Đây là lý do trái cây Nhật Bản không lo ế dù giá cao chót vót

Với giá thành cao, trái cây Nhật Bản sẽ hướng tới thị trường giỏ quà trái cây cao cấp khi vào Việt Nam.

Sáng 17-1, tại TP.HCM, Hội đồng xúc tiến xuất khẩu rau quả Nhật Bản (J-FEC) phối hợp cùng JFOOFO và nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông lâm thủy sản- thực phẩm tại Việt Nam đã tổ chức sự kiện quảng bá các sản phẩm trái cây Nhật Bản cao cấp.

Trái cây Nhật Bản muốn phát triển phân khúc quà tặng cao cấp

Ông Arashuma Yuya, Điều phối viên văn phòng của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) cho biết, trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn xác định Việt Nam là thị trường chiến lược cho việc xúc tiến thương mại đối với sản phẩm trái cây tươi.

Dù vậy, ông vẫn thừa nhận giá trái cây Nhật Bản đang khá cao so với những trái cây khác trên thị trường Việt Nam, nhất là với trái cây nội địa, trái cây Nhật Bản không thể cạnh tranh được về giá và sản lượng.

Tuy nhiên với kỳ vọng về chất lượng và vẻ ngoài hoàn hảo, ông Arashuma Yuya cho biết, các sản phẩm trái cây Nhật Bản khi nhập khẩu vào Việt Nam đều hướng tới thị trường quà tặng cao cấp, thay vì tập trung vào phân khúc tiêu dùng ăn uống hàng ngày.

“Phân khúc này hiện vẫn đang bỏ ngỏ và chúng tôi có thể làm tốt ở thị trường ngách này, mang lại những sản phẩm chất lượng tốt cho người Việt khi làm quà biếu tặng”- ông Arashuma Yuya nói.

Phát biểu tại sự kiện, ông Furudate Seiki, Phó tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM cũng thông tin, hiện nay Nhật Bản đang xuất khẩu chính thức ba loại trái cây vào Việt Nam gồm táo, lê và quýt.

Các sản phẩm xuất khẩu đều đảm bảo chất lượng vô cùng nghiêm ngặt của Nhật Bản và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

 Táo, lê, quýt là ba loại trái cây Nhật Bản được xuất khẩu chính ngạch qua Việt Nam. Ảnh: THU HÀ

Táo, lê, quýt là ba loại trái cây Nhật Bản được xuất khẩu chính ngạch qua Việt Nam. Ảnh: THU HÀ

Ông Furudate Seiki kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác của Nhật gia nhập thị trường Việt. Theo đó nho và dâu tây là những loại trái cây dự kiến được nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trái cây nhập khẩu tìm kiếm cơ hội mùa Tết

Ở góc độ doanh nghiệp nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Klever Fruit cũng cho rằng, bất chấp thị trường tiêu dùng đi xuống nhưng các sản phẩm trái cây nhập khẩu vẫn ghi nhận sức mua tốt ở phân khúc giỏ quà biếu tặng.

Ông Hải lấy ví dụ như táo Sekaiichi của Nhật Bản, có trọng lượng rất lớn, được ví là táo khổng lồ, vì có quả lên tới 1 kg, giá 800.000 đồng/kg, nhưng lại bán tốt vì danh tiếng, màu sắc, vẻ ngoài và hương vị đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trong các giỏ quà.

 Ông Hải cho biết dù giá 800.000 đồng/kg nhưng táo Sekaiichi của Nhật Bản vẫn bán chạy. Ảnh: THU HÀ

Ông Hải cho biết dù giá 800.000 đồng/kg nhưng táo Sekaiichi của Nhật Bản vẫn bán chạy. Ảnh: THU HÀ

"Ngoài ra, có một lý do khiến trái cây Nhật dù giá cao nhưng vẫn thu hút người dùng Việt. Mới đây, khi đưa quýt Nhật Unshu về Việt Nam bán giá rất cao, nhân viên của họ đã đứng 8 tiếng đồng hồ để gặp gỡ hỏi han người tiêu dùng có hài lòng về sản phẩm của họ hay không, hương vị thế nào, mong muốn của người dùng ra sao, mức giá có ổn không.

Tôi nghĩ đó cũng là cách mà chúng ta nên học hỏi để hiểu thêm về cách bán hàng cũng như cách họ quảng bá hình ảnh của thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm giá cao"- ông Hải nói.

Theo quan sát của riêng Klever Fruit, bất chấp sức mua giảm nhưng tổng mãi lực thị trường đối với ngành hàng trái cây nhập khẩu và trái cây cao cấp làm quà tặng lại đang tăng trưởng tốt, ít nhất khoảng 10%.

Điều này nhờ vào việc có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà bán tham gia thị trường ở cả hình thức cửa hàng trực tiếp lẫn online.

Riêng tại Klever Fruit, ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, dù con số hơi thấp nhưng là sự nỗ lực lớn trong bối cảnh ngày càng nhiều sự cạnh tranh”- ông Hải nói.

Theo ông Hải để có được mức tăng trưởng này, trong 6 tháng qua doanh nghiệp đã phải chuyển đổi nhiều mô hình kinh doanh như tập trung phát triển thị trường online trên TMĐT cũng như ở TikTok, Facebook.

Ông Lê Viết Sĩ, Công ty TNHH Tú Phượng Tony, thương hiệu Tony Fruit đánh giá, năm nay giá cả các sản phẩm trái cây nhập khẩu đang thấp hơn so với các năm, tuy nhiên giá trái cây Nhật Bản vẫn giữ nguyên, vì sản lượng của họ không nhiều mà quy trình trồng lại khắt khe. Ngoài ra họ cũng có tệp khách hàng nhất định.

Đánh giá chung về thị trường trái cây dịp cuối năm ông Sĩ cho biết, vẫn khá chậm, và giá sẽ giảm hơn so với năm 2023.

Hoa quả Nhật dán tem chống giả mạo

Để tránh các tình trạng mạo danh trái cây Nhật Bản khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản đã tạo ra tem nhãn "Trái cây Nhật Bản", giúp người dùng có thể nhận diện khi đặt cạnh các loại trái cây khác tại nước ngoài.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/day-la-ly-do-trai-cay-nhat-ban-khong-lo-e-du-gia-cao-chot-vot-post772313.html