Đưa Sâm Việt Nam ra thế giới

Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 xác định, phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vự y – dược, chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam.

Trong hai bài trước (Từ “cây thuốc giấu” thành “cây tỷ phú, Hiện thực hóa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam) của loạt phóng sự "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam", nhóm phóng viên Đài TNVN đã làm rõ những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc đánh thức tiềm năng, khẳng định giá trị của sâm Ngọc Linh từ một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm trở thành “cây làm giàu”, giúp người dân miền núi đổi đời, mang lại hàng triệu đô la đóng góp vào ngân sách địa phương. Tuy vậy, tiềm năng, thế mạnh rất lớn của cây sâm Ngọc Linh vẫn chưa được phát huy hữu hiệu trên hành trình đưa Sâm Việt Nam ra thế giới.

Ông Bùi Như Chương, hộ trồng sâm tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My dành nhiều tâm huyết bảo tồn giống sâm Ngọc Linh.

Ông Bùi Như Chương, hộ trồng sâm tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My dành nhiều tâm huyết bảo tồn giống sâm Ngọc Linh.

Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 xác định, phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vự y – dược, chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam. Tiếp tục tìm hiểu và nêu lên những giải pháp phát triển về cây Sâm Việt Nam bài cuối của loạt phóng sự này với nhan đề “Đưa Sâm Việt Nam ra thế giới”.

Cây sâm giống Ngọc Linh 1 năm tuổi.

Cây sâm giống Ngọc Linh 1 năm tuổi.

Ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chương trình này đặt mục tiêu đến năm 2030 bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100.000 héc ta. Thực tế cho thấy công tác bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh chưa được quan tâm đúng mức. Sâm Ngọc Linh giả đang bán tràn lan trên thị trường. Ông Bùi Như Chương, hộ trồng sâm tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.

Một héc ta trồng sâm Ngọc Linh qua 5 năm có thể thu về 75 tỷ đồng.

Một héc ta trồng sâm Ngọc Linh qua 5 năm có thể thu về 75 tỷ đồng.

“Theo tôi được biết, nhiều giống sâm có hình dạng giống sâm Ngọc Linh nhưng lại không phải sâm Ngọc Linh đã được người ta đưa vào trồng lẫn lộn trên núi Ngọc Linh nhiều năm rồi nên nhiều người mua sâm rất ngại, mất niềm tin. Mong muốn chính quyền làm cho rõ, giống nào không phải sâm Ngọc Linh gốc thì bỏ đi. Nguyện vọng của người trồng sâm là Nhà nước sớm xây dựng được vườn sâm Ngọc Linh gốc, không để mai một nguồn gen quý”- ông Bùi Như Chương cho biết.

Diện tích trồng sâm ở Việt Nam chỉ khoảng 3.055 héc ta.

Diện tích trồng sâm ở Việt Nam chỉ khoảng 3.055 héc ta.

Thời gian qua, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng khu công nghiệp, nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh quy mô lớn. Nhưng đến nay, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Các cơ sở sản xuất, chế biến sâm chủ yếu ở quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm. Ông Hồ Văn Lượng, ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My nêu thực trạng, hầu hết các hộ trồng sâm Ngọc Linh đang gặp khó khăn ở đầu ra sản phẩm, giá sâm Ngọc Linh bấp bênh, không ổn định.

“Hiện tại đang muốn đi tìm đầu ra, có nhà máy để mình chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh quy mô lớn. Đảng, Nhà nước và nhà khoa học cần phải quan tâm nhiều hơn đến các cơ sở, nhà máy chế biến sâu thì mới đem lại giá trị kinh tế cao được. Lúc đó một củ sâm sẽ có giá trị gấp 10 lần hiện nay”- ông Hồ Văn Lượng đề nghị.

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý hiếm và phát triển cây sâm giống.

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý hiếm và phát triển cây sâm giống.

Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan đang tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế phát triển sâm Ngọc Linh. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia và có uy tín trên thị trường quốc tế; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm Sâm Việt Nam từ công đoạn sản xuất giống, gây trồng, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại các vùng trồng sâm.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Chính phủ cần triển khai đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh; quan tâm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My - giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km); đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh… Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia còn rất nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, trước hết là phải có các chính sách đặc thù, tháo gỡ các điểm nghẽn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong một chuyến đi thực tế tại vườn sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong một chuyến đi thực tế tại vườn sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My.

