Đây là cách để điều khiển giấc mơ lucid dream tại nhà
Một khi giấc mơ có thể được điều khiển hoàn toàn, nó có thể trở thành đối tượng kinh doanh như trong phim Total Recall của Arnold Schwarzenegger.
Những giấc mơ thường là trải nghiệm khó hiểu và mờ nhạt. Trong mơ, chúng ta ít phê phán, tiếp cận với ký ức thực. Sự bốc đồng cũng như cảm xúc tăng cao trong mơ thường tạo ra những cơn đau đầu nhẹ khi thức dậy vào buổi sáng.
Nhưng những giấc mơ không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách này. Theo Popsci, hơn 1/2 trong chúng ta ít nhất một lần trong đời trải nghiệm khả năng điều khiển giấc mơ khi đang ngủ say. Gần 1/4 sẽ gặp lucid dream (giấc mơ sáng suốt) mỗi tháng một lần hoặc nhiều hơn.
Có 2 thay đổi quan trọng trong não chịu trách nhiệm cho trạng thái này. Vỏ não trước, điều khiển khả năng nhận thức cao hơn vốn bị ức chế trong những giấc mơ bình thường, lại hoạt động mạnh hơn trong những giấc mơ sáng suốt.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy sự gia tăng sóng gamma, phát ra bởi các nhóm tế bào thần kinh liên quan đến nhận thức có ý thức có tần suất lớn hơn.
Các nhà khoa học quan tâm việc làm thế nào tác động đến não bộ để kiểm soát được quá trình này. Không chỉ vì niềm vui của việc kiểm soát được giấc mơ, người ta hy vọng rằng giấc mơ sáng suốt sẽ cho cái nhìn có giá trị về cách mà ý thức được hình thành bên trong bộ não.
Ví dụ, liệu pháp triển khai giấc mơ sáng suốt có tiềm năng lớn trong việc điều trị những người gặp ác mộng mãn tính và Hội chứng căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Những người mắc PTSD thường trải qua các cơn ác mộng lặp đi lặp lại có liên quan đến sự kiện nào đó gây sốc cho họ. Các cơn ác mộng tái phát này đáng sợ đến nỗi chúng gây lo lắng, mất ngủ, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ban ngày.
Với giấc mơ sáng suốt, người gặp ác mộng có thể nhận ra rằng những gì họ đang trải qua là không có thật, sau đó biến cơn ác mộng thành một giấc mơ đẹp.
Các giấc mơ sáng suốt cũng cho cơ hội cải thiện kỹ năng vận động thông qua tăng cường hoạt động não bộ. Sử dụng hình ảnh tinh thần để luyện tập kỹ năng vận động đã được chứng minh cải thiện hiệu suất của người chơi thể thao, bác sĩ, nhạc sĩ.
Ngoài ra, nó còn hỗ trợ phục hồi chức năng điều khiển tay và các nhiệm vụ vận động khác, ví dụ các bệnh nhân sau khi bị tổn thương hệ thần kinh.
Kỹ thuật này hoạt động theo nguyên tắc tạo ra tưởng tượng, sau đó vận động kích hoạt các cấu trúc thần kinh có liên quan, giống như người ta đang thực sự làm điều đó, chỉ khác biệt ở chỗ cơ thể không vận động.
Nhiều kỹ thuật khác nhau đã được phát triển và thử nghiệm để tạo ra những giấc mơ sáng suốt trong những năm gần đây, song chưa có kỹ thuật nào đáng tin cậy và thành công nhất quán ở mọi cá nhân.
Điều này không có nghĩa các kỹ thuật này vô dụng. Một số kỹ thuật rất có tiềm năng, dù phần lớn vẫn ở trong giai đoạn sơ khai. Dưới đây là những kỹ thuật tiềm năng nhất, hầu hết có thể thử ở nhà.
Đầu tiên là loại kỹ thuật nhận thức, gồm các hoạt động được thực hiện vào buổi sáng hoặc trong khi ngủ. Theo một nghiên cứu của Đại học Adelaide có 169 người Australia tham gia, sự kết hợp của ba kỹ thuật tạo ra những giấc mơ sáng suốt thành công nhất là: thử nghiệm thực tế, Mnemonic Indtion Lucid Dreaming (gợi nhớ về mơ sáng suốt) và Wake-Back-to-Bed.
Phương pháp thử nghiệm thực tế liên quan đến việc thường xuyên tự hỏi bản thân trong lúc tỉnh táo rằng liệu bạn có đang mơ hay không, và thực hiện một hành động tự kiểm chứng. Bộ phim nổi tiếng Inception tham khảo kỹ thuật này với cách kiểm chứng là một bông vụ, thường sẽ ngừng quay nhưng nếu bạn đang trong mơ thì nó quay mãi.
Nếu không thích giữ một bông vụ trong túi, bạn có thể tự bóp mũi xem có thở được không. Việc lặp đi lặp lại hành động “tự hỏi mình có đang mơ” trong suốt cả ngày giúp in sâu vào tiềm thức hành động đó như một thói quen.
Khi thực sự đang mơ, tiềm thức, vốn không chịu ảnh hưởng nhiều bởi ý thức, sẽ tạo cho bạn thói quen tương tự. Khi đó nếu vẫn thở được, bạn sẽ nhận thức là mình đang mơ và kiểm soát được giấc mơ.
Trong kỹ thuật Mnemonic Indjection Lucid Dream (MILD), người ta tưởng tượng một giấc mơ và lặp đi lặp lại câu thần chú thể hiện ý định, chẳng hạn như: "Lần sau tôi đang mơ tôi muốn nhớ rằng mình đang mơ".
Để có kết quả tốt nhất, nên thực hiện kỹ thuật Wake-Back-To-Bed (WBTB). Cụ thể, hãy đặt đồng hồ báo thức trước một hoặc hai giờ so với giờ thức dậy bình thường. Sau khi thức dậy trong vài phút, cố ngủ lại, nhiều khả năng bạn sẽ có được một giấc mơ sáng suốt.
Sự thức tỉnh ngắn ngủi trong vài phút được cho là tăng kích hoạt vỏ não ở các vùng não quan trọng liên quan đến giấc mơ sáng suốt khi một người quay trở lại giấc ngủ ở giai đoạn mắt chuyển động nhanh (REM), giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ.
Việc học sinh đặt báo thức điện thoại mỗi sáng cứ nhấn nút bỏ qua, và để điện thoại reo lặp đi lặp lại cũng dễ gặp giấc mơ sáng suốt.
Như hình trên, bạn có thể thấy giấc mơ sáng suốt thường xuất hiện vào khoảng 4h30 đến 5h sáng. Nếu muộn hơn, bạn có thể tỉnh giấc luôn. Nếu sớm hơn, bạn có thể mất kiểm soát giấc mơ và chìm ngược trở lại trạng thái ngủ sâu.
Nghiên cứu gần đây cho thấy can thiệp bằng thuốc có thể giữ giấc ngủ lâu hơn để tạo điều kiện cho giấc mơ sáng suốt xảy ra. Ví dụ, galantamine, một chất ức chế enzyme thường được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer, đã được chứng minh là làm tăng đáng kể tỷ lệ trải nghiệm giấc mơ sáng suốt khi được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật WBTB và MILD. Tuy vậy, các tác dụng phụ của thuốc vẫn còn phải được xem xét.
Sự hiểu biết của chúng ta về những giấc mơ sáng suốt đã tiến bộ đáng kể trong thập kỷ qua. Vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi giấc mơ trở thành đối tượng kinh doanh như trong phim Total Recall của Arnold Schwarzenegger.