòng dịch bệnh COVID-19, người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tổ chức rà soát và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả giáo viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục; toàn ngành và phụ huynh học sinh nêu cao tinh thần chống dịch. Cùng đó, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, nhất là trong bối cảnh phòng, chống đại dịch COVID-19. “Đặc biệt, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nếu học trực tiếp”, đây là nội dung Chỉ thị 11 nhấn mạnh hai lần đối với Sở GDĐT và UBND các huyện, thành phố.

LÂM ĐỒNG CHỦ YẾU DẠY HỌC TRỰC TIẾP

Theo báo cáo của Sở GDĐT Lâm Đồng, năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 689 đơn vị trường học, gồm 231 trường mầm non, 229 trường tiểu học, 157 trường THCS, 59 trường THPT, 1 trung tâm GDTX tỉnh, 11 trung tâm GDNN-GDTX và 1 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP). Tổng số học sinh là 365.406 em và CĐSP 560 sinh viên. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là 22.118 người; trong đó 1.628 CBQL, 17.652 GV và 2.785 nhân viên. Trên cơ sở gợi ý của Sở GDĐT, căn cứ tình hình cụ thể, các UBND huyện, thành phố đã quyết định cơ sở giáo dục cụ thể tổ chức phương án dạy học. Địa phương không tổ chức được dạy học trực tiếp, bậc học mầm non và khối lớp 1, lớp 2 không tổ chức dạy học trực tuyến. Những địa phương tổ chức dạy học trực tiếp được gồm có 144 trường tiểu học, 117 trường THCS và 25 trường THPT, chưa kể trung tâm GDNN-GDTX có bậc học phổ thông.

VẤT VẢ NHƯNG VÌ SỰ AN TOÀN

Huyện Lâm Hà, các ngày 12, 13/9 các trường sẵn sàng triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, chiều 14/9 mới có quyết định dạy học trực tiếp. Cô giáo Nguyễn Ngọc Minh Châu, Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Sau những ngày dài vừa nghỉ hè vừa phòng dịch COVID-19, thầy và trò bước vào năm học mới với những thấp thỏm, mong đợi, háo hức và cả phập phồng lo sợ... “Có lẽ chưa bao giờ có một năm học đặc biệt như năm học này. Giáo viên luôn căng mắt cập nhật công văn, kế hoạch về việc vừa thực hiện phòng, chống dịch bệnh; vừa chuẩn bị năm học, vừa rà soát học sinh trong và ngoài địa bàn. Sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có phương án đưa học sinh từ ngoài tỉnh về và cho học sinh ngoài địa bàn học tạm”, cô giáo Châu chia sẻ. Tâm trạng chung là, việc học tập trung là thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng đồng thời không thể tránh khỏi tâm lý nhiều lo lắng về khả năng phòng vệ đối với dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu. Dù đang dạy học trực tiếp nhưng các trường vẫn sẵn sàng tổ chức phương án dạy học trực tuyến. “Mỗi giáo viên đồng thời là một chiến sỹ, luôn trực chiến, đồng hành, bám sát tình hình lớp và học sinh. Mệt và vất vả nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì đã qua một tuần học của năm học đặc biệt”, cô Minh Châu cảm nhận.

Chia sẻ về các biện pháp phòng dịch COVID-19, thầy giáo Nguyễn Lý Hà - Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, huyện Đạ Tẻh cho biết: Tất cả mọi người từ đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đến học sinh, phụ huynh đến trường phải tuân thủ thực hiện nghiêm về quy định 5K của Bộ Y tế. Các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác Tổng phụ trách Đội phải đi sớm hơn bình thường để hỗ trợ công tác phòng dịch bệnh COVID-19 như: đo nhiệt độ cho học sinh, hướng dẫn nhắc nhở học sinh sát khuẩn tay ngay ở cổng trường. Chuẩn bị vào học tiết thứ nhất, các giáo viên đứng lớp phải kiểm diện học sinh vắng học, lí do vắng hàng ngày và báo cáo kịp thời đến lãnh đạo nhà trường. Cũng là trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học đó là đeo khẩu trang cả giáo viên và học sinh suốt buổi học nên nhiều học sinh cảm thấy khó chịu, hạn chế khi đọc bài và trả lời câu hỏi.

Còn tại Trường THCS Ka Đơn, huyện Đơn Dương, phòng dịch COVID-19 với nhiều biện pháp nghiêm. Thầy giáo Cao Anh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn trường cho biết, trường có 16 lớp với hơn 500 học sinh, chia mỗi lớp thành 2 và xếp một nửa học buổi sáng, một nửa học buổi chiều, giáo viên do đó tăng gấp đôi tiết dạy. Ngay ở cổng trường, bảo vệ và những giáo viên không có tiết dạy lập chốt trực để xịt tay khử khuẩn và đo nhiệt độ cho học sinh, nhắc nhở các em đeo khẩu trang đúng cách. Nghỉ giải lao 5 phút giữa 2 tiết, học sinh chỉ giải lao trong phòng học, không ra sân trường, học sinh có nhu cầu vệ sinh đi/về theo đường 1 chiều; kết thúc buổi học, giáo viên dạy tiết cuối chủ động điều phối để học sinh toàn trường không đi về một lúc... “Tuy không có chủ trương cụ thể từ trên, nhưng nhà trường và giáo viên tự nguyện thực hiện các giải pháp, cũng vất vả nhưng phải làm thế thì mới đảm bảo được an toàn phòng dịch”, thầy Tuấn nói.

Lời giải cho ngành giáo dục là vừa tuyệt đối an toàn về sức khỏe của thầy và trò; vừa đảm bảo chương trình, đặc biệt khai thác “thời gian vàng” đó là dạy học trực tiếp. Vì vậy, cần nhiều yếu tố: sự nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt của nhà giáo; sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và cả xã hội chung tay. Có vậy, năm học 2021-2022 mới đạt những kết quả như mong đợi.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202109/day-hoc-truc-tiep-an-toan-tuyet-doi-tan-dung-toi-da-3081050/