“Đề án phát triển sâm đã có rồi, cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vùng sâm. Tiếp theo là hành lang pháp lý phải rõ ràng để phát triển sâm, được trồng sâm dưới tán rừng. Thứ 3 là dòng vốn, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngành sâm. Ví dụ một doanh nghiệp đầu tư trồng sâm thì được vay vốn như thế nào”- ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị.

Ông Im Chang Ho, người trồng sâm ở quận Hamyang, tỉnh Geongsangnam, Hàn Quốc.

Ông Im Chang Ho, người trồng sâm ở quận Hamyang, tỉnh Geongsangnam, Hàn Quốc.

Ông Im Chang Ho, người trồng sâm ở quận Hamyang, tỉnh Geongsangnam, Hàn Quốc, từng đến tham quan vườn sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, cho biết: “Điều kiện tự nhiên tại núi Ngọc Linh tốt hơn cả vùng núi ở quận Hamyang của chúng tôi. Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp sản xuất gần như bao tiêu toàn bộ vùng nguyên liệu của người trồng sâm. Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất về công nghệ, thuế… để họ đủ sức cạnh tranh khi ra thị trường quốc tế”.

Ông Kato Fumino đang làm việc cho tổ chức JAICA Nhật tại Việt Nam có những gợi ý như thế này:“Tôi có cảm nhận rằng sâm Ngọc Linh của Việt Nam như một mỏ vàng ở rừng núi. Đây là tài sản rất lớn để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước các bạn lên một tầm cao mới”.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện nay, trong số 5 loại sâm tốt nhất trên thế giới thì sâm Ngọc Linh đứng đầu vì có tới 52 hợp chất Saponin rất có lợi cho sức khỏe, thu suất Saponin toàn phần lên tới 10,8%. Được xem là sâm quý nhất thế giới nhưng thực tế thì ngành Sâm Việt Nam còn rất non trẻ. Về vùng trồng, diện tích trồng sâm Ngọc Linh còn quá ít, chủ yếu trồng dưới tán rừng, sản lượng hạn chế. Theo Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng sâm ở Việt Nam chỉ khoảng 3.055 héc ta. Con số này quá khiêm tốn so với Hàn Quốc, hiện có 15.000 héc ta trồng sâm, năng suất đạt 6 tấn/héc ta.

Các chuyên gia cho rằng, trước khi nghĩ đến việc hình thành ngành công nghiệp sâm thì Việt Nam phải tập trung nâng cao năng lực sản xuất sâm giống, mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo sản lượng cung cấp cho thị trường và chuỗi sản xuất, chế biến sâu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, quy trình trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để sản phẩm sâm Ngọc Linh đủ điều kiện vươn ra thị trường thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế tại vườn sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế tại vườn sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Công Luận, Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh - người có nhiều năm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh thì cần di thực cây sâm Ngọc Linh từ vùng núi cao xuống thấp để mở rộng diện tích vùng trồng nhưng phải kiểm soát được năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.

“Dù muốn hay không muốn thì chúng ta vẫn phải phát triển và đa dạng hóa vùng nguyên liệu. Theo quan điểm của tôi, nguyên liệu truyền thống từ trên vùng trồng sâm Ngọc Linh thì cần tiếp tục giữ nguồn giống gốc, trên cơ sở phát triển khu vực vùng trồng hiện có. Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu để di thực sâm Ngọc Linh đến trồng ở những vùng có điều kiện tương tự để phát triển”- Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Công Luận nêu giải pháp.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.

Xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam và chế biến sản phẩm từ sâm đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nên chỉ dẫn địa lý theo các loại sâm khác nhau như sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, Kon Tum hay sâm Lai Châu để không lẫn lộn giá trị các loại sâm. Nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị lấy tên gọi Sâm Việt Nam để xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu trước khi đưa sâm ra thị trường cho người tiêu dùng lựa chọn.

Tại Việt Nam, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trồng và sản xuất, chế biến sâm vẫn loay hoay đi tìm từ khóa cho sản phẩm sâm "made in Vietnam". Ở Hàn Quốc, hàng chục năm về trước đã phát triển thương hiệu sâm quốc gia kết hợp với các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, LG. Gắn trên sản phẩm nhân sâm đi cùng các thương hiệu điện tử vốn đã nổi tiếng, đó là con đường ngắn nhất đưa sản phẩm sâm Hàn Quốc chinh phục thị trường quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng tầm thương hiệu Sâm Việt Nam, cần khuyến khích các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước ta hợp tác với các doanh nghiệp sâm trong nước trên lộ trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Sâm Việt Nam cần hướng tới thị trường thế giới với nhãn mác "made in Vietnam".

