Dạy học trực tuyến: cần xem văn hóa học đường là trách nhiệm
GS Huỳnh Văn Sơn: 'Trong bối cảnh dạy học trực tuyến, phát triển giáo dục mở, nếu không cẩn trọng sẽ khó để vẽ nên một chân dung văn hóa học đường vì học sinh'
Chiều ngày 03/11, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhất là cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo… có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận về việc xây dựng môi trường văn hóa học đường hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chương trình cũng góp phần hưởng ứng hội thảo khoa học cấp nhà nước về Văn hóa học đường do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, dự kiến vào tháng 12 năm 2021.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục, chuyên gia giáo dục đến từ các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo; giáo viên trung học và tiểu học ở một số quận huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh và sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng nguyên tắc, thói quen trong dạy học trực tuyến
Chia sẻ về vấn đề văn hóa học đường trong bối cảnh số, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, văn hóa học đường trong bối cảnh số được tựu trung bởi văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa của tất cả những gì thuộc không gian mạng bao gồm từ hình ảnh, biểu tượng đến các hành vi, lời nói, sự tương tác và cung cách thể hiện.
Do giới hạn giao tiếp, tương tác trong dạy học trực tuyến, nên các thói quen và kỹ năng làm chủ dạy và học trực tuyến cũng hạn chế. Cụ thể, thói quen lười và muốn tiện lợi dẫn đến việc học tập qua loa; xảy ra tình trạng học giả, học thay, vắng học, làm bài hộ, chuyển giao bài giảng, cắt dán; xuất hiện chợ mua bán giáo án, học liệu,...
Cũng theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, cần phải chú trọng xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, chuyển đổi số, phát triển giáo dục mở. Cụ thể, cần xây dựng quy tắc trong lớp học trực tuyến giúp việc quản lý lớp học hiệu quả hơn. Trong lớp học online, giáo viên có thể thiết lập một số quy tắc như bật camera trong giờ học, tắt mic để giảm tiếng ồn, hoàn thành cuộc thảo luận trước thời gian cho phép, vào lớp đúng giờ,...
Trước khi vào lớp học, yêu cầu học sinh, sinh viên cắt điện thoại, đồ chơi, trang web không liên quan hoặc bất cứ thứ gì khiến các em mất tập trung, ảnh hưởng đến việc học.
Cần phải tạo mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và người học, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động của lớp học;...
Bên cạnh đó, cần tạo thói quen tích cực cho người học ở lớp học trực tuyến. Giáo viên cũng cần xây dựng hình ảnh của mình trên nhiều bình diện để góp phần xây dựng văn hóa học đường.
Ngoài ra, giáo viên cần chú ý về không gian dạy học trực tuyến và hạn chế tối đa những sự cố kỹ thuật. Đây cũng là những yếu tố tác động đến việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh số.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa học đường, văn hóa học đường trong bối cảnh số như: Có hay không văn hóa học đường trong bối cảnh số hiện nay; Dạy trực tuyến, văn hóa của giáo viên và ảnh hưởng đến văn hóa của người học; Danh xưng giáo viên trên không gian mạng – Vấn đề nhìn nhận từ các tiêu chí đánh giá đạo đức và năng lực nghề? Ai quản lý và đánh giá; Bộ lọc của học sinh với các tác động tiêu cực từ góc nhìn văn hóa trên mạng đến cảm xúc và tư duy; Thách thức của việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến; Một số đề xuất nhằm kiểm soát các tác động của bối cảnh số với việc xây dựng văn hóa học đường dành cho học sinh hiện nay....
Các chuyên gia đều kết nối từ thuật ngữ, khái niệm đến các vấn đề thực tiễn để xác định khung nhìn nhận, đánh giá về văn hóa học đường trong bối cảnh số.
Cần xem văn hóa học đường là trách nhiệm
Văn hóa học đường là những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích lũy trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và quá trình hình thành nhân cách.
Theo Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc thì: “Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, quý phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp”.
Trong thời đại ngày nay với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, vấn đề văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhiều quốc gia, dân tộc quan tâm giữ gìn và phát triển.
Chuyển đổi số là khái niệm được ra đời trong thời đại bùng nổ internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của một tổ chức, đơn vị ở tất cả mọi khía cạnh.
Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay đơn vị mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực... làm thay đổi sâu sắc cách thức hoạt động bằng cách tái tạo lại những phương pháp truyền thống và sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thời đại.
Bằng những kinh nghiệm của mình trong công tác đào tạo giáo viên, đánh giá thực tập, hỗ trợ giáo viên và cả học sinh năng khiếu không chỉ là thể thao mà cả trong lĩnh vực tài năng ở nhiều cơ sở giáo dục, môi trường học đường, Thạc sĩ Huỳnh Trung Phong cho biết: Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay, trường học không chỉ là trường học trí tuệ mà còn phải là trường học văn hóa.
Văn hóa học đường giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp.
Trách nhiệm của nhà trường và của từng thầy cô là đồng hành với học sinh để xây dựng trường học văn hóa, có giá trị, có triết lý. Quan trọng không phải trên mạng hay đời thật mà phải là có giá trị, đáng được tôn trọng.
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn điều phối Tọa đàm, cũng là trưởng tiểu ban trong Hội thảo vào 21.11 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội tổ chức kết luận: “Đã đến lúc cần phải xem văn hóa học đường là trách nhiệm. Khi bối cảnh mới với dạy học trực tuyến, học liệu số và sự phát triển của giáo dục mở, giáo dục trực tuyến, nếu không cẩn trọng sẽ khó có thể vẽ nên một chân dung văn hóa học đường vì học sinh.
Chúng ta cần phải đánh giá, hành động và thực hiện bằng trách nhiệm của chúng ta từ vị trí, vai trò nhất là sự tự ý thức, tự trọng bởi tất cả tình yêu thương, nhân văn của chúng ta với con trẻ, học sinh là chuẩn bị cho các em môi trường sống, trải nghiệm, tiếp cận tốt nhất mà không phải là khó hay không kiểm soát như hiện nay.
Hãy hành động để nhận thức chân giá trị trên môi trường số; hãy tuân thủ giá trị thật trong từng hành vi, lời nói và cả cách ứng xử đúng với trách nhiệm và lương tâm của chúng ta ngay cả trong dạy học, giáo dục, học tập, rèn luyện hay thể hiện”.