Đây là lý do Apple phải gấp rút đẩy mạnh iPhone 'Made in India'
iPhone 16 tiêu chuẩn chiếm khoảng 20% tổng doanh số iPhone bán ra tại Mỹ trong quý I/2025. Con số tăng trưởng có thể góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất sang Ấn Độ.

Sự tăng trưởng bất ngờ của mẫu iPhone 16 cơ bản tại Mỹ có thể góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất sang Ấn Độ. Ảnh: Financial Times.
Consumer Intelligence Research Partners (CIRP) vừa công bố dữ liệu doanh số bán iPhone tại Mỹ trong quý 1, bao gồm phân tích chi tiết về hiệu suất của từng mẫu iPhone 16. Trong số này, bản iPhone 16 Pro gây bất ngờ với doanh số giảm sút đáng kể.
Cụ thể, theo hai nhà phân tích Michael Levin và Josh Lowitz, tỷ lệ các mẫu iPhone 16 ban đầu đã thay đổi. iPhone 16 Pro và Pro Max cùng nhau chiếm 38% doanh số iPhone trong quý, mức giảm lớn nếu so với con số 45% của iPhone 15 Pro và Pro Max cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, mẫu iPhone 16 cơ bản lại chứng kiến mức tăng đáng kể, chiếm đến 20% doanh số iPhone mới được bán ra tại Mỹ, so với chỉ 14% của iPhone 15 trong cùng kỳ năm 2024.
Thống kế này cho thấy nỗ lực của Apple nhằm làm cho mẫu iPhone 16 cơ bản hấp dẫn hơn rõ ràng đã mang lại hiệu quả. Điều này có thể là một bước đi chiến lược để tạo sự khác biệt với mẫu iPhone 16e thậm chí còn rẻ hơn, vốn cũng mới ra mắt và chiếm 7% doanh số iPhone tại Mỹ trong quý này, theo dữ liệu riêng từ CIRP.
Trước đó, một báo cáo khác của CIRP hồi tháng 4/2024 cho thấy thị phần của iPhone trong tổng số smartphone được kích hoạt đã đạt mức thấp nhất trong 6 năm qua tính theo tỷ lệ doanh số bán hàng mới tại Mỹ.
Theo đó, sản phẩm của Táo khuyết hiện chỉ chiếm 33% doanh số bán hàng mới, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ năm 2018. Để so sánh, vào đầu và giữa năm 2023, iPhone từng chiếm tới 40% thị phần kích hoạt smartphone tại Mỹ. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 36% vào cuối năm 2023.
Sự tăng trưởng bất ngờ của iPhone 16 có thể là lối thoát cho Apple tại Mỹ và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất sang phần lớn tại Ấn Độ.
Theo một số người trong cuộc, Táo khuyết có kế hoạch chuyển hoạt động lắp ráp iPhone xuất khẩu vào thị trường Mỹ sang Ấn Độ ngay vào năm 2026. Điều này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump tạo áp lực thương mại lên Trung Quốc, buộc Táo khuyết phải đưa ra kế hoạch dời nhà máy lắp ráp sang các thị trường chịu thuế suất thấp hơn.
Financial Times nhận định động thái mới nhất của Apple dựa trên chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, nhà máy iPhone thực hiện kế hoạch nhanh hơn so với dự đoán của nhà đầu tư. Họ có mục tiêu nhập khẩu toàn bộ hơn 60 triệu chiếc iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ vào thị trường Mỹ. Để hiện thực hóa tham vọng này, Apple sẽ yêu cầu các đối tác tại quốc gia Nam Á tăng gấp đôi sản lượng lắp ráp.