Vào lúc 1h50 sáng một ngày tháng 9-1994, tàu MS Estonia rời Tallinn, thủ đô của Estonia đến Stockholm của Thụy Điển được 5 tiếng thì phát đi tín hiệu cấp cứu khẩn cấp tới các tàu khác trong khu vực.
Tuy nhiên, khi những người cứu hộ đầu tiên tới nơi, tàu Estonia 15.000 tấn đã chìm trong vòng 25 phút và đang nằm dưới đáy biển dưới vùng nước lạnh giá của Baltic.
Trong số 989 hành khách và phi hành đoàn, chỉ có 137 người sống sót, khiến cả thế giới sửng sốt. Với 852 người thiệt mạng, đây là vụ chìm tàu chết chóc thứ hai trong thời bình của châu Âu sau tàu Titanic.
Ba năm sau, cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân của thảm họa kết luận rằng là do lỗi khóa trên tấm che mũi tàu trong cơn bão khiến nước tràn vào trong.
Nhưng giờ đây, phát hiện mới về tình trạng xác tàu đang thay đổi tất cả. Camera từ chiếc tàu ngầm điều khiển từ xa trong dự án phim tài liệu vào tháng 9-2019 đã ghi lại được cảnh quay về một lỗ hổng trong thân tàu rộng ít nhất 4m.
Sau thông tin này, tháng 12-2020, Thủ tướng Estonia kêu gọi mở cuộc điều tra mới về vụ chìm tàu còn chính phủ Thụy Điển có cuộc điều tra riêng về những phát hiện mới.
Ngay cả dư luận Anh cũng nghi ngờ về những bí mật đen tối ẩn trong xác tàu. Trong đó, bí ẩn nhất là tại sao Anh là quốc gia duy nhất không thuộc vùng Baltic lại ký kết Hiệp định Estonia năm 1995.
Hiệp định gồm Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Ba Lan và Nga, trong đó tuyên bố xác tàu là ngôi mộ trên biển và cấm bất kỳ ai đến gần nó.
Các bên tham gia ký kết vì có lợi ích quốc gia và địa lý rõ ràng trong vụ việc. Nhưng Vương quốc Anh, quốc gia chỉ có 2 công dân trên tàu, chưa bao giờ tiết lộ tại sao họ đồng ý không cho ai tiến gần đến xác tàu
“Trong hơn 20 năm, những người sống sót và gia đình họ vẫn đợi câu trả lời về điều gì thực sự xảy ra”, Paul Barney, kiến trúc sư 61 tuổi, người Anh duy nhất còn sống sót sau thảm kịch nói.
Lời giải thích duy nhất có thể là liên quan đến bí mật quân sự. Bộ phim tài liệu tiết lộ rằng, một báo cáo chính thức của Thụy Điển thừa nhận rằng tàu MS Estonia đã được quân đội Thụy Điển sử dụng để đưa lậu công nghệ quân sự của Nga ra khỏi thủ đô Tallinn của Estonia vài tuần trước vụ chìm tàu.
Bộ phim còn nêu tên đặc vụ Cục Tình báo Anh Richard Tomlinson khi xác nhận với một nhà báo vào năm 1998 rằng con tàu có thể liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Nga.
Thời điểm đó, Liên Xô gần tan rã nên các loại vũ khí ở Estonia đã bị “rút ruột”. Người Nga đã cảnh báo phương Tây nếu không ngừng các hoạt động buôn lậu đó thì sẽ phải đối mặt với những hậu quả không thể xác định.
Nhà báo Thụy Điển Henrik Evertsson, người thực hiện bộ phim tài liệu, đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự ở Thụy Điển vì vi phạm hiệp ước quốc tế khi cho tàu lặn tiếp xúc xác tàu bất hợp pháp. Evertsson nói rằng anh đã cho các quan chức xem đoạn phim do tàu không người lái quay được.
“Chúng tôi không có kế hoạch hủy bỏ luật bảo vệ sự bình yên cho ngôi mộ, nhưng chúng tôi sẽ xem xét luật cần được điều chỉnh như thế nào để phục vụ công tác điều tra”, Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg cho biết
Hải Yến