Đẩy lùi rác thải nhựa bằng kinh tế tuần hoàn

Dựa trên mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội, kinh phí dành cho xử lý chất thải sinh hoạt thấp hơn từ 5 - 8 lần so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác... Đó là thông tin được công bố tại cuộc hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức tại Hà Nội.

Có chủ đề "Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa tại Việt Nam", Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Nhóm công tác Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP).

Chí phí xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam còn thấp

Vấn đề đầu tiên được nêu lên tại hội thảo là thực trạng ô nhiễm nhựa, cũng như chi phí xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam còn thấp.

Chia sẻ về báo cáo hiện trạng chất thải nhựa, PGS-TS. Nguyễn Tài Tuệ (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết lượng chất thải nhựa phát sinh ở nước ta trong năm 2022 là 2,9 triệu tấn, trong đó bao bồm 1,6 triệu tấn ở đô thị và 1,3 triệu tấn ở nông thôn. Trong tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn, chỉ có 0,9 triệu tấn được phân loại và 0,77 triệu tấn được tái chế. Lượng phát sinh chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn...

Trong tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn, chỉ có 0,9 triệu tấn được phân loại và 0,77 triệu tấn được tái chế. Ảnh minh họa

Trong tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn, chỉ có 0,9 triệu tấn được phân loại và 0,77 triệu tấn được tái chế. Ảnh minh họa

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức liên quan đến các quy định về chính sách (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - EPR, thuế đối với các sản phẩm nhựa còn thấp, chưa thực hiện đồng bộ…), chưa có nguồn lực chuyên trách về quản lý chất thải nhựa ở các địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ashraf El-Arini (Ngân hàng thế giới - WB) cho biết lượng rác nhựa lớn nhưng chi phí cho xử lý chúng tại Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trên thế giới. Vị đại diện WB cho biết hiện nay, có hai nguồn kinh phí chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam là ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường. Năm 2020, ngân sách nhà nước phân bổ cho xử lý rác tổng cộng 10.897 tỷ đồng (gồm 9.104 tỷ cho vận hành và 1.793 tỷ đồng cho đầu tư). Phí vệ sinh môi trường trong cùng năm ước tính là 3.439 tỷ đồng.

Tổng kinh phí cho quản lý rác thải rắn sinh hoạt ước tính là 14.336 tỷ đồng (tương ứng 0,23% GDP). Con số này thấp hơn một nửa so với chi tiêu toàn cầu cho quản lý chất thải là 0,5% GDP.

Dựa trên mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội, kinh phí dành cho xử lý chất thải sinh hoạt thấp hơn từ 5 - 8 lần so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác. Kinh phí đầu tư được phân bổ cho mỗi hộ gia đình mỗi năm tương đương với 67.000 đồng (tương ứng 0,04% thu nhập hộ gia đình trung bình trên toàn quốc).

Qua đó, ông Ashraf El-Arini đánh giá, Việt Nam đang dành nguồn tài chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt thấp hơn so với mức khuyến nghị và so với quốc tế. Nguồn kinh phí vận hành hiện có đủ để trang trải chi phí thu gom và vận chuyển song không đủ cho chi phí xử lý và tiêu hủy.

Toàn ảnh Hội thảo Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa tại Việt Nam.

Toàn ảnh Hội thảo Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa tại Việt Nam.

Phân bổ kinh phí hợp lý trong xử lý rác thải nhựa

Vậy bài toán này sẽ phải giải như thế nào? Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), qua tham luận của mình, cho rằng kinh tế tuần hoàn như một giải pháp toàn diện: “Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải tìm kiếm các giải pháp toàn diện và tổng thể để giải quyết thách thức, hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa”.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần có sự đồng thuận và tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm nhà cung cấp vật liệu nhựa, nhà sản xuất bao bì, các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải nhựa và cộng đồng dân cư. Ông Tuấn cho rằng: “Cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ toàn cầu đến quốc gia, bao gồm cơ chế hợp tác chung giữa các quốc gia đến cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp về giải quyết ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ cho hệ sinh thái thu gom, tái chế sản phẩm nhựa nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quy trình kinh tế tuần hoàn”.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

PGS-TS. Nguyễn Tài Tuệ đề nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng. Đẩy mạnh phát triển, chuyển giao các giải pháp khoa học - công nghệ để nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải chất thải nhựa. Ngoài ra cần tăng cường trao đổi, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Một số giải pháp cần ưu tiên thực hiện, theo PGS-TS. Nguyễn Tài Tuệ là: Giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa; tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức sử dụng các sản phẩm nhựa; xây dựng quy định kỹ thuật về đánh giá khối lượng chất thải nhựa phát sinh; điều tra thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.

Ông Ashraf El-Arini, cũng đưa ra bốn kịch bản quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, tương ứng với mức đầu tư từ thấp đến cao. Mức thấp là hệ thống quản lý chất thải rắn cơ bản được hiện đại hóa. Thứ hai là kịch bản giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Kịch bản thứ ba có công nghệ xử lý chất thải tiên tiến với chi phí thấp hơn và cuối cùng là kịch bản dùng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến.

Cùng với đó, ông khuyến nghị Việt Nam nên kết hợp cân bằng giữa phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp vốn đầu tư, còn phí vệ sinh môi trường được sử dụng để trang trải chi phí vận hành.

Phí vệ sinh môi trường có thể trang trải toàn bộ chi phí vận hành của kịch bản một (0,45% thu nhập trung bình) và kịch bản ba (0,74%). Đồng thời, chuyển nguồn ngân sách Nhà nước 10.897 tỷ đồng từ chi phí vận hành cho chi phí đầu tư hàng năm là 7.986 tỷ đồng trong kịch bản một và còn lại 2.911 tỷ đồng cho các khoản đầu tư quan trọng khác.

Vị chuyên gia cho rằng điều này sẽ thu hút nguồn tài chính và sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời giải phóng nguồn lực cho các khoản đầu tư thiết yếu không thể huy động từ các nguồn tư nhân và thực hiện các giải pháp khuyến khích, ưu đãi để giảm phát sinh chất thải và tác động đến hành vi của người dùng.

Việc thiếu hụt tài chính đầu tư của Nhà nước có thể được đảm bảo từ các nhà đầu tư bên ngoài, các quỹ và tổ chức tài chính quốc tế. Khả năng tiếp cận các quỹ như vậy sẽ được cải thiện đáng kể nếu chi phí hoạt động được chi trả toàn bộ hoặc một phần bằng phí vệ sinh môi trường. Phần thiếu hụt còn lại cần phải được bảo đảm từ các nguồn tài chính công.

Khi đó, nguồn vốn được giải phóng từ ngân sách nhà nước, cùng nguồn bổ sung từ các tổ chức tài chính quốc tế, có thể được sử dụng cho các khoản đầu tư trọng điểm như đóng cửa các bãi rác và nâng cấp các bãi chôn lấp không hợp tiêu chuẩn vệ sinh.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ về các sáng kiến truyền thông, nâng cao năng lực nhận thức người tiêu dùng và thúc đẩy bao bì bền vững góp phần thực hiện cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025; giải pháp thực hiện hiệu quả EPR và vai trò của các tổ chức quốc tế; các khuyến nghị tài chính và tác động tài chính trong lĩnh vực chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam...

Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/day-lui-rac-thai-nhua-bang-kinh-te-tuan-hoan-39124.html