Đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức người dân. Trong đó, việc thực hiện Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS' thuộc Dự án 9 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025) có nhiều kết quả nổi bật.

Nhiều chuyển biến tích cực

Đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Bù Gia Mập là huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống đông của tỉnh Bình Phước. Trong 8 xã, có 3 xã và 22 thôn đặc biệt khó khăn. Số hộ DTTS chiếm 36,6% dân số toàn huyện, trong đó có 1.172 hộ nghèo. Những năm qua, công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS luôn được huyện chú trọng, nhưng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra.

Ông Điểu Kiêng, Trưởng phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Gia Mập cho biết: Từ khi thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, tình trạng này trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, có tác động sâu sắc đến việc thực hiện đề án. Nhận thức của cán bộ, nhân dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng lên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là do nhận thức của người dân hạn chế; tập quán, phong tục còn lạc hậu. Ngoài ra, vẫn còn quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản, muốn sớm có con, người nối dõi, thêm lao động trong gia đình…

6 tháng đầu năm 2023, huyện Bù Gia Mập đã tổ chức các lớp tập huấn cho 600 người về Luật Hôn nhân và gia đình; nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình… cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã; già làng tiêu biểu, người có uy tín, trưởng thôn, y tế thôn bản trong đồng bào DTTS. Ban tổ chức mời đại diện các hộ DTTS tiêu biểu, những gia đình có tảo hôn và hôn nhân cận huyết tham dự các lớp tập huấn.

6 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập tổ chức hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho 400 người. Đây là những trưởng thôn, ấp, người có uy tín trong đồng bào DTTS; nam, nữ vị thành niên; thanh niên là đồng bào DTTS ở 4 xã khó khăn: Lộc Phú, Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) Bù Gia Mập, Phú Văn (huyện Bù Gia Mập).

Ông Điểu Ghé, người có uy tín ở xã Đắk Ơ cho biết: Trước đây, kết hôn được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán, do hai bên gia đình hứa hôn. Việc kết hôn chỉ cần sự chấp thuận của cha mẹ hai bên, sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, thôn, sóc mà không cần quan tâm đến tuổi tác. Được tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết như vậy là không tốt, các trường hợp này đã giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Lương Nhân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh,báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh triển khai nội dung về tảo hôn tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập

Việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, cùng nhiều chương trình khác tại huyện Bù Gia Mập đã giúp tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết có chiều hướng giảm dần theo từng năm. Năm 2016, huyện có 14 cặp tảo hôn, 6 cặp hôn nhân cận huyết thống, đến năm 2020 chỉ còn có 5 cặp tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; lồng ghép vào các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội... Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn, người có uy tín và già làng trong đồng bào DTTS nhằm phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn. Huyện cũng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cả nội dung, hình thức, cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên các nhóm đối tượng khó tiếp cận thông tin, những nơi có tỷ lệ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông TẠ HỒNG QUẢNG
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập

Phát huy vai trò già làng, người có uy tín

Huyện Hớn Quản có 13 thành phần DTTS, chiếm 21% dân số toàn huyện. Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn I năm 2015-2020 và giai đoạn II năm 2021-2025”, các cấp chính quyền ở huyện Hớn Quản đã có nhiều biện pháp tuyên truyền phong phú, thiết thực, đa dạng, giúp đồng bào nhận thức đúng đắn hơn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời.

Các đại biểu người có uy tín, già làng tiêu biểu huyện Hớn Quản tham gia hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức năm 2022

Đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm qua từng năm. Có được kết quả này, vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Điển hình như bà Thị Mương - người có uy tín, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Bà Thị Mương thường xuyên đến từng nhà vận động người dân, các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, không sinh con thứ ba để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn; đặc biệt là không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Để bà con nghe và làm theo, bà làm trước, đi trước trong vận động, tuyên truyền họ hàng, người thân, con cháu. Những con trai, con gái của bà không chỉ kết hôn đủ tuổi mà chỉ sinh 2 con. Hiện nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại ấp Bù Dinh, xã Thanh An không còn.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cưới xin chưa đủ tuổi trong vùng đồng bào DTTS sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025).

Điểu Lành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147024/day-lui-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong