Dạy làm người tử tế

Một hiện tượng phổ biến diễn ra hiện nay của giới trẻ tương tác trên không gian mạng là lập nhóm, để nói xấu, công kích lẫn nhau. Chính vì vậy, việc đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác hoặc làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là hành vi mà pháp luật không cho phép, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay khá phức tạp. Sự lệch chuẩn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại: Trong một số trường hợp, giới trẻ có xu hướng thể hiện sự phản kháng và phản ứng với những quy tắc ứng xử truyền thống để “chạy” theo văn hóa hiện đại có phần vượt mức giới hạn. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau và bị ảnh hưởng bởi những giá trị khác nhau. Một số hành vi, thái độ thiếu tôn trọng, thiếu suy nghĩ và không có trách nhiệm có thể được lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông khác. Cá biệt có bạn trẻ hiện nay thể hiện xu hướng sự thiếu kiểm soát và tự quản về hành vi của mình, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tôn giáo và văn hóa của người khác. Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với những người khác, điều này có thể dẫn đến các xung đột và mâu thuẫn. Không ít bạn trẻ thiếu nhận thức về giá trị tôn trọng và đạo đức, vì vậy dẫn đến các hành vi bất lịch sự trong giao tiếp và cách hành xử với người khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dạy con làm người đã khó, dạy làm người tử tế càng khó hơn trong bối cảnh hiện nay; đây là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình. Nhà trường, giảng đường chỉ là nơi các em ngồi học trong giờ hành chính, buộc phải có mặt, trong khi quỹ thời gian còn lại các em thuộc về gia đình, cộng đồng xã hội. Để khắc phục tình trạng ứng xử thiếu văn hóa, nhà trường, gia đình chúng ta cần tăng cường giáo dục về văn hóa ứng xử bằng cách uốn nắn, huấn luyện cho các em về giá trị văn hóa ứng xử bao gồm tôn trọng, đạo đức, trách nhiệm, kiên nhẫn… Từ đó tạo ra môi trường lành mạnh, cổ vũ tinh thần trách nhiệm, tích cực, khuyến khích sự hợp tác và sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi được biết, một số trường đã áp dụng các quy định nghiêm đối với các hành vi vi phạm văn hóa ứng xử, nhằm hướng các em đến chân – thiện – mỹ, tạo ra tác động giáo dục tích cực đối với cộng đồng.

Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục phù hợp với tình hình thực tế là những thách thức hiện nay. Các phương pháp đổi mới và sáng tạo có thể giúp tăng cường sự tò mò, khám phá và sự tiếp thu của giới trẻ. Để qua đó các em học tập, tiếp thu, chọn lọc những cái mới, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; làm người tốt trước, người tử tế sau...

Nếu muốn cuộc sống này thật sự ý nghĩa, tốt đẹp mỗi cá nhân phải luôn khắc ghi: Người tử tế là người luôn nghĩ về sự tử tế; người tử tế là người có khả năng tự hỏi: mình có phải là người tử tế? Bởi vậy, dạy và học làm người tử tế là học cả đời, đâu chỉ dừng ở nhà trường, gia đình, xã hội mà cần sự phối, kết hợp từ nhiều phía!

TUẤN KHÔI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-lam-nguoi-tu-te-122837.html