Lý do 'Chim cắt' F-16 vẫn tung cánh trên bầu trời sau hơn nửa thế kỷ ra đời
Không phải ngẫu nhiên mà F-16 được gọi là 'Fighting Falcon' (tạm dịch: Chim cắt). Tiêm kích này dù không phải là mẫu máy bay chiến đấu tối tân nhất trên thị trường nhưng lại là biểu tượng của thiết kế thông minh, chiến lược bền vững và có hiệu quả tác chiến lâu dài.
Trong tay những phi công thiện nghệ, chiếc F-16 Fighting Falcon, tưởng chừng đã cũ kỹ, vẫn có thể tạo nên kỳ tích: đánh bại cả những chiến đấu cơ tàng hình tối tân như F-35 Lightning II, thậm chí là F-22 Raptor. Đó không chỉ là một tuyên bố táo bạo, mà là minh chứng cho sức sống bền bỉ của một thiết kế chiến đấu cơ mang tính biểu tượng kéo dài suốt gần nửa thế kỷ.
Ra đời vào cuối thập niên 1970, F-16 là hiện thân của một triết lý thiết kế mới: tiêm kích đa nhiệm gọn nhẹ, linh hoạt và hiệu quả về chi phí. Với tốc độ tối đa trên Mach 2 (tương đương hơn 2.400 km/h) và tầm hoạt động vượt quá 3.200 km, chiếc tiêm kích này không chỉ nhanh, mà còn có độ linh hoạt cao, phù hợp cho mọi chiến dịch, từ không chiến đến tấn công mặt đất.

Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: Reuters
Trong nhiều thập kỷ, F-16 đã giữ vai trò xương sống trong lực lượng không quân của hơn 30 quốc gia, với hơn 4.700 chiếc được sản xuất – một con số hiếm có đối với bất kỳ dòng máy bay chiến đấu hiện đại nào. Không quân Mỹ hiện vẫn duy trì hơn 700 chiếc trong biên chế và dù không còn ở đỉnh cao công nghệ, F-16 vẫn được đánh giá là một trong những máy bay hiệu quả nhất trong phân khúc của mình. Không quân Mỹ từng tuyên bố, trong vai trò tiêm kích không chiến, F-16 có khả năng cơ động và bán kính tác chiến vượt trội hơn bất kỳ máy bay nào hiện đang có mặt trên thị trường.
Một trong những lợi thế lớn nhất của F-16 chính là chi phí. Trong khi giá của một chiếc F-35 có thể lên tới hơn 100 triệu USD, các phiên bản hiện đại của F-16, đặc biệt là Block 70/72 “Viper”, chỉ ở mức khoảng 70 triệu USD, kèm theo chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp hơn đáng kể.
Phiên bản F-16 Viper là minh chứng rõ ràng cho tính bền vững của thiết kế gốc. Với hệ thống radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) APG-83 – công nghệ từng chỉ có trên các máy bay tàng hình thế hệ thứ năm, cùng với các phụ tùng điện tử hàng không hiện đại, buồng lái số hóa và vũ khí tối tân, đây là một bản nâng cấp vượt trội hơn nhiều so với các phiên bản gốc. Thậm chí, Lockheed Martin khẳng định phiên bản này có thể duy trì năng lực chiến đấu tới tận năm 2060.
Điều đáng chú ý là trong không chiến tầm gần, nơi kỹ năng phi công, khả năng cơ động và phản ứng tức thì quyết định thắng bại, F-16 vẫn là một đối thủ đáng gờm. Dù không có khả năng tàng hình như F-35 hay F-22, nhưng một khi tiếp cận được đối phương, F-16 có thể tung ra đòn kết liễu nhanh và gọn. Ở khoảng cách gần, nơi bộ quét radar và khả năng tàng hình không còn là lợi thế tuyệt đối, sự linh hoạt của F-16 mới là yếu tố quyết định thắng thua.
Trong bối cảnh các quốc gia không ngừng tìm cách nâng cấp kho vũ khí của chính mình, F-16 Fighting Falcon là một lời nhắc nhở rằng: thiết kế thông minh, tính hiệu quả và sự thích nghi vẫn là những giá trị bền vững. Và đôi khi, chính những "cựu binh" như F-16 mới là những chiến binh cuối cùng còn trụ vững sau khói lửa chiến trường hiện đại.