Tỉnh Quảng Nam tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng sâm.

Tỉnh Quảng Nam tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng sâm.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần có tư duy sâm là sản phẩm quốc gia. Nếu cứ băn khoăn sản phẩm đó là sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu thì phạm vi chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vùng miền. Hàn Quốc gắn lá cờ của họ lên sản phẩm để định danh đó là sản phẩm quốc gia. Từ đó họ định hướng tiếp thị sâm Hàn Quốc ra thị trường quốc tế. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các hộ trồng sâm và các doanh nghiệp trồng và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm phải có tinh thần dân tộc, cùng nhau xây dựng sản phẩm sâm mang thương hiệu quốc gia, là biểu tượng của đất nước.

Tại Hàn Quốc, các sản phẩm chế biến từ sâm đã xuất khẩu sang 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, mang lại nguồn thu 2,5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tại Việt Nam, các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất ít người dân Việt Nam có điều kiện sử dụng. Làm sao để xây dựng chuỗi ngành hàng cho Sâm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị cần sớm thay đổi cách tiếp cận để tạo ra giá trị tăng thêm.

“Sâm không hẳn là một sản phẩm nông nghiệp. Ở Hàn Quốc người ta gọi là nền công nghiệp sâm. Ở đây phát triển sâm thì nông nghiệp chỉ là bước khởi đầu mà thôi. Đó là mở rộng diện tích dưới tán rừng để quy hoạch trồng sâm, rồi cây giống, vùng nguyên liệu. Còn giá trị thực sự của cây sâm nó nằm ở chuỗi giá trị phía sau ấy. Phát triển Sâm Việt Nam không còn là ngành nông nghiệp nữa mà phải là công nghiệp sâm với nhiều tầng ở trong đó chứ không chỉ một tầng duy nhất là chế biến ra những sản phẩm thông thường. Đó phải là dược liệu, thực phẩm, mỹ phẩm và cả công nghiệp giải trí như ở Hàn Quốc. Từ giá trị của sản phẩm nông nghiệp trở thành giá trị công nghiệp, từ giá trị thấp tới giá trị cao”- ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm.

Trong số 5 loại sâm tốt nhất trên thế giới thì sâm Ngọc Linh đứng đầu vì có tới 52 hợp chất Saponin.

Trong số 5 loại sâm tốt nhất trên thế giới thì sâm Ngọc Linh đứng đầu vì có tới 52 hợp chất Saponin.

“Cây thuốc giấu” từ một loài cây mọc trong rừng trở thành “cây thoát nghèo”, “cây làm giàu” của người dân sống trên đỉnh núi Ngọc Linh và đang từng bước thành thương hiệu quốc gia.

Sâm Ngọc Linh trước đây chủ yếu trồng tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 xã của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum thì nay lan rộng ra nhiều xã vùng cao trên đỉnh núi Ngọc Linh và nhiều địa phương khác. Chiến lược phát triển Sâm Việt Nam đã được các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu và nhiều địa phương trên cả nước đưa vào Nghị quyết, cụ thể hóa thành chương trình hành động, đề án cụ thể. Đặc biệt, khi Chính phủ ban hành Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng sâm tại Việt Nam đạt khoảng 21.000 héc ta; Định hướng đến năm 2045, phát triển sâm trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Sâm Ngọc Linh là nhân sâm có hàm lượng dưỡng chất tốt nhất thế giới. Thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt cùng những chương trình hành động cụ thể từ nguồn lực của Trung ương, địa phương, sâm Ngọc Linh sẽ sớm trở thành sản phẩm thương mại “made in Vietnam”, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và mang lại hàng tỷ đô la trong lương lai không xa.

Hy vọng, Sâm Việt Nam sẽ góp phần tạo nên hình ảnh tươi đẹp, giàu mạnh của đất nước Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Long Phi, Thu Hòa, Thanh Trường/ VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dua-sam-viet-nam-ra-the-gioi-post1135855.vov